Bản tin MXV Năng lượng 12/01: Sức nóng khu vực Biển Đỏ đẩy giá dầu tăng trở lại
08:57 SA @ Thứ Sáu - 12 Tháng Giêng, 2024

Giá dầu biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/01, trước hàng loạt thông tin quan trọng, từ yếu tố địa chính trị cho tới tâm điểm dữ liệu lạm phát Mỹ. Kết thúc phiên, giá lấy lại động lực tăng, chủ yếu do các biến động quanh khu vực Biển Đỏ lấn át yếu tố kinh tế vĩ mô, đã thúc đẩy lực mua trên thị trường. 
Cụ thể, dầu WTI tăng 0,91% lên mức 72,02 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,79% lên 77,41 USD/thùng.

Hải quân Iran hôm thứ Năm đã bắt giữ một tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man, nơi từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng lớn giữa Tehran và Washington. Vụ bắt giữ càng làm gia tăng căng thẳng trên các tuyến đường thủy ở Trung Đông, là nguyên nhân chính cho đà tăng của giá dầu trong phiên.

Con tàu bị bắt giữ được biết đến với cái tên Suez Rajan, đã từng vướng vào một vụ tranh chấp kéo dài một năm và khiến Bộ Tư pháp Mỹ thu giữ 1 triệu thùng dầu thô Iran trên đó.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào các tuyến đường vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ trong tuần này. Thương mại toàn cầu giảm 1,3% trong tháng 12 so với tháng 11 năm 2023 do các cuộc xung đột liên tục diễn ra. 

Cũng đóng góp vào đà tăng của giá dầu, dữ liệu từ S&P Global cho biết thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) Azerbaijan đã sản xuất 480.000 thùng dầu mỗi ngày vào tháng cuối 2023, thấp hơn 204.000 thùng/ngày so với hạn ngạch theo thoả thuận vào tháng 12.

A graph with a lineDescription automatically generated

Mặc dù được hỗ trợ bởi các rủi ro địa chính trị, nhưng giá dầu cũng chịu sức ép đáng kể sau khi Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tăng trở lại trong tháng 12. Điều này đã thu hẹp mức tăng của dầu thô vào cuối phiên.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,2% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức 3,1% của tháng 11/2023. Con số này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa thể vội vàng cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường. Đồng USD tăng giá, đã gây áp lực cho dầu thô định giá bởi đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, trước các lo ngại về tình hình nguồn cung, giá dầu vẫn được hỗ trợ trở lại. Ngoài ra, Wood Mackenzie cho biết trong một báo cáo rằng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục lập kỷ lục trong năm nay, với mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu dự kiến ở mức gần 2 triệu thùng/ngày so với năm 2023. Tổng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt trung bình 103,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Nến liên tục rút chân tại vùng giá 74 USD, cũng là bị chặn ở đường SMA200 khung H4 và cạnh trên của kênh giảm lớn.

Tuy nhiên, dải Bollinger Band khung D1 đang cho thấy dấu hiệu thắt chặt lại, với đường SMA có xu hướng hướng lên. Điều này rất có thể là một tín hiệu cho giá dầu có những đột phá trong các phiên tới sau khi giằng co trong khoảng hẹp tích luỹ. Mô hình tam giác cũng hẹp dần, củng cố cho xu hướng phá vỡ sắp tới. 

Góc nhìn về trung hạn, các nhà đầu tư chưa nên mở vị thế ở vùng giá hẹp hiện tại, nhất là phiên cuối tuần khả năng giá vẫn sẽ ở vùng 72 – 74 USD. Cần chờ đợi thêm tín hiệu. Nếu như giá lên trên vùng 74 USD và ổn định trên vùng này, có thể sẽ tạo xu hướng tăng trong trung hạn, với mục tiêu gần 80 USD.


Nguồn: