Giá dầu và tăng trưởng toàn cầu
07:36 SA @ Thứ Hai - 28 Tháng Mười Hai, 2015

Giá dầu sụt giảm sâu và liên tục trong thời gian qua đã không mang lại sự kích thích đáng kể nào cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trái với kỳ vọng của nhiều nhà phân tích từ đầu năm 2015. Vì sao vậy? Nhà kinh tế học Kenneth Rogoff - Giáo sư Khoa Kinh tế và Chính sách công của Trường đại học Harvard (Mỹ) đã lý giải điều này qua bài phân tích “Giá dầu và tăng trưởng toàn cầu” đăng trên trang Project Syndicate mới đây.

Một trong những bất ngờ lớn nhất của nền kinh tế năm 2015 chính là việc sự sụt giảm choáng váng của giá dầu thế giới đã không giúp nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc cho giá dầu giảm mạnh từ 115 USD/thùng ở thời điểm tháng 6/2014 xuống còn 45 USD/thùng vào tháng 11/2015, hầu hết các mô hình vĩ mô đều cho thấy, tác động của giá dầu làm giảm tăng trưởng toàn cầu thực sự kém hiệu quả hơn so với mong đợi, có lẽ chỉ khoảng 0,5% GDP toàn cầu.

Tin tốt là tác động tích cực nhưng khiêm tốn này có khả năng không biến mất vào năm 2016. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là giá dầu giảm sẽ tạo áp lực nặng nề hơn cho những quốc gia xuất khẩu dầu chính trên thế giới.

gia dau va tang truong toan cau

Sự sụt giảm gần đây của giá dầu tương đương với sự sụt giá do nguồn cung dầu thô tăng trong giai đoạn 1985-1986, khi các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cụ thể là Arập Xêút, đã quyết định đảo ngược việc giảm nguồn cung nhằm giành lại thị phần. Nó cũng có thể so sánh với sự sụt giá do nhu cầu năng lượng giảm trong năm 2008-2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh nhân tố cầu khiến giá dầu giảm, người ta sẽ không mong đợi một tác động tích cực lớn; giá dầu là một chất ổn định tự động hơn là một lực lượng ngoại sinh dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Mặt khác, những cú sốc nguồn cung lại có một tác động tích cực đáng kể.

Mặc dù cú sốc giá dầu 2014-2015 không đơn giản như 2 lần sụt giá trước đó, nhưng nguyên nhân thực sự của đợt sụt giảm lần này có vẻ như được phân chia đồng đều giữa các nhân tố cung - cầu. Chắc chắn, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc nhằm tái cân bằng nền kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng trong nước đã giáng một đòn mạnh lên giá nguyên liệu thô toàn cầu. Điều này có thể nhận thấy rõ không chỉ với giá dầu mà còn với giá kim loại - tất cả đều giảm mạnh. Đơn cử như giá vàng cuối tháng 11 là 1.050 USD/ounce, tụt trông thấy so với mốc giá đỉnh 1.890 USD/ounce hồi tháng 9/2011.

Nguồn cung mới

Cùng lúc đó, những nguồn cung dầu thô mới cũng trở nên dồi dào hơn. Nhờ vào cuộc cách mạng dầu đá phiến, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng từ 5 triệu thùng/ngày ở thời điểm năm 2008 lên 9,3 triệu thùng/ngày vào năm 2015 - một sự bùng nổ nguồn cung bền bỉ bất chấp sự bất ổn của giá cả. Bên cạnh đó, dự đoán về sản lượng dầu của Iran sau giai đoạn bị trừng phạt kinh tế cũng đã ảnh hưởng đến thị trường.

Sự sụt giảm của giá dầu ở một mức độ nào đó có thể được nhìn nhận như một trò chơi có tổng bằng 0, một cuộc chơi mà trong đó nhà sản xuất chịu thiệt hại còn người tiêu dùng thì hưởng lợi. Các lý thuyết thông thường cho rằng khi giá càng giảm thì càng kích thích tiêu dùng toàn cầu. Bởi khi đó, người tiêu dùng có khả năng chi tiêu nhiều hơn dự kiến, trong khi nhà sản xuất điều chỉnh theo hướng giảm dự trữ.

Tuy nhiên, trong năm 2015, sự khác biệt về hành vi này lại ít rõ rệt hơn so với bình thường. Một lý do được đưa ra là những nhà nhập khẩu nhiên liệu từ các thị trường mới nổi có ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu nhiều hơn so với thời điểm những năm 1980. Và vì cách tiếp cận thị trường dầu mỏ của họ cũng mang tính can thiệp (bởi nhà nước) nhiều hơn các nước phát triển.

Những nước như Ấn Độ hay Trung Quốc ổn định thị trường bán lẻ năng lượng thông qua các khoản trợ giá nhằm cắt giảm giá thành cho người tiêu dùng trong nước. Số tiền đổ vào những gói trợ giá này dường như càng tăng thêm khi giá dầu tăng đột biến và ngày càng nhiều quốc gia thấy khó khăn trong việc giảm trợ cấp. Vì vậy khi giá dầu giảm mạnh, chính phủ của các thị trường mới nổi đã tận dụng cơ hội này để giảm trợ giá.

Giảm đầu tư

Đồng thời, nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ bị buộc phải giảm kế hoạch chi tiêu do nguồn thu nhập bị giảm đột ngột. Ngay cả Arập Xêút dù có nguồn dự trữ dầu thô và tài chính khổng lồ, cũng đã đến lúc bị căng thẳng do thu giảm, chi tăng - nguyên nhân bắt nguồn từ sự gia tăng dân số chóng mặt và chi tiêu quốc phòng tăng cao liên quan đến các cuộc xung đột ở Trung Đông.

Tuy nhiên, có lẽ không nên nhận định tác động khiêm tốn của giá dầu giảm lên tăng trưởng toàn cầu là bất ngờ hoàn toàn. Ngày nay, dầu thô ngày càng ít được coi là một động lực độc lập của các chu kỳ kinh tế hơn so với những gì người ta từng nghĩ trước đây. Sự suy giảm đáng kể các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng cũng làm kìm hãm tăng trưởng. Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng, đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu đã giảm 150 tỉ USD vào năm 2015. Điều này cũng sẽ tác động đến giá cả, nhưng phải từ từ và dần dần: Giá dầu trên các thị trường giao sau (futures market) đã tăng lên tới 60 USD/thùng vào năm 2020.

Một tin vui cho năm 2016 là hầu hết các mô hình kinh tế vĩ mô cho rằng ảnh hưởng của giá dầu lên tăng trưởng sẽ còn kéo dài trong vòng vài năm nữa. Vì vậy, điều này cũng sẽ có lợi cho tăng tưởng toàn cầu, ngay cả trong trường hợp các nhà nhập khẩu của những thị trường mới nổi sẽ tiếp tục dùng số tiền tiết kiệm được nhằm giảm trợ giá.

Tuy nhiên, còn nhiều quốc gia sản xuất dầu đang đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế. Các quốc gia có tỷ giá hối đoái thả nổi (như Colombia, Mexico và Nga) tới nay đã dần thích nghi được, mặc dù họ đã phải đối mặt với những giới hạn ngân sách khá căng thẳng. Ngược lại, những nước có chế độ tỷ giá hối đoái gần như cố định bị thử thách nhiều hơn. Đơn cử như Arập Xêút - nước vốn có đồng tiền được neo với đồng USD, đã phải chịu áp lực rất lớn trong những tuần gần đây.

Tóm lại, giá dầu không hề ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015 như những gì chúng ta kỳ vọng từ đầu năm. Và nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào kèm theo các chính sách vĩ mô tương đối bảo thủ đã cho phép hầu hết các nhà khai thác dầu lớn lèo lái vượt qua các căng thẳng tài chính cho tới lúc này mà không bị rơi vào khủng hoảng. Tình hình có thể sẽ tiến triển theo chiều hướng khác vào năm 2016, đặc biệt đối với các nước khai thác dầu lớn.

Nguồn:
Nguồn: