Cơ hội mới cho doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan xăng dầu
04:08 SA @ Thứ Hai - 04 Tháng Tư, 2016

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cơ chế hoạt động chính thức của kho ngoại quan xăng dầu, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 88/2013/TT-BTC để áp dụng thủ tục cho tất cả các công ty kinh doanh kho ngoại quan xăng dầu.

Thủ tướng đồng ý cơ chế chính thức hoạt động kho ngoại quan xăng dầu tạo cơ hội phát triển cho DN và tăng thu ngân sách nhà nước. Ảnh: ST.

Lợi ích chung

Là đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư, Tổng cục Hải quan cho rằng, cơ sở pháp lý quy định về một số hoạt động được phép thực hiện trong kho ngoại quan xăng dầu (pha chế và chuyển loại xăng dầu) hiện nay được quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và kiểm soát hải quan.

Bên cạnh đó, kết quả đạt được sau hơn hai năm thực hiện thí điểm là tương đối khả quan. Nguồn thu ngân sách thông qua lượng hàng hóa NK từ kho ngoại quan Vân Phong tăng lên đáng kể, từ 6,634 nghìn tỷ đồng tính trong hai năm 2012 và 2013 tăng đến 20,566 nghìn tỷ đồng tính từ năm 2014 đến cuối năm 2015. Ngoài ra, cùng với sự tăng trưởng đáng kể của kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong, nguồn thu của các đơn vị quản lý Nhà nước cũng tăng lên tương ứng, góp phần đảm bảo đời sống và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Theo Tổng cục Hải quan, từ hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng mà hoạt động kinh doanh xăng dầu trong kho ngoại quan xăng dầu đem lại và về cơ chế pháp lý hiện tại thì việc triển khai chính thức và mở rộng cơ chế này cho tất cả kho ngoại quan xăng dầu là cần thiết.

Tổng cục Hải quan cho rằng, Thông tư khi được ban hành sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của các DN kinh doanh xăng dầu nói chung và các DN kinh doanh kho ngoại quan xăng dầu nói riêng. Các quy định sẽ tạo điều kiện cho tất cả các kho ngoại quan xăng dầu đáp ứng các điều kiện về công tác quản lý Nhà nước và điều kiện giám sát của hải quan được thực hiện các hoạt động xuất, nhập xăng dầu, các nguyên liệu để pha chế xăng dầu; hoạt động pha chế, chuyển loại xăng dầu tại kho ngoại quan. Từ đó các DN kinh doanh kho ngoại quan sẽ có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh xăng dầu, mở rộng thị trường, giúp tăng doanh thu và tạo ra nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Đối với công tác quản lý, ngoài việc thay đổi một số nội dung quy định chưa hợp lý tại Thông tư 88/2013/TT-BTC dự thảo đã bổ sung một số quy định cụ thể liên quan tới các trường hợp mua bán xăng dầu qua trung gian; điều kiện giao hàng đối với xăng dầu từ kho ngoại quan xăng dầu đưa vào nội địa; hướng dẫn việc khai báo xuất xứ lô hàng… Như vậy, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN với các quy định cụ thể, rõ ràng, dự thảo Thông tư sẽ giúp cho việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan Hải quan nói riêng được thuận lợi, đảm bảo đúng các quy định của nhà nước về quản lý xăng dầu.

Phù hợp thông lệ quốc tế

Để đảm bảo quản lý, theo Tổng cục Hải quan, dự thảo Thông tư dự kiến sẽ có điểm mới như: Đối tượng áp dụng là tất cả các công ty kinh doanh kho ngoại quan xăng dầu. Bên cạnh đó, quy định về tỷ lệ hao hụt sẽ được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh kho ngoại quan xăng dầu. Dự kiến quy định về tỷ lệ hao hụt theo hướng “tỷ lệ hao hụt đối với hoạt động nhập, xuất, pha chế, chuyển loại, bảo quản, tồn trữ xăng dầu trong kho được xác định căn cứ vào chứng thư giám định của Công ty giám định độc lập quốc tế”. Thực tế, xăng dầu gửi kho ngoại quan là xăng dầu của chủ hàng nước ngoài gửi vào theo thông lệ quốc tế thì việc xác định tỷ lệ hao hụt thường được căn cứ vào chứng thư giám định quốc tế của Công ty giám định độc lập quốc tế.

Thông tư thay thế sẽ hướng dẫn thủ tục hải quan đối với xăng dầu, nguyên liệu từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan xăng dầu và đối với xăng dầu, nguyên liệu từ nội địa vào kho ngoại quan xăng dầu theo hướng: Quy định việc khai báo xác nhận thực xuất và thực nhập trên Hệ thống VNACCS/VCIS thay vì tờ khai khai báo và xác nhận trên tờ khai giấy trước kia để phù hợp với quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Liên quan đến việc giám định, dự thảo Thông tư sẽ có những điểm thay đổi, thay vì chủ kho chịu trách nhiệm thực hiện giám định khối lượng, trọng lượng, chủng loại lô hàng như tại Thông tư 88/2013/TT-BTC thì tại Thông tư thay thế dự kiến sửa lại theo hướng chủ kho chịu trách nhiệm đề nghị thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định độc lập theo quy định của pháp luật tiến hành giám định khối lượng, trọng lượng, chủng loại lô hàng. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 256 Luật Thương mại, chỉ các thương nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định. Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư quy định chủ kho phải chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng đối với kho chứa xăng dầu, nguyên liệu nhập kho chứa trong bồn, bể. Vì kho chuyên dùng chứa xăng dầu không thể niêm phong do hệ thống bồn, bể liên hoàn và việc niêm phong ảnh hưởng đến kinh doanh và khó khả thi. Hơn nữa, kho ngoại quan đã có hệ thống giám sát bằng máy tính. Vì vậy, bỏ niêm phong hải quan để giám định thủ tục hành chính.

Ngoài ra, theo Tổng cục Hải quan, bên cạnh việc kế thừa các quy định tại Thông tư 88/2013/TT-BTC, sửa đổi một số quy định để phù hợp thông lệ quốc tế, dự thảo Thông tư bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động pha chế, chuyển loại xăng dầu trong kho ngoại quan, thủ tục hải quan đối với trường hợp mua bán xăng dầu qua trung gian; điều kiện giao hàng đối với xăng dầu từ kho ngoại quan xăng dầu đưa vào nội địa; hướng dẫn việc khai báo xuất xứ lô hàng xăng dầu sau pha chế tại kho ngoại quan xăng dầu; thủ tục hải quan cho việc xuất hàng bằng đường bộ; thủ tục tạm nhập-tái xuất xăng dầu và thay đổi một số quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với những trường hợp phải giám định, kiểm tra… Theo Tổng cục Hải quan, dự thảo Thông tư sẽ tạo tác động tốt tới hoạt động kinh doanh của các DN kinh doanh kho ngoại quan xăng dầu, tạo thêm việc làm, tăng cạnh tranh và thúc đẩy dịch vụ này ngày càng phát triển.

Nguồn: