Mô hình cửa hàng xăng dầu đa tiện ích tại Campuchia (Kỳ 1)
Trưởng Văn phòng Đại diện Petrolimex tại Campuchia
02:47 SA @ Thứ Sáu - 07 Tháng Mười Một, 2014

Mô hình cửa hàng bán lẻ xăng dầu (CHXD) kết hợp với cửa hàng tiện ích, siêu thị mini hay dịch vụ phụ trợ như rửa xe, thay dầu đang nở rộ và phát triển mạnh tại Campuchia. Có thể kể đến các hãng xăng dầu lớn tại Campuchia áp dụng hình thức kinh doanh này là Sokimek, Caltex, Total, Tela và PTT. Về phương thức triển khai cũng rất đa dạng: tự kinh doanh, cho thuê mặt bằng hoặc nhượng quyền thương mại.

Cửa hàng xăng dầu đa tiện tích của hãng Total (Ảnh minh hoạ)

Quy mô đầu tư lớn

Để hiệu quả, các hãng xăng dầu thường chọn các CHXD có diện tích tương đối lớn để có thể bố trí cửa hàng tiện ích trung bình từ 45 m2 đến 200 m2 và nằm vị trí đắc địa: tại trung tâm các thành phố, thị trấn có mật độ phương tiện giao thông cao và hoạt động mua sắm sầm uất hàng ngày.

Vốn đầu tư xây dựng 1 cửa hàng bao gồm cả hệ thống phục vụ kinh doanh xăng dầu và cửa hàng tiện ích chưa tính chi phí đất trung bình từ 200.000 USD – 350.000 USD. Các cửa hàng tiện ích được trang bị điều hoà, máy tính cài đặt phần mềm quản lý siêu thị, máy tính tiền thông minh đọc mã vạch, internet không dây miễn phí, bàn ghế phục vụ khách có nhu cầu ăn uống tại chỗ.

Một cửa hàng tiện ích có khoảng 7 – 10 nhân viên tuỳ quy mô chịu sự quản lý của Cửa hàng trưởng CHXD. Các cửa hàng mở cửa 24/24 chia làm 3 ca, mỗi ca có từ 1 – 3 nhân viên.

Cửa hàng tiện ích Bonjour nằm trong khuôn viên CHXD Total

Quản lý chuyên nghiệp

Chuỗi cửa hàng tiện ích được nối mạng với Trung tâm điều hành (TTĐH) và do TTĐH theo dõi, quản lý. Các bộ phận liên quan bao gồm: bộ phận marketing, sản phẩm, tài chính, bán buôn, giao nhận, kho hàng trung tâm, phòng mua hàng, phòng kế toán tài chính.

Các yêu cầu mua hàng hàng tháng hoặc đột xuất của các cửa hàng tiện ích gửi về TTĐH. Phòng sản phẩm và Phòng mua hàng sẽ nhập hàng về Kho trung tâm. Hàng ngày, các quản lý cửa hàng lập đơn đặt hàng gửi về TTĐH đồng thời gửi cho Kho trung tâm. Phòng kinh doanh bán lẻ điều động hàng từ Kho trung tâm hoặc từ Kho hàng của nhà phân phối giao cho các cửa hàng.

Đội giao nhận của công ty sẽ chuyên trách đảm nhận việc nhập và giao hàng đến tất cả các cửa hàng tiện ích của hãng trên toàn quốc.

Các cửa hàng không được nhập hàng từ nguồn khác. Tất cả hàng khi nhập về cửa hàng phải được nhập mã quản lý tồn kho và lưu trong hệ thống. Cửa hàng phải gửi các báo hàng ngày về TTĐH. Hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng hư hỏng ... được trả về Kho trung tâm để xử lý.

Bên cạnh đó, cán bộ quản lý cửa hàng tiện ích sẽ chịu trách nhiệm tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu khách hàng mỗi ngày, thống kê sản phẩm bán chạy hoặc không phù hợp thị hiếu khách hàng, điều tra, khảo sát trực tiếp người tiêu dùng và báo cáo thường xuyên về TTĐH và phối hợp cùng bộ phận marketing đề xuất các phương án về sản phẩm, thị trường. Bộ phận marketing chuyên trách thường xuyên tìm hiểu thị trường, đối thủ, nhà cung cấp để xây dựng các chính sách về sản phẩm và thị trường.

Sản phẩm chủ lực của cửa hàng tiện ích là hàng tiêu dùng hàng ngày đóng gói, đồ hộp, đồ uống không cồn đóng chai, thức ăn nhanh, vật dụng gia đình, văn phòng ….Tổng số lượng mặt hàng là hơn 10.000 mặt hàng. Các cửa hàng cũng có chính sách giảm giá hoặc tặng kèm sản phẩm, ưu đãi cho khách hàng có thẻ thành viên, áp dụng các hình thức khuyến mại vào các dịp lễ, tết. Khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng.

Khẳng định thương hiệu

Theo ông Chhun Vanra – Phó trưởng Phòng Bán lẻ của Tela thì mặc dù hiệu quả kinh doanh của hệ thống TELA MART không cao nhưng Tela vẫn có kế hoạch tăng thêm số lượng TELA MART tại các CHXD nhằm tạo sự tiện lợi cho khách hàng, khẳng định thương hiệu và nâng cao hình ảnh, sự tin tưởng của khách hàng qua đó có thể đạt mục tiêu chính là gia tăng sản lượng bán lẻ xăng dầu.

Nguồn: