Năm 2017: Xăng dầu tiếp tục chịu sức ép tăng giá
04:49 SA @ Thứ Năm - 29 Tháng Mười Hai, 2016

Chuyên gia Ngô Trí Long dự báo thị trường xăng dầu trong nước năm 2017 sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố, bao gồm: nguồn cung thế giới, chính sách thuế phí, quỹ bình ổn trong nước... Theo đó, khả năng giá xăng dầu sẽ nằm trong xu hướng tăng nhiều hơn.

Chuyên gia Ngô Trí Long

Thị trường xăng dầu 2016 đã chính thức khép lại sau đợt điều chỉnh cuối cùng vào ngày 20.12 vừa qua với mức tăng cao nhất từ đầu năm tới nay. Cụ thể, xăng RON 92 đã tăng thêm 919 đồng/lít lên mức tối đa 17.594 đồng/lít. Giá xăng sinh học E5 cũng tăng 800 đồng/lít lên mức tối đa 17.322 đồng/lít.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 13 lần với tổng cộng gần 6.500 đồng/lít, giảm 9 lần với tổng cộng cũng gần 5.000 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá. Vậy năm 2017 giá xăng, dầu sẽ thế nào? Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính).

- Nhận định của ông về thị trường xăng dầu trong nước năm 2016?

- Trên cơ sở xác định giá cơ sở, Nhà nước quyết định giá bán lẻ là hoàn toàn phù hợp với định chế của quản lý kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu Việt Nam đã dựa trên cơ sở giá thế giới và các sắc thuế cũng như mức trích/xả quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Đồng thời, căn cứ vào định mức chi phí kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý để quyết định giá cơ sở - căn cứ để điều hành giá bán lẻ theo chu kỳ 15 ngày.

- Theo ông, có những yếu tố nào tác động lên giá xăng dầu trong nước hiện nay?

- Có 3 yếu tố chính tác động lên giá xăng dầu trong nước hiện nay là giá xăng dầu thế giới, thuế phí và quỹ bình ổn. Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu và nguồn cung thế giới.

Nước ta tuân thủ theo cơ chế giá thị trường, trong khi đó nguồn cung trong nước không đảm bảo. Hội nhập thế giới thì phải tuân thủ theo giá thế giới. Vậy trong xu thế từ năm 2014, giá xăng dầu thế giới đã giảm do nhiều yếu tố tác động như: kinh tế, chính trị... cho nên nguồn cung tăng rất mạnh do các quốc gia trong khối OPEC không muốn mất thị phần và phải tăng sản lượng.

Thời gian gần đây, các nước trong khối đã quyết định giảm sản lượng, khi nguồn cung giảm chắc chắn giá xăng dầu sẽ phục hồi, mà giá xăng dầu thế giới tăng thì trong nước cũng phải tăng theo. Từ đó, nhiều dự báo cho rằng trong năm tới, giá xăng dầu thế giới sẽ tăng.

Về chính sách thuế phí, hiện nay cách tính thuế phí trong mặt hàng xăng dầu còn rất nhiều bất cập. Thứ nhất, chính sách giá xăng dầu của mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc vào chính sách tài chính, mà chính sách tài chính cũng chính là chính sách thuế và phí. Tuy nhiên, hiện 1 lít xăng dầu của Việt Nam phải cõng quá nhiều thuế phí. Điều này thực sự không đảm bảo lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mãnh liệt về chất lượng, về giá trị sử dụng thì yếu tố đầu vào là cực kỳ quan trọng. Mà xăng lại là mặt hàng nhập vào với mức thuế cao như vậy thì chắc chắn sẽ làm cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực.

Thứ ba, trong cơ cấu mặt hàng xăng dầu hiện nay, cách tính thuế là một yếu tố quan trọng trong công thức tính giá. Công thức tính giá hiện nay gồm các yếu tố: Giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn.

Với thuế nhập khẩu, trong khi điều chỉnh giữa các quý, thuế nhập khẩu đã được tính không sòng phẳng, luôn ở mức cao nhất. Điều này đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp "móc túi" của người tiêu dùng 3.500 tỉ đồng.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay đã bị tính nhầm do theo công thức cũ (công thức tính cũ với thuế tiêu thụ đặc biệt là luỹ kế trên giá CIF + thuế nhập khẩu) nên khoản thuế tiêu thụ đặc biệt bị tính thiếu là 185 đồng/lít. Người tiêu dùng được lợi nhưng doanh nghiệp lại không có lợi vì doanh nghiệp phải đóng thuế theo Nghị định 100 vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Bất cập này sẽ làm thâm hụt hàng trăm tỉ đồng của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Quỹ bình ổn xăng dầu hiện đã giảm nhiều, chỉ còn hơn 1.835 tỉ đồng.

- Từ những tác động trên, theo ông giá xăng dầu trong năm 2017 sẽ diễn biến theo chiều hướng nào và từ đó, ông có kiến nghị gì?

- Tất cả những yếu tố ở trên tôi đã đề cập sẽ tiếp tục tác động và gây sức ép lên giá xăng dầu trong năm tới. Theo đó, tôi cho rằng Nhà nước, cụ thể là những cơ quan quản lý cần kiểm soát giá, điều chỉnh thuế sao cho hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Muốn tạo ra nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu, đừng nên vắt kiệt nguồn thu.

Nguồn: