Bản tin MXV Năng lượng 18/01: Giá dầu thu hẹp đà giảm về cuối phiên dưới áp lực từ nguồn cung
09:46 SA @ Thứ Năm - 18 Tháng Giêng, 2024

Kết thúc ngày giao dịch 17/1, giá dầu diễn biến giằng co và chốt phiên không thay đổi nhiều so với mức tham chiếu. Lực bán gia tăng mạnh mẽ vào đầu phiên dưới áp lực từ loạt dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, lo ngại nguồn cung gián đoạn do thời tiết lạnh khắc nghiệt tại Mỹ đã thu hẹp đà giảm của giá về cuối phiên. 

Cụ thể, giá dầu WTI giảm nhẹ 0,06% xuống 72,48 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,52% xuống 77,88 USD/thùng.

Giá dầu chịu nhiều sức ép ngay từ đầu phiên khi thị trường phản ứng tiêu cực với loạt dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc, làm tăng thêm mối lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ ảm đạm. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2024 của nước này chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tháng 12/2023 tăng trưởng chậm lại, giá nhà ở tháng 12/2023 giảm mạnh nhất trong gần 9 năm.

Lực bán cũng được củng cố sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố báo cáo thị trường dầu tháng 1/2024. Báo cáo cho thấy sản lượng dầu của OPEC, loại bỏ số liệu của Angola, đã tăng 73.000 thùng/ngày lên 26,7 triệu thùng/ngày trong tháng 12. Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong năm 2025 dự kiến chậm lại ở mức 1,8 triệu thùng/ngày, từ mức 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Tuy nhiên, lo ngại nguồn cung gián đoạn tại North Dakota, bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, đã thu hẹp đà giảm của giá dầu về cuối phiên. Cơ quan quản lý đường ống bang North Dakota ở Mỹ cho biết sản lượng dầu của bang đã giảm 650.000 - 700.000 thùng/ngày do thời tiết cực lạnh và những thách thức liên quan đến hoạt động. Con số này chiếm hơn một nửa sản lượng thông thường của bang.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 12/1 tăng 483.000 thùng, trái ngược với kỳ vọng giảm của 300.000 của thị trường. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tiếp tục ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt 4,86 triệu thùng và 5,21 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Điều này cho thấy nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới vẫn đang trong trạng thái suy yếu, tiếp tục gây áp lực lên giá dầu.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Lực mua gia tăng mạnh mẽ khi giá rơi về hỗ trợ là đường trendline tăng ngắn hạn màu hồng, hình thành mẫu hình nến spinning top rút chân mạnh. Giá backtest thành công vùng hỗ trợ 70,5 – 70,8 USD. Hai đường %D và %K của Stoch RSI bắt đầu cắt lên.  Trên khung 4H, loạt nến rút chân xuất hiện, theo sau là các nến tăng, cho thấy lực mua đang áp đảo. Tuy nhiên, trên khung 1H, giá có dấu hiệu giằng co đi ngang tại vùng kháng cự 72,5 – 72,8 USD, với Stoch RSI đã đi vào vùng quá mua. Nhiều khả năng giá có thể sẽ backtest hỗ trợ tâm lý 72 USD, trước khi tiếp tục xu hướng tăng lên 73.5 – 74 USD.  Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua tại 71,8 – 71 USD, với kỳ vọng chốt lời tại 73,5 – 73,8 USD và cắt lỗ nếu giá giảm quá 70,5 USD. 


Nguồn: