Kỳ 3: Đội mưa bom bão đạn, vạch tuyến ống dẫn xăng dầu
03:45 SA @ Thứ Hai - 31 Tháng Bảy, 2017

Điểm thi công đầu tiên của hệ thống dẫn dầu vào Nam là vùng tam giác lửa khốc liệt Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm. Không có kiến thức, không có kinh nghiệm, chỉ với ý chí - quyết tâm - sáng tạo, bộ đội ta đã lập nên kỳ tích khi hoàn thành tuyến đường ống dài 42km vượt “tam giác lửa” vào ngày 10/08/1968.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương Binh, Liệt sĩ (27/7), Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài về Đường ống dẫn xăng dầu xuyên dọc Trường Sơn phục vụ suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước. Đây là công trình vĩ đại ít người biết đến, kể cả người Mỹ, người Trung Quốc, thậm chí là cả với các chuyên gia Liên Xô trước đây. Loạt bài trích trong cuốn “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của nhà nghiên cứu Đặng Phong do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.

Kỳ 3:Đội mưa bom bão đạn, vạch tuyến ống dẫn xăng dầu - 1

Chiến sĩ bắc cầu cho xe vào chiến trường.

Ngày 12/04/1968, Tổng cục Hậu cần cho thành lập một đơn vị mang tên Công trường Thủy lợi 01 (vì công việc rất giống với công tác dùng đường ống để tưới nước cho đồng ruộng, chỉ khác "nước" bây giờ là xăng). Ban đầu, công trường chỉ có 34 chiến sĩ được huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật lắp đặt đường ống.

Đến ngày 29 tháng 4, Công trường thủy lợi 01 được điều về khu vực Nghệ An và mang tên Công trường 18, với nhiệm vụ là chuyên trách việc xây dựng hệ thống ống dẫn xăng dầu đầu tiên ở đây. Đại tá Mai Trọng Phước, Cục trưởng Cục xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy công trường này.

Khi giao nhiệm vụ cho Công trường 18, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần có một câu căn dặn nổi tiếng: "Nếu cần dát vàng vào để cho các đồng chí làm được tuyến đường ống này thì Tổng cục cũng không tiếc."

Nhưng tất cả những con người trong Công trường 18, kể cả người lãnh đạo đến các chuyên gia kỹ thuật, chiến sĩ, thậm chí chính lãnh đạo Tổng cục Hậu cần cũng chưa ai có kiến thức gì về đường ống dẫn xăng dầu. Việt Nam lúc đó chưa nghĩ tới khai thác dầu mỏ, do đó không có một người nào được đào tạo ở nước ngoài về kỹ thuật làm ống xăng dầu.

Kỳ 3:Đội mưa bom bão đạn, vạch tuyến ống dẫn xăng dầu - 2

Nữ chiến sĩ xăng dầu trên đường Trường Sơn

Liên Xô là nước bạn duy nhất có kinh nghiệm về lĩnh vực này thì chỉ có kinh nghiệm thực tế về những đường ống dẫn lộ thiên, phục vụ cho công nghiệp khai thác dầu mỏ, trong điều kiện hòa bình, xây dựng trên quy mô lớn, an toàn về mặt quân sự.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II, Liên Xô có sử dụng những đường ống dã chiến để tiếp nhiên liệu cho các tập đoàn quân sự. Nhưng những đường ống đó cũng không dài quá vài chục kilomet, lại được không quân, xe tăng, pháo binh yểm trợ để chống lại sự đánh phá của đối phương.

Liên Xô không hề có kinh nghiệm làm những đường ống dài hàng ngàn kilomet trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Trung Quốc thì lúc đó cũng hoàn toàn không tưởng tượng được rằng có thể làm được một đường ống như thế ở Việt Nam... Nhưng theo yêu cầu của Việt Nam, các nước bạn sẵn sàng giúp đỡ.

Liên Xô không những viện trợ cho Việt Nam xăng dầu, mà theo yêu cầu của Việt Nam còn sản xuất và cung cấp cho Việt Nam nhiều bộ đường ống thép dã chiến, mỗi bộ đủ lắp dài 100 km kèm theo là một chiếc máy bơm. Đó là cơ sở vật chất đầu tiên của hệ thống đường ống xăng dầu Trường Sơn.

Liên Xô cũng cử sang hai chuyên gia có kinh nghiệm về việc lắp đặt hệ thống đường ống này. Nhưng khi tới Hà Nội, do không quân Mỹ đánh phá quá ác liệt, Nhà nước Việt Nam không dám để cho các chuyên gia Liên Xô đi vào vùng "Cán Xoong" (Cán Xoong là dịch từ tiếng Anh chữ Pandhandle do người Mỹ dùng để đặt tên vùng đất từ phía Nam vĩ tuyến 20 của miền Bắc, từ Thanh Hóa trở vào, nơi tập trung đánh phá của không quân Mỹ). Khi đường ống đã được đưa vào, thì cuối cùng có tin: "Vì điều kiện đặc biệt, các chuyên gia không vào được." Như vậy, cán bộ kỹ thuật và chiến sĩ Việt Nam phải tự lo lắp đặt đường ống.

Đại tá Phan Tử Quang, Cục phó Cục xăng dầu kể lại:

"Lúc đó cán bộ kỹ thuật không học nghề đường ống, chỉ có một số cán bộ đi học ở Liên Xô về và một số sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách Khoa. Họ chưa hề được thao tác về kỹ thuật xây dựng đường ống. Mà đường ống này dài tới 5.000 km. Tôi đã phải suy nghĩ là cùng một lúc phải sử dụng nhiều loại cán bộ kỹ thuật: kỹ sư thủy lợi, kỹ sư điện, kỹ sư chế tạo máy, kỹ sư máy nổ, thợ hàn... thì mới chế tạo được máy bơm xăng dầu và nối tuyến đường ống từ Lạng Sơn đến Sông Bé."

Đến ngày 10/08/1968, đoạn đường ống thép đầu tiên đã được lắp đặt qua vùng "tam giác lửa" Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm. Đoạn này dài 42km, nối từ kho xăng N1 thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn của Nghệ An, vượt qua sông Lam và sông La vào tới kho N2 ở Nga Lộc, huyện Can Lộc của Hà Tĩnh.

Nguồn: