Kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn là thách thức
01:56 SA @ Thứ Hai - 08 Tháng Mười, 2018

Với những kết quả tích cực của bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội trong 9 tháng vừa qua, dự báo GDP năm 2018 sẽ đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Một điểm nhấn đáng chú ý là ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, lạm phát 2018 theo dự báo vẫn sẽ dưới 4%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thách thức là không nhỏ trong bối cảnh giá dầu có thể có những diễn biến khó lường và chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.

Giá xăng dầu tăng sẽ tác động tới lạm phát trong nước. Ảnh: ST.

Tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, nhận định về khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến thời điểm này, có thể khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2018, với 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt. Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay và nếu tăng trưởng GDP quý IV đạt 6,8-6,9% thì cả năm chắc chắn vượt mức 6,7%.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng đã được nhiều tổ chức nhận định khả quan. Ngân hàng ADB mới đây cho biết kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018 và dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% cho năm 2018, mặc dù có những thách thức trong và ngoài nước có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả khả quan, người đứng đầu Chính phủ vẫn yêu cầu, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt, vấn đề kiểm soát lạm phát vẫn nhận được sự quan tâm lớn. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, dù nhận định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh sức ép lạm phát còn rất lớn do cả nguyên nhân bên trong lẫn bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý… do vậy đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời xử lý.

Liên quan đến lạm phát, Ngân hàng ADB cho rằng áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Do đó, ADB cũng đã có động thái điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho 2019, trong khi đó, tháng 4/2018, ADB dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2018 vào khoảng 3,7%.

Thách thức từ nhiều phía

Hiện nay một trong những lo ngại là giá xăng dầu tăng sẽ tác động tới lạm phát trong nước, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược cả trong tiêu dùng lẫn sản xuất, việc xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng ngay làm tăng giá sản phẩm, chỉ số giá sản xuất tăng và chỉ số giá tiêu dùng tăng. Trong khi đó, diễn biến giá dầu thế giới là rất khó đoán định.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, kiểm soát lạm phát dưới 4% là thách thức và không đơn giản để giữ được mức tăng dưới 4%. Vì hiện nay trên thế giới giá dầu thô bấp bênh, có thể tăng lên bất kỳ lúc nào. Nếu giá dầu tăng cộng thêm mức thuế môi trường mới lên mặt hàng xăng dầu sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019 thì sẽ có những tác động đến CPI cũng như năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Chưa kể, hiện nay một số phí như phí kho bãi, vận chuyển có dấu hiệu tăng cho thấy sức ép lên giá cả là khá lớn. “Căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau khi Mỹ áp dụng lệnh cấm vận quy mô lớn với Iran cũng có thể khiến cho Iran quyết định đóng cửa eo biển Hozmuz, trong khi 70-80% dầu lửa của châu Á đi qua eo biển này. Nếu điều đó xảy ra thì có thể khiến giá dầu tăng vọt”, chuyên gia Lê Đăng Doanh cảnh báo thêm.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng trên thế giới biến động rất khó lường, đặc biệt trong 9 tháng đầu năm giá xăng dầu tăng mạnh. Hiện nay giá dầu thô Brend là 72,49 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 52,5 USD/thùng bình quân của 9 tháng đầu năm 2018, bình quân đã tăng 28,2%. Giá xăng cũng tăng mạnh, xăng Ron 92 tại thị trường Singapre tăng lên mức 78,8 USD/thùng… Trao đổi về tác động của giá xăng dầu tăng tới lạm phát, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong nước, 9 tháng vừa qua mặt hàng xăng đã có 8 lượt tăng và 3 lượt giảm giá, dầu hỏa có 10 đợt tăng và 4 đợt giảm, tổng chung lại việc giá xăng dầu tăng giảm trong thời gian qua theo tính toán đã tác động làm CPI tăng 0,69%. Do đó nếu xăng dầu tăng dứt khoát sẽ tác động tới CPI. “Tuy nhiên, Chính phủ đã có điều hành linh hoạt, chủ động nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Trong đó, mặt hàng xăng dầu Chính phủ đã có điều hành linh hoạt. Do đó mặc dù giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới CPI nhưng bình quân chung CPI 2018 sẽ được kiểm soát dưới 4%”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Về tác động của tỉ giá tới lạm phát, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay tỉ giá đã bắt đầu gây sức ép, theo đó sau khi lãi suất USD được điều chỉnh thì đồng Việt Nam đã mất giá, nhưng đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh hơn, trong khi đó Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc để có nguyên phụ liệu cho sản xuất, do đó việc điều chỉnh tỉ giá làm cho các mặt hàng đầu vào cho sản xuất, lắp ráp của Việt Nam tăng lên.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, thời gian qua, đồng USD mạnh lên, đặc biệt do Ngân hàng Trung ương Mỹ 3 lần điều chỉnh lãi suất và trong năm nay còn một lần điều chỉnh nữa. Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Trung ương Mỹ thì năm tới sẽ có 3 lần điều chỉnh lãi suất với đồng USD. Việc điều chỉnh tỷ giá này làm cho đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới.

Trước những diễn biến này, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp linh hoạt, phù hợp với việc điều hành tỉ giá trung tâm. “Trước đây, tỉ giá Việt Nam neo vào đồng USD, tuy nhiên hiện nay chúng ta có rổ ngoại tệ với 8 loại ngoại tệ khác để làm căn cứ điều hành. Mặc dù trong những tháng qua tỉ giá đồng tiền Việt Nam với USD có những biến động, trên thị trường tự do có những biến động khi tỉ giá đồng tiền Việt Nam với USD lên tới trên 23.000 đồng, nhưng vẫn nằm trong biên độ Ngân hàng Nhà nước điều hành là +-3%. Như vậy, điều hành tỉ giá thời gian qua rất thành công. Đây là yếu tố góp phần làm cho kiểm soát lạm phát của chúng ta vẫn dưới 4%”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Về vấn đề này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan với kết quả đạt được, cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đồng thời bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Nguồn: