Bản tin MXV Năng lượng 3/10: Giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp trước một số sự bổ sung nguồn cung
02:17 SA @ Thứ Ba - 03 Tháng Mười, 2023

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/10, dầu thô ghi nhận phiên giảm giá mạnh thứ 3 liên tiếp, ngay trước thềm cuộc họp của Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra vào ngày 4/10. Tâm lý thận trọng đã thúc đẩy các giao dịch chốt lời. Bên cạnh đó, sự gia tăng sản lượng của một số quốc gia trong nhóm OPEC+, cùng đà mạnh lên của đồng USD đã gây sức ép cho giá dầu trong phiên giao dịch hôm qua.

Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 2,17% xuống 88,82 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 12 chốt phiên với mức giá 90,71 USD/thùng, sau khi giảm 1,62%.

Theo Reuters, các nhà phân tích cho biết một số nhà giao dịch đã chốt lời sau khi giá dầu thô tăng gần 30% lên mức cao nhất trong 10 tháng trong quý 3.

Theo Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, trước khi giá dầu thô giảm bắt đầu vào ngày 28/9, các nhà đầu cơ Mỹ đã tăng vị thế quyền chọn và hợp đồng tương lai dài hạn của họ trên Sàn NYMEX lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Ngoài ra, tín hiệu về sự gia tăng sản lượng dầu của một số thành viên trong OPEC, bất chấp sự cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia cũng đã thúc đẩy lực bán trong phiên hôm qua.

Cụ thể, theo kết quả cuộc khảo sát của Reuters ngày 2/10, trong tháng 9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC) đã bơm khoảng 27,73 triệu thùng/ngày, tăng 120.000 thùng/ngày so với tháng 8. Trong đó, sản lượng từ Nigeria tăng 110.000 thùng/ngày và sản lượng từ Iran đạt mức 3,5 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ năm 2018 bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Thêm vào đó, nguồn tin từ Reuters cũng cho biết xuất khẩu dầu của Venezuela trong tháng 9 đạt 800.000 thùng/ngày, mức trung bình hàng tháng cao thứ 2 trong năm 2023, do công ty dầu khí nhà nước PDVSA và các liên doanh phục hồi sản lượng. Quốc gia này đã báo cáo sản lượng dầu thô đạt mức 820.000 thùng/ngày trong tháng 8, cao hơn mức 810.000 thùng/ngày mà nước này sản xuất trong tháng 7, với mức trung bình tích lũy khoảng 785.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay.

Về phía Saudi Arabia và Nga, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, lưu lượng dầu thô bằng đường biển của Saudi Arabia đã tăng hơn 800.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trong khi đó, lưu lượng từ các cảng Baltic và Biển Đen quan trọng của Nga tăng khoảng 325.000 thùng/ngày.

Sự gia tăng xuất khẩu của Saudi Arabia được đánh giá là do nhu cầu cao điểm mùa hè trong nước kết thúc, làm gia tăng khối lượng bán hàng ra thị trường quốc tế. Điều này cũng góp phần xoa dịu lo ngại nguồn cung, khiến cho giá dầu gặp áp lực trong phiên.

Bên cạnh đó, về yếu tố vĩ mô, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng so với rổ các loại tiền tệ khác, sau khi chính phủ Mỹ tránh được việc đóng cửa một phần và dữ liệu kinh tế tích cực hơn làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này cũng góp phần gây sức ép cho giá dầu khi chi phí mua hàng và nhập khẩu hàng hoá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Việc giá dầu rơi khỏi vùng hỗ trợ 90 USD/thùng đã đẩy giá xuống vùng hỗ trợ tiếp theo ở vùng 88 USD/thùng, cũng là cạnh dưới của kênh xu hướng giảm trong ngắn hạn. Giá trượt sâu xuống dưới đường EMA50. Nhiều khả năng giá sẽ tiến về cạnh dưới của kênh tăng giá chính để kiểm tra lại kênh này.

Ở vùng giá 88 USD/thùng, nếu giá phá vỡ vùng này thì có thể sẽ xuống các mức thấp hơn, trước mắt là vùng 87 USD/thùng. Nhưng trong bối cảnh rủi ro trước thềm cuộc họp OPEC+, các nhà đầu tư chưa nên vào vị thế, mà cần chờ thêm các thông tin cơ bản trên thị trường. Nếu giá có tín hiệu rút chân ở vùng 88 USD/thùng, sẽ trở về vùng 90 USD/thùng.

Nguồn: