Quan điểm của VINPA về bài viết "T.S Lê Đăng Doanh: “Sốc” vì xăng tăng giá không minh bạch"
11:07 CH @ Thứ Năm - 10 Tháng Bảy, 2014
T.S Lê Đăng Doanh:“Sốc” vì xăng tăng giá không minh bạchẢnh: Internet

Ngày 9/7/2014 vừa qua, trang web Motthegioi.vn có đăng tải bài viết của tác giả Phong Vũ có tựa đề T.S Lê Đăng Doanh: “Sốc” vì xăng tăng giá không minh bạch". Sau đây Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam xin đăng tải nguyên văn bài viết, đồng thời thể hiện quan điểm của Hiệp hội về nội dung bài viết này.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tăng giá xăng không minh bạch sẽ gây ra tác động dây chuyền tới lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực tới người dân.

Ông đánh giá như thế nào về việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày hôm qua?

Giá xăng tăng ngày hôm qua thực sự là tin sốc với người tiêu dùng. Về mặt nào đấy, việc tăng giá xăng này có thể hiểu được vì tỉ giá đã tăng 1% và giá xăng thế giới cũng tăng.
Tuy vậy, việc tăng liên tục và dồn dập 10 lần từ đầu năm đến nay chắc chắn gây ra tác động dây chuyền tới lạm phát và rất tiêu cực với người dân.

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung làm rõ Nghị định 84 và đặc biệt là cơ cấu của giá thành về xăng dầu, cho đến nay giá xăng tăng lên nhưng không rõ cơ cấu giá thành xăng dầu như thế nào, khoảng thời gian để định giá, giá thành từ khi nhập khẩu, giá sàn…

Việc tăng giá xăng chạm đỉnh ngày hôm qua chắc chắn dẫn đến mớ rau quả trứng đều tăng lên và sẽ đóng góp cho lạm phát sắp tới.

Các doanh nghiệp xăng dầu biện hộ rằng họ căn cứ vào thị trường quốc tế, cụ thể lần này là thị trường Singapore để tăng giá xăng. Ông đánh giá như thế nào về việc điều chỉnh giá xăng tăng rất nhanh nhưng điều chỉnh giảm lại hết sức chậm chạp?

Đấy là điều bất hợp lý mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sửa mà vẫn chưa sửa được. Tôi thấy ở đây vai trò của Hội bảo vệ người tiêu dùng và vai trò giám sát phản biện của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam thì cần phải được làm rõ: Giá xăng nhập về ngày nào là bao nhiêu, cơ cấu vào giá thành là bao nhiêu và đặc biệt là xăng dầu là thị trường độc quyền chứ không có hiện tượng cạnh tranh và điều này đặc biệt không phù hợp với kinh tế thị trường.

Chúng ta đang hướng tới việc sử dụng xăng sinh học E5 nhưng hiện nay giá thành tương đương với xăng A92. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Sử dụng xăng sinh học là một xu hướng phổ biến thế giới và Việt Nam là nước có nhiều lợi thế trong việc sản xuất xăng sinh học từ trấu, rơm rạ…Vấn đề ở đây là chất lượng, giá thành như thế nào cho người dân biết, hiểu và tin. Đây là bước đi đúng hướng trong việc bảo vệ môi trường và tận dụng các lợi thế của Việt Nam.

Quan điểm của VINPA

Trong thời gian qua, ý kiến và quan điểm của TS Lê Đăng Doanh là một trong các chuyên gia được rất nhiều các cơ quan thông tấn trích dẫn trong các bài viết về xăng dầu. Tuy vậy, nhiều quan điểm của TS cần được làm rõ cho phù hợp với quy định của Nghị định 84 và thực tiễn của hoạt động kinh doanh mang tính đặc thù này tại Việt Nam. Sau đây là một vài suy nghĩ của chúng tôi về bài viết nói trên:

Thứ nhất, căn cứ vào tên của bài viết, việc tăng giá không minh bạch đã khiến TS bị “sốc”. Vậy xin thưa rằng, việc tăng giá đó là căn cứ vào các điều khoản qui định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vẫn còn hiệu lực (nếu TS chưa có văn bản này, xin tham khảo mục “Văn bản pháp luật” trong trang WEB của Hiệp hội). Trước khi cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu, các cơ quan hữu quan đã xem xét rất kỹ giá nhập khẩu thực tế của các doanh nhân đầu mối theo đúng biên độ qui định vì giá nhập khẩu là yếu tố quan trọng trong việc xác định giá cơ sở. Vì thế, việc tăng giá là hoàn toàn minh bạch theo đúng luật định hiện hành.

Thứ hai, mặc dù hàng năm Nhà máy lọc dầu Dung Quất cung ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam nhưng theo qui định hiện hành giá sản phẩm xăng dầu của Dung Quất được xác định tương đương với mức giá quốc tế và khu vực, vì thế giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào sự tăng giảm giá xăng dầu trên thế giới và khu vực. Việc TS cung cấp cho cơ quan truyền thông "việc tăng liên tục dồn dập 10 lần từ đầu năm đến nay" là không chuẩn xác, thiếu cụ thể. Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có tăng, có giảm chứ không chỉ có tăng như TS nói. Việc Liên bộ Tài chính - Công Thương ra quyết định tăng hay giảm giá bán lẻ xăng dầu không phụ thuộc vào các chi phí thực tế của mỗi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong cơ cấu của giá cơ sở có tính đầy đủ các yếu tố: giá nhập khẩu, các loại thuế, phí, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức … đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Hiệp hội xăng dầu Việt Nam. Còn việc tăng giá xăng dầu hôm nay có liên quan đến việc tăng giá mớ rau hay quả trứng ngày mai hay không thì xin nhường lại câu trả lời này cho các nhà hoạch định chính sách của đất nước.

Thứ ba, việc Bộ Tài chính sử dụng thuế nhập khẩu xăng dầu như công cụ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu đã gây nghi ngờ về tính minh bạch trong các lần tăng giảm giá trước đây. Khi giá xăng dầu thế giới giảm thì Bộ Tài chính lại tăng giá nhập khẩu xăng dầu để tăng nguồn thu cho ngân sách, chính vì thế giá bán lẻ tại các thời điểm này không phản ánh đúng xu thế giảm giá xăng dầu thế giới. Để minh bạch giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với mức giá thế giới, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu. Chúng tôi hy vọng rằng kiến nghị của Hiệp hội sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Thứ tư, TS cho rằng xăng dầu hiện nay ở Việt Nam là thị trường độc quyền không có hiện tượng cạnh tranh. Xin thưa rằng trong bối cảnh Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định giá bán lẻ xăng như hiện nay và việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ được phép tăng giá trong biên độ khung theo đúng phương thức quản lý theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước như sẽ được qui định trong nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thì không thể gán cho thị trường này cái tên độc quyền được (chúng tôi có rất nhiều tài liệu về vấn đề này nếu cần chúng tôi xin cung cấp cho TS tham khảo thêm).

Cuối cùng, việc tham gia đóng góp ý kiến và thể hiện quan điểm của riêng mình về các vấn đề kinh tế xã hội là rất đáng biểu dương, song những ý kiến đóng góp chỉ có thể mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội nếu đó là kết qủa của việc nghiên cứu một cách có hệ thống và am hiểu thực tiễn của lĩnh vực kinh doanh đặc thù này.

Nguồn: