Kinh nghiệm triển khai xăng sinh học ở Mỹ
01:00 SA @ Thứ Ba - 22 Tháng Tư, 2014

Nhiên liệu sinh học (NLSH) ở Mỹ chủ yếu là dầu diesel sinh học sản xuất từ đậu nành và nhiên liệu ethanol sản xuất từ ngô. Từ năm 2005, Mỹ không những đã vượt qua Brazil về sản lượng ethanol mà còn trở thành nước xuất khẩu ethanol lớn nhất thế giới.

Và câu chuyện phát triển loại nhiên liệu thân thiện với môi trường ở cường quốc công nghiệp số 1 thế giới này hóa ra cũng có rất nhiều điều thú vị không nhiều người biết đến.

An ninh năng lượng và giảm khí thải là động lực

Từ những năm cuối thế kỷ 19, nếu như Rudolf Diesel, người phát minh ra động cơ diesel, đã hình dung là dầu thực vật có thể trở thành nguồn nhiên liệu cho động cơ mang tên ông, thì Henry Ford - người sáng lập hãng xe Ford và được mệnh danh là ông hoàng xe hơi của Mỹ cũng đã nghĩ tới việc chế tạo những chiếc xe có khả năng chạy bằng nhiên liệu ethanol tinh khiết.

Và nếu như Diesel đã chứng minh được động cơ của mình có thể chạy bằng dầu đậu phộng tại Triển lãm thế giới tại Paris, Pháp vào năm 1900 và Ford đã cho xuất xưởng những chiếc xe Model T chạy bằng nhiên liệu hỗn hợp xăng pha ethanol đầu tiên ở Mỹ vào năm 1908. Tuy nhiên, những ý tưởng sử dụng NLSH cho động cơ ô tô, xe máy của hai con người vĩ đại này đã bị đẩy lùi khi công nghệ hóa dầu ra đời và những sản phẩm xăng dầu được chứng minh là nguồn nhiên liệu hợp lý nhất vào thời điểm này, bởi nguồn cung, giá cả và hiệu quả (mặc dù những năm 1930 và 1940, dầu thực vật cũng được sử dụng cho động cơ diesel, nhưng đây là thực tế không phổ biến).

Xăng sinh học ở Mỹ chủ yếu sản xuất từ ngô

Chỉ đến những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ý tưởng sử dụng NLSH mới được xem xét lại ở Mỹ, với một sự kiện quan trọng xảy ra vào năm 1970. Đó là việc thông qua Đạo luật Không khí sạch và thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), đơn vị có trách nhiệm điều chỉnh chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn khí thải các chất ô nhiễm như dioxit lưu huỳnh (SO2), carbon monoxide (CO2), ozone (O3) và các oxit nitơ (Nox). Điều này tạo tiền đề cho phát triển nhiên liệu cháy sạch hơn, cũng như thiết lập các tiêu chuẩn cho các chất phụ gia nhiên liệu.

Thêm vào đó, sau 2 lần biến động bởi lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập vào năm 1973-1974 và cuộc Cách mạng Iran nổ ra năm 1979 làm giá dầu tăng vọt trên thị trường, cùng với sự sụt giảm khai thác dầu mỏ ở trong nước, Mỹ càng bị thôi thúc phải tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ truyền thống không chỉ vì mục tiêu cải thiện chất lượng không khí mà còn vì an ninh năng lượng.

Sau khi bắt đầu thử nghiệm sử dụng xăng sinh học E10 (pha trộn với 10% ethanol tùy theo thể tích) vào năm 1976, đến năm 1978, Quốc hội Mỹ đã công nhận những lợi ích của ethanol trong nhiên liệu và bắt đầu áp dụng biện pháp giảm thuế đối với xăng pha ethanol để khuyến khích phát triển thị trường nhiên liệu này.

Chính sách bắt buộc

Một trong những văn bản pháp lý đầu tiên trực tiếp đề cập đến sự cần thiết phải sử dụng nhiên liệu sinh học và phát triển ngành công nghiệp này ở Mỹ là Đạo luật Chính sách Năng lượng được ban hành năm 1992. Đạo luật quy định về việc tăng lượng nhiên liệu thay thế được sử dụng trong các đội tàu vận tải của Chính phủ Mỹ. Năm 1998, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ký Sắc lệnh 13.101 về việc ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học thay thế một phần dầu mỏ trong chính phủ liên bang.

Quốc hội Mỹ cũng theo đuổi chính sách công khai nhằm tạo lập ngành công nghiệp ethanol ở cấp nhiên liệu, có thể cạnh tranh với nhiên liệu dầu mỏ và đảm bảo rằng, ngành nông nghiệp có thể hỗ trợ và duy trì việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi thuế, như chính sách thuế, ưu đãi đầu tư và khuyến khích các chủ nông trại trồng ngô liên kết, mua cổ phần cùng đầu tư vào các nhà máy sản xuất ethanol. Cùng với đó là một loạt các đạo luật về môi trường như cấm sử dụng phụ gia hoá học tăng trị số ốctan gây độc hại môi trường; bắt buộc sử dụng nhiên liệu chứa ôxy ở các vùng đông dân cư; miễn thuế cho nhiên liệu pha cồn…

Ngoài ra, để bảo hộ cho các nhà sản xuất ethanol trong nước, năm 1980, Chính phủ Mỹ đã ban hành một loại thuế nhập khẩu đối với sản phẩm ethanol, lên tới mức 0,54USD/gallon ethanol nhập khẩu. Song song với đó, năm 2005, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật về tỷ lệ phối trộn ethanol bắt buộc vào xăng thông thường. Theo đó, các công ty kinh doanh xăng dầu sẽ được phân bổ chỉ tiêu cố định thường niên về tỉ lệ phối trộn. Nếu không tuân thủ, các công ty này sẽ phải chịu mức phạt rất cao.

Ví dụ, năm 2012, tỉ lệ phối trộn trung bình trên cả nước của Mỹ là 7,5 tỉ gallon/năm và tổng khối lượng ethanol phối trộn này sẽ được phân bổ cụ thể cho từng bang, từng công ty, dựa trên doanh số bán hàng năm trước của công ty đó. Điều này dẫn tới việc một số công ty, cụ thể là các công ty ở khu vực phía Nam Florida - nơi không gần với nguồn sản xuất ethanol có tỉ lệ phối trộn ethanol là 0%. Trong khi đó ở một số bang khác, các công ty khác sẽ phải gánh tỉ lệ phối trộn ethanol bắt buộc vào xăng thông thường từ 10 - 15%.

Tuy nhiên, các công ty sản xuất, kinh doanh, phân phối xăng sinh học sẽ được trợ giá và hỗ trợ các chi phí phối trộn với mức 54cent/gallon, tương đương với 15cent/lít. Vào năm 2011, khi ngành công nghiệp sản xuất ethanol ở Mỹ đã đạt đến mức phát triển nhất định thì chính phủ đã dừng áp dụng mức trợ cấp trên nhưng tính đến nay, tổng trợ cấp cho chương trình này đã lên tới 17 tỉ USD. Sau khi cắt trợ cấp, tỷ lệ phối trộn trung bình ethanol trên cả nước Mỹ là 8 - 9%.

Bên cạnh đó, thời gian đầu khi đưa NLSH ra thị trường, chính phủ Mỹ không công bố tỷ lệ phối trộn ethanol vào xăng là 5% hay 10%, mà chỉ coi ethanol là một loại phụ gia xăng, không phải là một loại nhiên liệu mới hoàn toàn. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, ethanol cũng chỉ là một chất phụ gia làm tăng hàm lượng ôxy trong xăng nên không cần thiết phải công bố cho người tiêu dùng biết tỷ lệ phối trộn là bao nhiêu, bởi thực tế, người tiêu dùng chỉ cần biết xăng đạt tiêu chuẩn, an toàn với người sử dụng.

Theo kế hoạch, trong vài năm tới, sản xuất NLSH ở Mỹ có thể đạt mức 36 - 38 tỉ gallon/năm. Riêng sản lượng NLSH sản xuất từ ngô tối đa đến năm 2022 sẽ là 15 tỉ gallon và các công ty sẽ không thể vượt quá sản lượng kế hoạch này vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng ngô. Trong tương lai, các loại NLSH ở Mỹ sẽ không sản xuất chủ yếu từ ngô nữa mà sẽ được sản xuất từ các nguồn cao cấp hơn vì hiện nay chính phủ Mỹ đã có chính sách hỗ trợ sản xuất NLSH từ sinh khối hoặc là các loại nguyên liệu khác.

Cho đến nay, có thể nói là ở Mỹ chỉ có 40% lượng nhu cầu xăng/dầu sinh học được giải quyết bằng nhập khẩu và 60% còn lại được sản xuất trong nước, tại 210 nhà máy sản xuất ethanol. Ethanol đã đáp ứng được 10% tổng nhu cầu tiêu dùng năng lượng ở nước Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ là cơ quan xài đến 93% trong tổng lượng nhiên liệu hóa thạch được cấp cho toàn bộ cơ quan nhà nước Liên bang Mỹ, nhưng đồng thời cũng là đơn vị đi đầu trong việc chuyển sang dùng NLSH. Trong kế hoạch đến năm 2020, Lầu Năm Góc có kế hoạch “xanh hóa” quân đội, đặc biệt là hải quân, với việc tổ chức một “Hạm đội Xanh vĩ đại” bao gồm các tàu hạt nhân, tàu chạy bằng nguồn năng lượng hybrid và máy bay chạy bằng xăng sinh học, với mục tiêu 50% (50% nhiên liệu sinh học và 50% nhiên liệu truyền thống).

Nguồn: