Hệ lụy khó lường của giá dầu thấp
01:22 SA @ Thứ Tư - 03 Tháng Hai, 2016

Trong nửa cuối tháng 1/2016, giá dầu thế giới có những ngày đã xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng và hiện đang được giao dịch quanh mốc 33 USD/thùng.

Trong khi người tiêu dùng và các nước nhập khẩu dầu được sử dụng dầu giá thấp thì các nước sản xuất và xuất khẩu dầu lại trong tình trạng hết sức căng thẳng. Có thể nói đây là một cuộc chiến mới về dầu mỏ và hậu quả của nó cũng sẽ tồi tệ không kém bất kỳ một cuộc chiến tranh nào khác.

Hệ lụy khó lường của giá dầu thấp

Một cơ sở sản xuất dầu ở Saudi Arabia.

Theo nhận định của báo chí Pháp, sự sụt giảm giá dầu là một trong những khía cạnh của cuộc "Chiến tranh Trung Đông" bắt đầu từ năm 2014, khi Saudia Arabia quyết định tăng sản xuất dầu để chống lại sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất Mỹ, Canada, Nga, đồng thời gây khó khăn cho nền kinh tế Iran (một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al - Assad). Từ lâu, Riyadh đã nhận ra rằng Tehran sẽ thực hiện các bước đi để có được một thỏa thuận hạt nhân khiến phương Tây dỡ bỏ cấm vận đối với nước này nên việc sụt giảm giá dầu thô được coi là một "sự trừng phạt tồi tệ nhất" có thể áp dụng đối với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường và các kẻ thù trên chiến trường. Ngoài ra, điều đó cũng sẽ gây hại cho nền kinh tế Nga, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin đang tiến hành can thiệp quân sự tại Syria để ủng hộ chế độ Assad.

Saudia Arabia mua khoảng 80 tỷ USD vũ khí/năm, chủ yếu từ Mỹ, và đang tìm cách dùng vũ lực để gây ảnh hưởng trong khu vực. Saudia Arabia đã dẫn đầu liên minh các nước Arập can thiệp quân sự vào Yemen nhưng chưa thu được kết quả như mong muốn. Trong khi đó, một mình Saudia Arabia khó có thể chi phối thị trường dầu mỏ với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, và trên hết, thị trường này còn chịu sự chi phối của Mỹ. Washington phải cân nhắc để cuộc chiến giá dầu giảm không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của họ.

Vấn đề là cuộc chiến giá dầu thấp sẽ kéo dài bao lâu? Để đối phó với tình trạng giá dầu thấp, Saudia Arabia không chỉ dựa vào nguồn dự trữ ngoại hối với 650 tỉ USD dự trữ mà còn dựa vào chi phí sản xuất thấp, khoảng 2 - 3 USD/thùng, thấp hơn so với chi phí sản xuất tại Iran (khoảng 5 USD/thùng - tuyên bố chính thức gần đây của Iran). Cuộc chiến giá dầu chắc chắn sẽ gây nhiều hậu quả nặng nề bởi hiện đã làm xáo động thị trường tài chính thế giới, khiến tình hình kinh tế ở Trung Đông ngày một xấu đi và gây ra tình trạng bất ổn gia tăng trong khu vực.

Trong cuộc đối đầu này, các quốc gia tiêu thụ dầu được hưởng lợi nhưng sự sụp đổ của giá dầu nói riêng và giá nguyên liệu đầu vào nói chung cũng kéo các thị trường xuống một cách tàn bạo. Các quốc gia sản xuất dầu đã phải sử dụng lượng lớn dự trữ ngoại tệ và đương nhiên đầu tư ít hơn. Không chỉ vậy, hiện có xu hướng tạo ra một bong bóng dầu do sự liên kết giữa các công ty sản xuất dầu đá phiến với các ngân hàng thông qua các hợp đồng tài trợ tài chính. Một khi bong bóng vỡ thì hậu quả sẽ tác hại khôn lường. Lịch sử cho thấy dầu thô là yếu tố rất dễ gây tổn thương cho nền kinh tế, các thị trường và tình hình an ninh, chính trị trên toàn cầu.

Việc giá dầu xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng có tác động tiêu cực tới quá trình chuyển đổi sử dụng năng lượng, từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, làm giảm khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận trong việc đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió... Qua các giai đoạn khủng hoảng trong quá khứ, người tiêu dùng đã phải mua dầu giá cao và đó là "cái giá của sự sợ hãi" - nỗi sợ hãi về sự bất ổn ở vùng Vịnh. Và hiện nay, người tiêu dùng đang phải trả giá cho sự hỗn loạn trên các thị trường, nhất là thị trường tài chính, chứng khoán dù giá dầu đang sụp đổ. Sự sụp đổ của giá dầu thô là biểu tượng của một hệ thống đã ngoài vòng kiểm soát.

Giá dầu thấp có thể thúc đẩy tình trạng giảm phát từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng, một nỗi lo đến hầu hết các nước châu Âu, nhất là Pháp. Giá dầu thấp khiến tình hình kinh tế tại các nước sản xuất và xuất khẩu dầu (Nga, Venezuela, Algeria...) bị ảnh hưởng mạnh, thậm chí rơi vào tình trạng khủng hoảng. Sự bất ổn về giá dầu có thể dẫn đến những bất ổn kinh tế, chính trị và địa chính trị, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải.

Sự sụt giảm giá dầu cũng tác động mạnh đến các ngành sản xuất liên quan đến hóa dầu, không chỉ tại các nước sản xuất xuất khẩu dầu mà ngay cả tại các nước tiêu thụ dầu. Hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực hóa dầu đã phải sa thải nhân công hàng loạt và tuyên bố sụt giảm lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ, từ đó khiến lượng đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu và hóa dầu sụt giảm. Điều này sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực trong trung và dài hạn.

Nguồn: