Bangladesh – Siêu cường năng lượng mới của Châu Á?
02:41 SA @ Thứ Năm - 20 Tháng Mười Một, 2014

Sau một phán quyết của LHQ hồi tháng 7, Bangladesh trở thành quốc gia giàu có về năng lượng. Tuy nhiên, liệu các nhà đầu tư sẽ tập trung vào quốc gia nằm trong danh sách "một trong những nước nghèo nhất thế giới" này.

Không mấy hấp dẫn

Mặc dù Bangladesh trở thành quốc gia giàu năng lượng vào tháng 7-sau khi tòa án trọng tài của LHQ ra phán quyết vùng biển 20.000km2 giàu khí tự nhiên đang có tranh chấp với Ấn Độ thuộc về nước này. Tuy nhiên, đầu tư vào vùng đất này vẫn đầy rủi ro, do căng thẳng chính trị, nghèo đói lan tràn, nền kinh tế bao cấp làm suy yếu tăng trưởng và mức chi tiêu giới hạn vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Dhaka và Chittagong, bị bao quanh bởi các khu ổ chuột, là một thế giới khác xa những trung tâm mua sắm có điều hòa nhiệt độ của Riyadh, Doha, và Dubai. Những trở ngại của Bangladesh có thể giúp giải thích tại sao các nhà đầu tư không muốn đến nước này. Cty Santos của Austra đã rút giàn khoan khí đốt ra ngoài khơi Bangladesh hồi năm ngoái với lý do sản xuất kém. Với sự giúp đỡ của KrisEnergy, một Cty Singapore, Santos có kế hoạch bắt đầu khoan tại vùng nước nông vào cuối năm nay. PetroBangla, Cty dầu khí quốc gia, chỉ thu hút được 2 nhà thầu (Tổng Cty dầu khí tự nhiên của Ấn Độ và Cty ConocoPhillips có trụ sở ở Houston) trong cuộc đấu giá giành quyền khoan dầu ngoài khơi hồi năm 2012. Rất ít Cty quan tâm đến lô dầu ngoài khơi "có tranh chấp", mà PetroBangla bán đấu giá cuối tháng 4. Đầu năm nay, ConocoPhillips và Statoil của Nga chào giá 3 lô dầu khí nước sâu của Bangladesh, sâu hơn 9.000m dưới mực nước biển. Conoco sau đó đã giành chiến thắng.

Các nhà hoạt động của Ủy ban quốc gia bảo vệ Dầu khí, Tài nguyên khoáng sản, điện và cảng biển trong cuộc biểu tình ở Dhaka. Ảnh: Diplomat

Thách thức và cơ hội

Tuy nhiên, nhiều Cty khai thác dầu khí cũng đang đặt cược vào Bangladesh.

Với lãnh thổ mới, trữ lượng khí đốt tự nhiên của Bangladesh hiện nay ước đạt 5.600 tỷ m3, nguồn cung cấp lớn nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. PetroBangla sẽ bán đấu giá 18 lô dầu khí mới vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Robin Mills, người đứng đầu Cty tư vấn Năng lượng Manaar, cho biết đó chỉ là giả thuyết. Trữ lượng khí đốt của Bangladesh không được chứng minh, vì vậy con số trên chỉ mang tính ước tính, dựa trên dữ liệu địa chất và kỹ thuật hiện có. Bangladesh cần kế hoạch khảo sát toàn diện và khai thác nguồn năng lượng này, nhưng chính phủ thiếu năng lực cơ bản để tiến hành khoan sâu trong nước, trong khi các nhà hải dương học phản đối chống lại các sự cố tràn dầu.

Hoạt động khoan cũng gây ra rủi ro rất lớn với môi trường. Và Bangladesh phải sẵn sàng cải cách giá dầu nếu họ nghĩ đến việc khai thác quy mô lớn các nguồn tài nguyên. Nhưng rồi, cải cách giá dầu có thể gặp nhiều trở ngại. Các gia đình, vốn phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ để có điện sinh hoạt và thực phẩm, sẽ không chi trả các hóa đơn cao hơn. Trợ giá năng lượng khiến Bangladesh phải trả 1.900 tỷ USD trong năm 2013, và nguồn trợ cấp thực phẩm bị tham nhũng chặn lại. Nếu chi thêm tiền trợ cấp cho người nghèo, Bangladesh sẽ rơi sâu vào thâm hụt ngân sách, mớ hỗn độn mà nguồn thu thuế không thể chi trả.

Bất ổn chính trị cũng là mối đe dọa nghiêm trọng: hàng trăm người chết trong các vụ bạo lực trước cuộc bầu cử hồi tháng 1-vụ việc đẫm máu nhất kể từ khi Bangladesh tuyên bố độc lập vào năm 1971. Tuy nhiên, vùng lãnh thổ mới cũng đặt nước này ở vị trí thuận lợi để giành được các nhượng bộ từ Trung-Ấn, hai nhà tài trợ chính, và cả hai đều đang ngày càng có nhu cầu cao đối với các nguồn năng lượng mới.

Nguồn năng lượng lớn được tìm thấy trong Vịnh Bengal có thể thúc đẩy nền kinh tế Bangladesh, thu hút đầu tư nước ngoài vào nước này và giúp phục hồi tăng trưởng. Nguồn dầu mỏ là cơ hội tốt nhất giúp Bangladesh thoát nghèo, tạo ra sự phân phối công bằng của cải để ổn định chính phủ và đất nước. Dhaka phải nắm bắt cơ hội này.

Nguồn: