PGS.TS Ngô Trí Long: Nếu có thể nên điều chỉnh giá xăng dầu hàng tuần
06:58 SA @ Thứ Năm - 12 Tháng Mười, 2017

Đánh giá về cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, việc điều chỉnh giá là đúng, trước đây là 30 ngày, hiện nay còn 15 ngày điều chỉnh 1 lần, nếu có thể thì nên điều chỉnh hàng tuần hoặc 5 ngày thì tốt hơn.

PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính). Ảnh:Internet

PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính). Ảnh: Internet

PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, cơ chế quản lý giá về xăng dầu của Việt Nam đang tuân thủ theo đúng thể chế quản lý giá trong kinh tế thị trường. Có nhiều người nhầm lẫn và cho rằng giá của Việt Nam không như Lào và Campuchia khi 2 nước này có nhiều loại giá bán khác nhau, không bị “áp” giá trần như Việt Nam.

Theo ông Long, cách hiểu như vậy là sai, vẫn biết rằng kinh tế thị trường là phải tự do hóa giá cả có nghĩa là phải để giá cho thị trường quyết định, nhưng tùy theo hình thức thị trường mà có những cách quản lý khác nhau. Ở Mỹ cũng như vậy, nếu độc quyền thì nhà nước phải kiểm soát bằng giá.

Còn trong cơ chế quản lý giá về mặt hàng xăng dầu hiện nay thì phải khống chế giá trần vì trên thị trường xăng dầu ngoài Petrolimex đang chiếm tới 47% thị phần, cộng thêm PVOil và Saigon Petro thì 3 doanh nghiệp này đã chiếm hơn 70% thị phần xăng dầu cả nước.

Ông Long đánh giá, về nguyên tắc, chúng ta phải hiểu 3 “ông lớn” này đang chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, hay nói cách khác là còn có hiện tượng độc quyền nhóm trong kinh doanh xăng dầu. Chính việc này buộc nhà nước không thể “thả nổi” giá cho thị trường quyết định được. Nếu để thị trường quyết định thì 3 “ông” này sẽ áp đảo và lợi dụng để nâng giá. Cho nên, Nhà nước chỉ quy định đối với trường hợp độc quyền thì sẽ quyết định giá trần, không được bán vượt giá trần, còn nếu bán thấp thì càng tốt.

“Nhiều chuyên gia phản đối việc thị trường xăng dầu bị khống chế giá là không đúng. Giá đó là giá trần, doanh nghiệp không được vượt qua”, ông Long nói.

Vẫn theo ông Long, mặc dù trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có cho phép doanh nghiệp tự định giá từ 3 -5% nhưng nhà nước cũng không để doanh nghiệp tự quy định. Nếu để doanh nghiệp tự quy định thì họ sẽ tự điều chỉnh và doanh nghiệp độc quyền sẽ lợi dụng độc quyền của mình thông qua giá và sẽ tự quyết định giá.

“Do đó, giá quy định là giá trần cũng không trái với thể chế quy định giá trong quản lý kinh tế thị trường, và các nước cũng như vậy”, ông Long khẳng định.

Ông Long cho biết thêm, nếu có thị trường cạnh tranh thực sự thì việc thả nổi giá là đương nhiên. Quan điểm cho rằng ở Việt Nam bị khống chế giá trần khiến doanh nghiệp rất khó bán chỉ là cách biện hộ để doanh nghiệp không giảm giá xuống nữa.

“Nhà nước không hạn chế doanh nghiệp giảm giá xăng dầu, muốn giảm bao nhiêu cũng được nhưng không được bán vượt giá nhà nước quy định. Có nhiều ý kiến phát biểu rất hùng hồn phải để cho thị trường quyết định, đây hoàn toàn là quan điểm sai, phi thị trường”, ông Long chia sẻ.

Nguồn: