Bi kịch giá dầu - Kỳ cuối
02:33 SA @ Thứ Năm - 31 Tháng Ba, 2016

Khi giá dầu hồi phục, những dự báo lạc quan đã xuất hiện. PIMCO - quỹ đầu tư trái phiếu lớn thứ hai thế giới sau Vanguard - cho rằng giá dầu thấp kích thích nhu cầu tăng cao.

HIỆN THỰC ĐÈ NÁT MƠ HOANG

Trong một nhận định đưa ra vào trung tuần tháng 3/2016, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng giá dầu cuối cùng đã thoát đáy và đang hồi phục rõ rệt. Thị trường thế giới cũng ghi nhận cú quay đầu tăng giá ngoạn mục của “vàng đen”. Từ mức 28,5 USD/thùng hồi giữa tháng 1/2016, giá dầu đã vượt trên 41 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều 22/3. Ngoài việc thỏa thuận đóng băng sản lượng làm dấy lên kỳ vọng, sản lượng dầu thô của Mỹ hiện nay đã giảm 5,5% so với mùa hè năm ngoái cũng là một động lực quan trọng giúp giá dầu đảo chiều đi lên.

Khi giá dầu hồi phục, những dự báo lạc quan đã xuất hiện. PIMCO - quỹ đầu tư trái phiếu lớn thứ hai thế giới sau Vanguard - cho rằng giá dầu thấp kích thích nhu cầu tăng cao. Quan trọng hơn, tiến trình tái cân bằng cung - cầu về dầu vẫn đang tiếp tục, cho nên, giá dầu có thể trở lại mức 50 USD/thùng. Thậm chí, theo Sanford C Bernstein & Co., giá dầu năm tới có thể lên đến 70 USD/thùng chứ không chỉ dừng ở mức 50 USD/thùng.


Cơ sở khai thác dầu của Công ty Aramco ở Khouris, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 3, cũng là trước thềm cuộc gặp gỡ của 15 nước sản xuất dầu lớn trên thế giới ở Doha, giá dầu đã đảo chiều, rớt xuống dưới mức 40 USD/thùng. Sau nhiều phát biểu của các quan chức liên quan, kỳ vọng vào thỏa thuận đóng băng sản lượng đã biến thành hoài nghi về hiệu quả thỏa thuận. Bên cạnh đó, theo Goldman Sachs, ảnh hưởng tích cực từ sự giảm sút sản lượng dầu thô của Mỹ tới giá dầu đã bị triệt tiêu bởi lượng dự trữ dầu mỏ của nước này tăng lên mức kỉ lục mới. Đó là chưa nói tới thời điểm được lựa chọn làm mốc đóng băng sản lượng, nguồn cung dầu thế giới đang dư thừa 1 triệu thùng/ngày, như thông tin của nhà phân tích Dominic Haywood thuộc Công ty Tư vấn Năng lượng Energy Aspects.

Áp lực đối với giá dầu đến từ nguồn cung càng gia tăng khi ngày 29/3, “anh cả” của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Saudi Arabia và Kuwait đã đạt được đồng thuận khôi phục sản lượng dầu tại mỏ dầu Khafji mà hai nước khai thác chung. Trước thời điểm tạm ngừng hoạt động vào tháng 10/2014, mỏ dầu này có sản lượng hơn 300.000 thùng dầu/ngày. Đặc biệt, vào ngày 17/4 tới, tuy tham gia hội nghị, nhưng Iran vẫn cương quyết không cắt giảm sản lượng trước khi lượng sản xuất dầu của nước này đạt mức 4 triệu thùng/ngày. Hai nước OPEC khác là Lybia và Iraq cũng không tham gia vào đội ngũ các quốc gia đóng băng sản lượng.

Nói cách khác, nhận thức chung, sắp tới có thể là quyết định đóng băng sản lượng gần như chỉ tạo ra tác động tâm lý ngắn hạn. Vấn đề cốt lõi của thị trường dầu mỏ vẫn là nguồn cung tiếp tục dư thừa còn nhu cầu vẫn không đủ để hấp thụ sản lượng dư thừa. Vì kinh tế eo hẹp, các nước như Iraq, Venezuela hay Nigeria khó có thể cắt giảm sản lượng, ngược lại cố gắng bán ra càng nhiều càng tốt. Để lấy lại thị phần, Saudi Arabia và Iran cũng khó lòng có hành động thực chất. Đó là chưa nói tới việc một khi giá dầu lên trên mức 40 USD/thùng (mức đã tạo ra lợi nhuận), các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động khai thác. Không gian tăng giá của dầu mỏ vốn đã hạn hẹn lại càng hạn hẹp thêm.

Có lẽ vì vậy, ngay khi giá dầu vượt mốc 40 USD/thùng vào hôm 21/3 vừa qua, chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ John Kilduff thuộc Again Capital LLC đã cảnh báo thực tế này sẽ không kéo dài. Theo ông John Kilduff, viễn cảnh giá dầu trở về mức 25 USD/thùng đang chờ đợi ở phía trước. Neil Atkinson, một quan chức cấp cao của IEA cũng cho rằng giá dầu khó có thể duy trì trên ngưỡng 40 USD/thùng, không gian dao động tương đối hợp lý của giá dầu là từ 35 - 40 USD/thùng. Trong khi đó, hãng tài chính Morgan Stanley nhận định giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp, trung bình là 30 USD/thùng cho tới đầu năm 2017.

Nguồn: