NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ CẦN TIẾP TỤC LÀM RÕ
10:30 SA @ Thứ Sáu - 25 Tháng Tư, 2014

Mặc dù đã đọc bài kỹ “Cái gọi là căn cứ pháp lý” của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhưng tôi vẫn không tin rằng với chức năng là một cơ quan quản lý tài chính cao nhất của Chính phủ lại có thể ra quyết định truy thu thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa trái với những căn cứ pháp lý hiện hành.

Vậy ngoài những văn bản pháp lý như Nghị định 154/2005/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 12 năm 2005 và Thông tư số 194/2010/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành để thực hiện Nghị định 154 nói trên còn có những văn bản pháp qui khác có liên quan đến việc xác định thời điểm tính thuế nhập khẩu đối với đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa hay không?

Theo tôi nghĩ, để có những kết luận cụ thể về việc truy thu thuế có hợp pháp hay không, ngoài hai văn bản nói trên phải xem xét lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp qui có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến quyết định truy thu thuế này. Để Diễn đàn “Tạm nhập tái xuất” thêm phong phú, xin đại diện Bộ tài chính và Hiệp hội xăng dầu Việt nam cung cấp thêm cho đọc giả những căn cứ pháp lý có liên quan.

Qua trang Web của Hiệp hội Xăng dầu Việt nam, tôi được tiếp cận công văn 16280/BTC-TCHQ của Bộ tài chính gửi Hiệp hội. heo công văn này, Bộ Tài chính lấy căn cứ là thực hiện việc truy thu thuế là theo sự chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước là không đủ sức thuyết phục. Mặc dù không biết nội dung của công văn số 622/VPCP-KTTH nhưng tôi cũng tin rằng rằng Phó Thủ Tướng chính phủ không thể chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện những công việc trái với luật định hiện hành.

Giả sử (tôi xin nhắc lại là giả sử) nếu có sự chỉ đạo của cấp trên trái với luật định hiện hành thì trách nhiệm của cấp dưới là phải giải trình kỹ cho cấp trên rõ về những vấn đề có liên quan chứ không thể thực hiện sự chỉ đạo này rồi đổ trách nhiệm ngược cho cấp trên được. Chỉ trong trường hợp sau khi giải trình bằng văn bản về những căn cứ pháp lý có liên quan mà Chính phủ vẫn tiếp tục có sự chỉ đạo thực hiện công việc đó bằng văn bản thì lúc này Bộ Tài chính mới hết trách nhiệm của một cơ quan chức năng giúp Chính phủ quản lý lĩnh vực được phân công.

Đó là một vài suy nghĩ của tôi về những vấn đề có liên quan.

Trần Đức Tuấn


Trả lời của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:

Anh Trần Đức Tuấn thân mến, theo yêu cầu của Anh trong bài viết “Những căn cứ pháp lý cần làm rõ”, chúng tôi xin trả lời như sau:
Căn cứ luật định hiện hành, việc tính thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa chịu sự điều chỉnh của hai luật và các văn bản dưới luật dưới đây:
1- Luật Hải quan do Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 06 năm 2001, và những văn bản dưới luật là:
1.1. Nghị định 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 12 năm 2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giảm sát hải quan.
1.2. Thông tư 194/2010/BTC-TT hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành ngày 06 tháng 12 năm 2010.

2- Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 06 năm 2001, và văn bản dưới luật là:
2.1. Nghị định 87/2010/NĐ-CP qui định chi tiết thi hảnh một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Sau đây là những điều khoản cụ thể trong các văn bản pháp lý nói trên mà Bộ Tài chính viện dẫn để chứng minh cho sự truy thu thuế của mình là đúng luật định hiện hành.

1- Luật Hải quan.
Trước hết, trong Luật Hải quan không có một điều khoản cụ thể nào quy định việc xác định thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất những không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

Tuy vậy, trong quá trình thảo luận những vấn đề có liên quan và trong Công văn số 10197/BTC-PC trả lởi Bộ Tư pháp, Vụ Chính sách Bộ tài chính lại viện dẫn một số điều khoản trong Luật Hải quan để chứng minh cho việc truy thu thuế của mình là phù hợp với luật định hiện hành, cụ thể là:
- Tại điểm a, khoản 2 Điều 23 (khoản 14, Điều 1) Luật Hải quan năm 2005 quy định về trách nhiệm của người khai hải quan: “Khai hải quan và thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 16, các điều 18, 20 và 68 của Luật này”;

* Sau đây là nội dung của Khoản 1 của Điều 16:
1. Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải:
a) Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp, xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;
b) Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định cho việc kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
c) Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Rất tiếc rằng, nội dung này chẳng liên quan gì đến việc tính mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

* Nội dung của Điều 18 là:
Điều 18. Thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan.
Người khai hải quan phải khai và nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải trong thời hạn sau đây:
1. Hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu;
2. Hàng hóa xuất khẩu được thực hiện chậm nhất là 08 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
3. Hành lý mang theo của người nhập cảnh, xuất cảnh được thực hiện ngay khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập và trước khi tổ chức vận tải chấm dứt việc làm thủ tục nhận hành khách lên phương tiện vận tải xuất cảnh. Hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
4. Hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh được thực hiện ngay khi hàng hóa, phương tiện vận tải tới cửa khẩu nhập đầu tiên và trước khi hàng hóa, phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cuối cùng;
5. Phương tiện vận tải đường biển xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện chậm nhất 02 giờ sau khi cảng vụ thông báo phương tiện vận tải đã đến vị trí đón trả hoa tiêu và 01 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
6. Phương tiện vận tải đường hàng không xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện ngay khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu và trước khi tổ chức vận tải chấm dứt việc làm thủ tục nhận hàng hóa xuất khẩu, hành khách xuất cảnh;
7. Phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện ngay sau khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập đầu tiên và trước khi phương tiện vận tải qua cửa khẩu xuất cuối cùng để xuất cảnh.
Một lần nữa nội dung Điều 18 cũng không hề liên quan gì đến việc tính mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

* Nội dung của Điều 20 là:
Điều 20. Khai hải quan
1. Khai hải quan được thực hiện thống nhất theo mẫu tờ khai hải quan do Tổng cục Hải quan quy định.
2. Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng theo nội dung trên tờ khai hải quan.
3. Người khai hải quan được sử dụng hình thức khai điện tử.
Nội dung Điều 20 cũng không liên quan gì đến việc tính mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

* Nội dung của Điều 68 là:
Điều 68. Trách nhiệm của người khai hải quan trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế và các khoản thu khác:
1. Kê khai, tính thuế, nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn và chịu trách nhiệm về việc kê khai, tính thuế của mình.
2. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày đăng ký tờ khai, nếu phát hiện có sự nhầm lẫn trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế thì phải báo cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục để điều chỉnh số tiền thuế phải nộp.
3. Thực hiện các nghĩa vụ khác trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
4. Chấp hành các quyết định của cơ quan hải quan về thuế và các khoản thu khác.
Nội dung Điều 68 cũng không liên quan gì đến việc tính mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

Nói tóm lại, không có một điều khoản nào mà Bộ Tài chính viện dẫn trong Luật Hải quan có đủ căn cứ pháp lý hoặc liên quan đến việc truy thu thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa. Cho đến nay, điều mà các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và Hiệp hội Xăng dầu Việt nam không hiểu là tại sao Bộ Tài chính lại viện dẫn những điều khoản như vậy?.

Sau đây là nội dung có liên quan trong các văn bản dưới Luật Hải quan:

1.1. Nghị định 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 12 năm 2005.
Là văn bản dưới luật, Nghị định 154/2005/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giảm sát hải quan.
Khoản 3, Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP quy định: “Trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu người khai có lý do chính đáng, có văn bản đề nghị và được Chi cục trưởng hải quan chấp nhận thì được bổ sung, sửa chữa tờ khai hải quan đã đăng ký; trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thì được thay tờ khai hải quan khác”.
Theo ngữ nghĩa trong từ điển tiếng Việt, “Được” ở đây không mang tính “bắt buộc” phải thực hiện một công việc nào đó. Điều đó có nghĩa là, trong trường hợp khi thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ thay đổi tờ khai hải quan nếu xét thấy cần thiết. Vì thế việc Bộ Tài chính viện dẫn Khoản 3, Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP cho việc truy thu thuế là không chuẩn xác. Thực tế cho thấy, từ năm 2010 đến ngày 07 tháng 12 năm 2012, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu muốn thay đổi tờ khai hải quan những yêu cầu này không được Tổng cục hải quan, Cục hải quan các tỉnh/thành phố chấp thuận vì các yêu cầu này trái với quy định trong Thông tư 194/2010/BTC-TT của Bộ Tài chính.

Tại Điểm 4 Điều 9 của Nghị định 154/2005/NĐ-CP quy định “hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan được áp dụng các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai”. Đây là một căn cứ pháp lý quan trọng cần xem xét khi tính thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

1.2. Thông tư 194/2010/BTC-TT.

Thông tư 194/BTC-TT là văn bản hướng dẫn Nghị định 154/2005/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành ngày 06 tháng 12 năm 2010.

Tại Điểm d Khoản 3 Điều 37 Thông tư số 194/2010/TT-BTC quy định: “Trường hợp hàng hóa tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết, doanh nghiệp đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa thì phải có văn bản gửi cơ quan hải quan. Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu và thanh khoản tờ khai tạm nhập, không đăng ký tờ khai mới, doanh nghiệp chỉ khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định. Hay nói cách khác chữ “được” tại Khoản 3, Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP đã được cụ thể hóa trong Thông tư 194/2010/BTC-TT là không đăng ký tờ khai mới.

Tại cuộc họp do Bộ Tư pháp chủ trì vào ngày 05 tháng 07 năm 2013, đại diện của Bộ Tài chính có giải thích rằng việc không đăng ký tờ khai mớichỉ đơn thuần làm giảm thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chứ không liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Cách giải thích này không có tính thuyết phục vì nội dung của Thông tư là: Hướng dẫn về thủ tục hải quan, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chứ không đơn thuần là một thông tư hướng dẫn về thủ tục khai hải quan.

- Tại khoản 9, Điều 10 Thông tư 194/2010/TT-BTC hướng dẫn “Trường hợp hàng hóa là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập - tái xuất, khi được tiêu thụ nội địa phải:
a) Kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan hải quan;

Mục a nói trên chỉ liên quan đến việc nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan hải quan mà không quy định về mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

b) Xác định lại trị giá tính thuế;

Mục b quy định phải tính lại trị giá của lô hàng nhập khẩu để tính thuế chứ không liên quan đến việc xác định lại mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

c) Xác định lại thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư này”.

Mục c quy định về việc phạt do chậm nộp thuế chứ không liên quan đến việc xác định lại mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

- Tại điểm b.3, khoản 2, Điều 18 Thông tư 194/2010/TT-BTC hướng dẫn “...nhập khẩu theo loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất nhưng chuyển sang tiêu thụ nội địa; thì tính lại thời hạn nộp thuế như hàng tiêu dùng (nếu là hàng tiêu dùng) hoặc thời hạn nộp thuế là ba mươi ngày đối với các trường hợp khác và phạt chậm nộp (nếu có).”
Điểm b.3, khoản 2, Điều 18 Thông tư 194/2010/TT-BTC nói trên quy định về thời hạn nộp thuế (để phạt do việc chậm nộp thuế) chứ không liên quan đến việc xác định lại mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

2. Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Để chứng minh cho việc truy thu thuế của mình là phù hợp với luật định hiện hành, Bộ Tài chính viện dẫn Điều 14 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu quy định: “thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được tính theo thuế suất, giá tính thuế và tỷ giá dùng để tính thuế theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế”.
Điều đáng nói ở đây là căn cứ pháp lý quan trọngmà Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh thành phố tính thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa trước khi cóCông văn số 17060 của Bộ Tài chính và đó chính là nộp theo mức thuế suất nhập khẩu khi đăng ký hải quan.

Ngoài Điều 14 nói trên, không có một điều khoản nào trong Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định 87/2010/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhâp khẩu quy định việc tính mức thuế suất nhập khẩu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

Xin trân thành cảm ơn Anh Trần Đức Tuấn đã nhiệt tình tham gia Diễn đàn của chúng tôi. Hy vọng rằng những căn cứ pháp lý trích dẫn nói trên sẽ giúp Anh giải tỏa phần nào sự băn khoăn của mình khi xem xét quyết định truy thu thế xăng dầu tạm nhập tái xuất những không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa.

Nguồn: