Gian nan lộ trình xăng E5 ra thị trường
02:13 SA @ Thứ Sáu - 03 Tháng Sáu, 2016

Từ ngày 01-6, theo lộ trình của Chính phủ thì 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại 8 tỉnh, TP lớn sẽ phải bán xăng sinh học E5, tiến tới thay thế hoàn toàn xăng A92. Nhưng kế hoạch cung cấp xăng E5 đang gặp nhiều vấn đề khó khăn.

Theo yêu cầu của Chính phủ, từ ngày 01-6 thì 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại 8 tỉnh, TP là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng phải bán xăng E5, tỷ lệ này tại các tỉnh, TP khác là 50%. Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai bán loại xăng này trên thị trường gặp nhiều bế tắc.

Theo tìm hiểu của PV, tới cuối năm 2015, trên địa bàn TP Hà Nội chỉ có khoảng 17% cửa hàng bán xăng E5. Còn theo báo cáo của Sở Công Thương TP HCM thì tính tới tháng 04-2016 thì mới chỉ có gần 50% cửa hàng xăng dầu tại TP này bán xăng sinh học E5, sản lượng tiêu thụ bình quân chiếm khoảng 6,3% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu tại TP HCM.

Gian nan đường ra thị trường của xăng sinh học E5. Ảnh: Khánh Phong

Xăng E5 vẫn còn xa lạ với người tiêu dùng, thậm chí cho đến bây giờ nhiều người vẫn chẳng còn để ý là có loại xăng này trên thị trường.

Chị Nguyễn Thùy Dương (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Tôi không để ý có những loại xăng nào đâu, xe hết xăng thì tôi vào cây xăng đổ đầy bình rồi lại lưu thông thôi. Hôm nay, vào cây xăng này mới thấy nói có loại xăng E5, tôi cũng không hiểu về loại xăng này lắm”.

Cùng suy nghĩ như chị Dương, anh Nguyễn Văn Hưởng (huyện Thanh Oai) cho biết: “Tôi không quan tâm đến loại xăng nào, khi cần đổ xăng cho xe thì ra cây xăng, người dân đổ loại xăng nào thì tôi đổ loại ấy”.

Cho đến thời điểm này, việc người dân không mấy mặn mà với xăng E5 đã đặt ra thách thức lớn với việc thực hiện lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng E5 của Chính phủ.

Theo ông Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá - Bộ Tài chính), đề án xăng E5 được thành lập năm 2007 và năm 2012 bắt đầu thực hiện, cho đến nay đã 4 năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu và người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà đối với loại xăng này. Đối với người tiêu dùng thì giá của loại xăng E5 chưa thực sự hấp dẫn. Hiện nay, giá 1 lít xăng E5 so với giá 1 lít xăng A92 chỉ chênh lệch 500 đồng/lit nên chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, chất lượng của xăng E5 mà cụ thể là vấn đề an toàn cho thiết bị, máy mọc trong quá trình sử dụng thì người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ.

Đối với các DN kinh doanh xăng dầu thì việc kinh doanh xăng E5 khác với các loại xăng khoáng bởi khi kinh doanh xăng E5 thì chi phí về hạ tầng cơ sở, về bồn bơm, cột xăng… đội lên rất là lớn, chính những điều kiện này sẽ làm cho chi phí tăng lên, mà khi chi phí tăng lên thì lợi nhuận sẽ giảm. Trong khi đó, mục tiêu của DN là lợi nhuận nên khi kinh doanh mà không có lợi nhuận thì chắc chắn DN sẽ không mặn mà.

Không chỉ đối mặt với sự thờ ơ của DN và người tiêu dùng mà vấn đề sản xuất và tiêu thụ xăng E5 còn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Thực chất xăng E5 là xăng có pha trộn Ethanol theo tỷ lệ 5% nhưng cho tới thời điểm này mà hầu hết các nhà máy nguyên liệu sinh học để cung cấp đầu vào Ethanol để pha trộn xăng E5 đều đã lâm vào tình cảnh phá sản hoặc ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài. Tình trạng thua lỗ này là do trong một thời gian dài sản phẩm của các nhà máy này không có thị trường tiêu thụ, một khi đã đầu tư lớn mà không có lối ra thì các nhà máy này làm sao có thể tồn tại được. Đầu ra cho xăng sinh học E5 đang bị thắt do sự thờ ơ của thị trường.

Về việc liệu Nhà nước có bù lỗ cho các nhà máy sản xuất Ethanol để các nhà máy này hoạt động, ông Ngô Trí Long cho rằng, trong cơ chế thị trường thì mục tiêu đầu tiên với bất kỳ DN nào hoặc nền kinh tế quốc dân thì hiệu quả là yêu cầu số 1. Vậy nên, trong tình hình việc công ty sản xuất Ethanol luôn luôn bị thua lỗ và dẫn tới tình cảnh có thể phá sản, trong khi đó tình hình ngân sách tài chính chưa thực sự mạnh mà lại đi bù lỗ cho các hoạt động không có hiệu quả thì thực sự rất mạo hiểm và không đúng với quy luật của kinh tế thị trường.

Chủ trương của Chính phủ đưa xăng E5 vào thay thế xăng A92 là đúng đắn, tuy nhiên không thể trông chờ vào việc nhận thức của người dân sẽ tự thay đổi để thích nghi với xăng sinh học. Hiện mới chỉ có cơ chế khuyến khích các DN bán xăng sinh học, chỉ có bắt buộc các DN chỉ bán xăng sinh học, nếu tạo được mặt bằng giá cả hấp dẫn để xăng sinh học rẻ hơn hẳn xăng A92 thì mới có khả năng hấp dẫn được thị trường. Đây là điều rất khó và câu hỏi đặt ra là Nhà nước sẽ phải có cơ chế gì cho các DN để làm được điều này.

Nguồn: