Vũ điệu vàng đen (K2): OPEC rạn nứt
02:41 SA @ Thứ Hai - 25 Tháng Giêng, 2016

Bên cạnh sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc và việc gia tăng sản lượng ở Bắc Mỹ, yếu tố quan trọng nhất khiến triển vọng giá dầu u ám trong năm nay là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 4-12 bỏ phiếu không cắt giảm sản xuất, đã đẩy giá dầu xuống thêm 5%.

Sẽ họp bất thường?

Đầu năm 2015, nhiều lãnh đạo các công ty dầu mỏ bày tỏ hy vọng những yếu tố cơ bản sẽ sớm thay đổi, đẩy giá lên một lần nữa. Nhưng những diễn biến gần đây đã phá hủy những tia hy vọng của họ. Trong phiên họp ngày 4-12, các thành viên OPEC đã bỏ phiếu xóa bỏ mức trần sản lượng, đẩy giá xuống thấp thêm 5%. Trong phiên họp của OPEC đã diễn ra những tranh cãi nẩy lửa của bên ủng hộ giữ sản lượng và bên ủng hộ giữ giá. Đứng đầu bên muốn giữ sản lượng là Saudi Arabia, nước được xem là “lãnh đạo mặc nhiên” của OPEC. Một điều khá thú vị, Iran, nước vốn đối chọi với Saudi vì những tranh chấp ở biên giới, lại là một trong các thành viên nhiệt tình ủng hộ Saudi. Thậm chí, Tehran còn cho biết sẽ gia tăng sản lượng, sau khi được cởi bỏ các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ở phía bên kia là những nước đang khốn đốn vì giá dầu thấp, điển hình là Venezuela. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos mới đây, Venezuela cùng Nigeria đã kêu gọi OPEC họp khẩn để cắt giảm sản lượng, hạ giá dầu. Đúng theo lịch trình, OPEC sẽ họp vào ngày 2-6 tới. Về mặt lý thuyết, chỉ cần quá bán trong số 13 nước thành viên đồng thuận, OPEC sẽ tổ chức cuộc họp bất thường. Nhưng trên thực tế, khả năng này là không thể nếu không có sự gật đầu của Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu chủ chốt khác.

Nhiều lý do đã được đưa ra cho việc Saudi chống lại các đề xuất cắt giảm sản lượng, trong đó có việc muốn trừng phạt Iran và Nga vì đã ủng hộ chế độ Assad ở Syria. Theo quan điểm của nhiều nhà phân tích, Saudi có lợi thế hơn các đối thủ vì chi phí sản xuất thấp hơn và dự trữ ngoại hối nhiều hơn. Mohammad al-Sabban, cựu cố vấn dầu mỏ của chính phủ Saudi, nói vương quốc Hồi giáo này có đủ dự trữ ngoại hối cho một cuộc khủng hoảng giá dầu dài hạn. “Saudi Arabia có thể chịu được môi trường giá dầu thấp như hiện nay ít nhất 8 năm. Đầu tiên, chúng tôi có dự trữ ngoại hối khoảng 3.000 tỷ riyal (khoảng 747 tỷ USD). Thứ hai, Saudi đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu ngân sách” - Sabban nói với hãng BBC. Nếu không cắt giảm chi tiêu cho hạ tầng, sân vận động và thành phố mới, Saudi cũng có thể duy trì ít nhất 4 năm nữa. Ông cũng tin rằng giá dầu thấp sẽ có lợi về dài hạn cho Saudi Arabia.

Quyết chiến dầu đá phiến

Một lý do khác nghe hợp lý hơn là Saudi muốn kéo dài tình trạng giá dầu thấp để chống lại các đối thủ khai thác dầu đá phiến ở Hoa Kỳ và Canada. “Việc giá dầu giảm nhiều tháng qua đã khiến nhà đầu tư các dự án khai thác dầu đá phiến, ngoài khơi sâu và các loại dầu nặng phải tốn thêm nhiều chi phí” - một quan chức dầu cao cấp của Saudi nói. Điều này đã khiến các nhà sản xuất lớn ở Hoa Kỳ phải điều chỉnh để thích nghi với môi trường giá thấp, như cắt giảm chi phí và hủy các dự án hoạt động thua lỗ. Vì thế, dù rất nhiều công ty dầu nhỏ đã đệ đơn xin phá sản, nhưng sản lượng ở Hoa Kỳ năm 2015 vẫn đạt 9,2 triệu thùng/ngày, cao hơn so với năm 2014.

Nói cách khác, khi dầu ở mức 33USD/thùng, hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục vượt nhu cầu toàn cầu, do đó khó có khả năng phục hồi giá sớm, đặc biệt cả Iraq và Iran đều tiếp tục tăng sản lượng. Với việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang từ từ mất đất ở Iraq và hầu hết các mỏ dầu lớn vẫn nằm trong tay chính phủ, sản xuất của nước này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Một số nhà phân tích dự báo sản lượng dầu Iraq sẽ tăng gấp 3 lần trong 10 năm tới lên 9 triệu thùng/ngày. Trong nhiều năm qua, sản xuất của Iran đã bị thu hẹp bởi lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt, cản trở cả giao dịch xuất khẩu và mua lại các công nghệ khoan tiên tiến phương Tây. Nay, nhờ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Washington, những biện pháp trừng phạt đang được dỡ bỏ, cho phép Iran có thể quay lại thị trường dầu quốc tế và được nhập khẩu công nghệ cần thiết. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (UEIA), sản lượng của Iran có thể tăng đạt 600.000 thùng/ngày trong năm nay và nhiều hơn trong những năm tiếp theo.

3 diễn biến

Chỉ có 3 diễn biến thể thay đổi xu hướng giá thấp hiện nay: một cuộc chiến tranh Trung Đông với sự tham gia của 1 hay nhiều nhà cung cấp năng lượng; Saudi quyết định hạn chế sản xuất để tăng giá; hoặc một sự tăng vọt nhu cầu toàn cầu. Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh mới, chẳng hạn như giữa Iran và Saudi Arabia - 2 cường quốc ở 2 phía đối chọi hiện nay - có vẻ không thực tiễn, dù bên nào cũng có khả năng thực hiện động thái nguy hiểm này. Khả năng Saudi quyết định hạn chế sản xuất được cho chỉ là vấn đề thời gian, do ngân sách quốc gia này ngày càng thu hẹp nếu dầu mỏ duy trì giá thấp. Tuy nhiên, chính phủ Saudi đã nhiều lần khẳng định quyết tâm tránh một động thái như vậy, vì điều đó sẽ khiến đối thủ của họ (các nhà khai thác đá phiến ở Hoa Kỳ) được lợi lớn. Trong khi đó, khả năng nhu cầu tăng đột ngột cũng khó xảy ra.

Thực tế là, trong khi những người trung lưu mới nổi ở Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua ô tô chạy dầu, ngày càng nhiều người tiêu dùng ở các quốc gia công nghiệp cũ đang bày tỏ quan tâm tới xe chạy điện hoặc đa năng lượng, hay các phương tiện vận tải khác. Hơn nữa, với lo ngại về biến đổi khí hậu ngày càng tăng trên toàn cầu, ngày càng có nhiều người trẻ ở các thành thị quyết định không dùng ô tô cá nhân, thay vào đó đi bằng xe đạp và giao thông công cộng. Ngoài ra, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo - mặt trời, gió và nước - đang gia tăng nhanh hơn trong thế kỷ này.
Những xu hướng này khiến nhiều nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ sớm đạt đỉnh, theo sau đó là giai đoạn giảm tiêu thụ. Amy Myers Jaffe, Giám đốc Chương trình năng lượng và phát triển bền vững tại Đại học California, nói phát triển đô thị hóa kết hợp với công nghệ đột phá trong năng lượng tái tạo sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu dầu mỏ trong tương lai. “Càng ngày, các thành phố trên khắp thế giới đang tìm kiếm các thiết kế thông minh cho hệ thống giao thông cũng như xử phạt các loại xe ô nhiễm và hạn chế về quyền sở hữu xe” - bà Jaffe viết trên tờ Wall Street Journal.

(Còn tiếp)

Nguồn: