Chuyện tìm dầu giữa rừng Amazon (Kỳ 1)
01:11 SA @ Thứ Hai - 09 Tháng Mười Hai, 2013

Trải qua hơn một năm lao động cực kỳ khó khăn, gian khổ, 13h23 giờ Peru, (tức 1h23 ngày 21 giờ Hà Nội) ngày 20/11, PVEP và Công ty Perenco đã chính thức đánh tiếng chuông vang khắp vùng Amazon - tiếng chuông đầu tiên về khai thác dầu khí tại khu vực này - Ấy là bắt đầu khai thác dòng dầu thương mại…

Tháng 4 năm 2012, trong chuyến đi thăm và làm việc tại nước Cộng hòa Peru, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã gặp gỡ một số cán bộ của Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang làm việc tại đây.

Sau khi nghe đồng chí Đỗ Văn Khạnh, Tổng giám đốc PVEP báo cáo về dự án tìm kiếm khai thác dầu tại Lô 67 nằm trong rừng Amazon, giáp với biên giới Peru - Ecuado, Phó thủ tướng đã động viên anh em và nói, đại ý “Các đồng chí là đại diện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mang chuông đi đánh xứ người… Vậy hãy đánh cho vang vùng Nam Mỹ”.

Trải qua hơn một năm lao động cực kỳ khó khăn, gian khổ, 13h23 giờ Peru, (tức 1h23 ngày 21 giờ Hà Nội) ngày 20/11, PVEP và Công ty Perenco đã chính thức đánh tiếng chuông vang khắp vùng Amazon - tiếng chuông đầu tiên về khai thác dầu khí tại khu vực này - Ấy là bắt đầu khai thác dòng dầu thương mại…

Và đây lại là môt kỳ tích nữa của những người thợ dầu khí Việt Nam trong năm 2013 này, sau kỳ tích Biển Đông 01.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tới thăm và làm việc với lãnh đạo PVEP và PVEP Peru (4/2012)

Tôi bắt đầu phóng sự này tại khu mỏ dầu mang tên một loài cá sát thủ của sông Amazon - Piranha nằm giữa rừng Amazon, cách biên giới Ecuador chỉ có 50km về phía tây bắc.

Hôm nay là ngày thứ ba tôi trở thành vị khách bất đắc dĩ và nếu nói một cách hơi “hình tượng” cho đúng nghĩa thì chúng tôi đã bị “cầm tù” bởi rừng già, bùn lầy và những cơn mưa đổ xuống bất chợt.

Tại khu vực khoan trường rộng hơn 4ha, từ trong nhà, chỉ cần bước ra ngoài một mét là có thể chân đã ngập xuống bùn, còn phía ngoài nữa, cách khoan trường chừng 50m là rừng già Amazon như dựng thành dựng lũy vây kín xung quanh. Ở đây, mỗi người có một vật bất ly thân ấy là đôi ủng cao đến gần đầu gối và nặng tới 1,1kg. Phải là người có sức khỏe mới đủ sức lê đôi ủng này lội trong bùn - một thứ bùn dẻo quánh bám dính như keo. Một bước đi ra ngoài cũng phải mang ủng và khi trở vào nhà lại phải dùng vòi nước xịt cực mạnh, thổi bùn bám đi.

2 ngày trước, chúng tôi bay từ thủ đô Lima tới Iquitos, một thành phố được coi là kỳ lạ nhất thế giới. Rồi từ Iquitos, chúng tôi lại đi bằng trực thăng ra Piranha. Từ Piranha, chúng tôi lại lên trực thăng bay gần 50 cây số nữa sang mỏ Dorado để đón dòng dầu thương mại đầu tiên của Liên doanh giữa Perenco và PVEP.

Niềm vui khi mở van đón dòng dầu thương mại tại Dorado (Lô 67 - Peru)

Sở dĩ gọi Iquitos là thành phố “kỳ lạ” là bởi vì đây là thành phố có tới hơn 422 ngàn dân, thủ phủ của khu vực Loreto và của tỉnh Maynas. Đây là thành phố lớn thứ 5 của Peru, được mệnh danh là “Thủ đô của Amazon” và là thành phố duy nhất trên thế giới không có đường bộ tới… Tất cả phải “cưỡi” máy bay hoặc đi tàu thủy. Đây cũng là thượng nguồn của sông Amazon vĩ đại và con sông Rio Nanay là nhánh lớn nhất của Amazon chảy qua thành phố. Tuy chỉ là một “nhánh” của sông Amazon, nhưng ngay tại Iquitos, từ bờ bên này sang bờ bên kia là cũng khoảng… 7km. Thành phố này giống hệt một thành phố miền Tây Nam Bộ bởi quá nhiều xe… lôi. Tất nhiên ở đây người ta không gọi là “xe lôi” mà là “motocarro”. Xe ôtô ở đây khá hiếm, nhưng motocarro thì “hằng hà sa số”. Loại này nhỏ hơn xe Tuk tuk của Lào, Thái Lan và chỉ chở quá lắm là 3 người. Xe máy ở Iquitos cũng nhiều như ở… Việt Nam, nhưng người đi xe không có khái niệm đội mũ bảo hiểm. Ấy vậy mà tai nạn giao thông ở Iquitos là rất thấp. Thậm chí thấp nhất ở Peru… Nguyên do rất đơn giản: Ở đây không có đường 2 chiều và có hệ thống đèn giao thông dày đặc: Bất cứ chỗ nào có ngã tư là có đèn chỉ huy giao thông. Và người tham gia giao thông chấp hành rất tự giác.

Do đặc điểm địa lý nên nơi này giữ được nhiều giá trị nguyên sơ của rừng Amazon, giữ được một nền văn hóa đa dạng, một nền ẩm thực phong phú cho nên được coi là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của cuộc sống Amazon, vì vậy khách du lịch tới đây để được tận hưởng thiên nhiên hoang dã ngày một đông.

Giàn khoan Piranha 1 trong sương sớm của rừng Amazon

Theo lịch trình, sau khi đoàn cán bộ của PVEP do Phó tổng giám đốc Trương Hồng Sơn dẫn đầu kiểm tra công tác tại mỏ, tiếp đó tiến hành nghi lễ mở van đón dòng dầu thương mại thì khoảng 15 giờ chúng tôi sẽ lên thủy phi cơ bay qua dòng sông Curaray để trở về Iquitos. Nhưng đúng thời gian đó thì tại Iquitos trời đổ mưa, máy bay không thể tới được. Nhìn bản đồ thời tiết trên máy tính, các phi công trực thăng ở đây cũng lắc đầu. Hóa ra ở tại rừng Amazon này, muốn bay từ điểm nọ đến điểm kia, dù chỉ là vài ba trăm cây số cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Nơi này có khi đang nắng chang chang, nhưng nơi điểm đến thì lại mưa và thế là chuyến bay phải dừng. Rồi có khi ở điểm đến đã tạnh mưa rồi, nơi điểm đi cơn mưa lại kéo tới. Thậm chí trên đường bay mà gặp mưa giông là cũng không ổn. Hôm bay từ Iquitos tới Piranha, tôi đã chứng kiến cảnh mưa rừng Amazon. Trời như muốn đổ sập xuống. Mây đen cuồn cuộn đuổi theo máy bay, rừng xanh trở nên xám xịt và giữa hai màu sẫm ấy là nước trắng xóa. Nhìn nước mưa đổ mà tôi cứ nghĩ như có gã rách việc nào đó ngồi trên trời đổ thùng nước xuống…

Cả đoàn chúng tôi ở lại mỏ trong tình cảnh: Không mang theo bất cứ thứ gì cho đồ dùng cá nhân. Vậy là gần 3 ngày 2 đêm, chúng tôi khỏi phải thay quần áo, khỏi phải vệ sinh răng miệng, lúc nào cũng khoác chiếc áo bảo hộ của PVEP dày cộp, đỏ rực màu lửa và dĩ nhiên là bước ra khỏi cửa phải đội mũ bảo hiểm, đi ủng… Có mấy bận tôi ngại đội mũ, lập tức bị nhân viên an toàn đuổi theo, yêu cầu chấp hành đúng quy định của mỏ.

“Họa phúc chi sở tại” - trong cái rủi lại có cái may. Ấy là vì không có máy bay nên chúng tôi “được” ở lại mỏ hai đêm. Với tôi thì quả là dịp may hiếm có, bởi vì đã có thời gian chứng kiến cuộc sống, lao động của những người thợ dầu khí Peru, Việt Nam tại đây.

Mỏ Piranha nằm cạnh sông Arabela. Đây là con sông nhỏ, chiều ngang chỉ hơn trăm mét và nước rất nông. Arabela là nhánh của sông Curaray. Đường chim bay từ Piranha sang khu dịch vụ hậu cần trên sông Curaray chỉ có 30 cây số. Nhưng nếu đi đường sông thì mất đứt… hai ngày, trên chặng ngót 200km và lòng sông rất hẹp. Đi được trên sông Arabela chỉ có loại thuyền dài thượt, tải trọng không quá 10 tấn.

Không hiểu tại sao những khu mỏ tại Lô 67 này lại có tên hai loài cá Piranha và Dorado. Cá Dorado là một loại cá hiền lành, thịt thơm ngon và được bán khá nhiều ở ngoài chợ, trong các nhà hàng ở Iquitos. Còn Piranha lại là loài cá dữ khủng khiếp. Chúng chén bất cứ loại động vật nào chúng phát hiện được dưới lòng sông. Chẳng thế mà ở dưới bến cảng, khi chúng tôi đứng nhìn, tuyệt nhiên không có ai dám thò chân tay xuống dưới nước.

Một con sông trong rừng Amazon

Lô 67 nằm cách Iquitos khoảng 300km đường chim bay. Nhưng muốn đi được đến đây chỉ có 2 con đường là: Bằng máy bay trực thăng hoặc theo đường sông.

Đi bằng máy bay trực thăng chỉ mất một giờ rưỡi. Còn đi đường sông, nếu là xuồng cao tốc thì mất hơn 2 ngày. Loại xuồng cao tốc ở đây khá giống tàu cánh ngầm chạy từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, nhưng tất nhiên là kém hơn nhiều. Còn nếu đi đường sông mà bằng tàu thường thì mất đến 9 ngày để đi hết quãng đường sông dài 900km và ngoắt ngoéo, quanh co như con trăn Anaconda đang trườn.

Tôi đã đi qua nhiều cánh rừng nguyên sinh ở Mường Nhé, Điện Biên, ở Lào Cai, Yên Bái, rồi những cánh rừng đại ngàn ở Trường Sơn, ở miền Tây Nghệ An, nhưng quả thật, không có rừng nào có thể so sánh được với rừng Amazon.

Suốt chặng đường bay 1 giờ 30 phút, tuyệt nhiên chỉ thấy một màu xanh bạt ngàn xa hút tầm mắt, màu xanh bất tận của rừng. Không nhìn thấy bất cứ một ngôi nhà, hay một dấu hiệu nào đó của con người tại đây.

Tất nhiên, trên bản đồ từ Iquitos đến mỏ dầu Piranha có 90 làng, bản và mỗi làng bản có chừng mười đến mười lăm nóc nhà, nhưng họ ở nơi nào đó mà từ độ cao 500m trông xuống, chẳng nhìn thấy gì cả.

Rừng bạt ngàn và che phủ kín đáo vô cùng như thể nơi đây chưa hề có bàn tay con người khai phá, ngoài khu vực khoan trường.

Mái vòm che mưa cho đường

Rừng Amazon được mệnh danh là lá phổi của nhân loại. Đây là một khu rừng nhiệt đới, có nơi pha ôn đới rộng đến 7 triệu km2. Riêng phần nằm trên lãnh thổ Peru là chừng khoảng 600 nghìn km2. Rừng Amazon nằm trên lãnh thổ Brazil, Peru, Ecuador, Columbia. Trong 7 triệu km2 này có đến 5 triệu km2 được gọi là “rừng mưa”. Gọi như vậy vì trên 5 triệu km2 này, lượng mưa nhiều khủng khiếp. Nơi nào ít thì hằng năm, lượng mưa là 2.000ml, nơi cao thì tới 15.000ml. Còn tại khu mỏ Piranha, lượng mưa là khoảng 10.000ml/năm.

Bạn đọc hãy thử tưởng tượng 10.000ml trên 1m2 thì khối lượng nước như thế nào?

Đó là 10m3 nước đổ xuống 1m2 mặt đất trong một năm!

Lượng mưa đổ xuống khu vực Lô 67 trong một năm bằng lượng mưa của cả vùng Tây Bắc Việt Nam trong vòng 6 năm cộng lại.

Mùa mưa ở đây kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 và hầu như không mấy khi nắng đến ngày thứ ba. Nếu có 2 ngày nắng thì anh em ở ngoài giàn khoan mừng vô cùng.

Có thể khẳng định, chưa có một nơi nào trên thế giới mà công việc của con người lại bị phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thời tiết như ở khu vực rừng mưa Amazon. Ở đây, mọi kế hoạch về tiến độ thời gian vạch ra đều mang tính “khái toán”, bởi vì tất cả do “ông trời” quyết định…

Trở lại một chút lịch sử tìm kiếm dầu khí ở Lô 67.

Lô 67 có diện tích khoảng hơn một ngàn cây số vuông và nằm lọt thỏm trong rừng Amazon thuộc địa phận tỉnh Maynas. Việc tìm ra dầu ở Lô 67 này đã được phát hiện từ năm 1998 của thế kỷ trước do Công ty Khai thác dầu khí Perenco.

Không đi bộ thì phải dùng loại xe này xuống công trường

Tuy nhiên, dầu ở đây là loại dầu nặng, có nhiệt độ khoảng 180C và chất lượng không phải là cao. Vì là dầu nặng, lại khai thác trong môi trường đặc biệt khó khăn về thủ tục cấp phép; về thời tiết, về giao thông… nên Perenco mất rất nhiều thời gian và chi phí. Perenco là công ty chuyên khai thác dầu có tiếng trên thế giới. Doanh thu của Perenco hằng năm cũng khoảng hơn 10 tỉ USD. Tại Việt Nam, Perenco cũng đã cùng với PVN thành lập Cửu Long JOC khai thác dầu khá hiệu quả ở ngoài biển.

Đến năm 2011, Perenco cùng PVEP liên doanh với nhau để khai thác dầu ở đây.

Đã nói đến khai thác dầu khí thì thường là đi liền với xa xôi, gian khổ… Miếng bánh dầu khí trên thế giới, chỗ nào “ngon” nhất thì đã bị các tập đoàn dầu mỏ lớn “xơi” sạch từ lâu rồi, thậm chí như Trung Quốc còn ném tiền ra giữ đất, giữ mỏ để đảm bảo an ninh năng lượng cho hàng dăm chục năm sau.

Bây giờ còn chỗ nào có thể “moi” được dầu lên thì thường là ở những nơi mà trước đây chẳng ai thèm… Hơn nữa, khai thác dầu khí là nghề chịu nhiều rủi ro nhất trong tất cả các ngành nghề trên thế giới.

Một mũi khoan được cắm xuống lòng đất để tìm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả thiên văn, vật lý hạt nhân… Rồi có khi còn phụ thuộc vào tình hình chính trị, kinh tế của quốc gia đó.

Tại Algeria chẳng hạn, lẽ ra cuối năm 2013 là PVEP đã có dòng dầu thương mại, nhưng năm 2012 lại nảy nòi ra vụ khủng bố… Thế là các nhà thầu Nhật Bản chuồn sạch. Mất hơn nửa năm sau họ mới bắt đầu quay trở lại và làm việc với tất cả sự cẩn trọng, nghi ngờ… từ đó dẫn đến tốc độ chậm chạp. Vậy là mất toi hơn một năm nữa. Mà một năm bị chậm tiến độ, có nghĩa là kéo theo thiệt hại nhiều triệu USD.

Xe lôi ở Iquitos

Hoặc như tại Venezuela cũng vậy. Chính phủ Venezuela của Tổng thống Hugo Chavez đã ưu ái dành cho chúng ta liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Venezuela (PVSD) khai thác dầu ở vành đai dầu mỏ Oricono có trữ lượng tới hơn 2 tỉ thùng. Dầu ở đây là loại dầu cực nặng, để khai thác đòi hỏi phải có những công nghệ đặc biệt… Tất cả những khó khăn về kỹ thuật đều có thể vượt qua được, nhưng hiện nay, rắc rối nhất là tình hình kinh tế Venezuela đang có những biến động không tốt. Lạm phát quá cao; tỷ giá ngoại tệ và nội tệ là đồng Boliva chênh lệch giữa ngân hàng và ngoài chợ đen là gấp 5 lần; bên cạnh đó là cơ chế quản lý liên doanh của nước bạn cũng chẳng… giống ai. Chính vì vậy mà tiến độ triển khai dự án phải thực hiện theo phương châm “chữ T, có 8 chữ T” - “Tính toán - thận trọng - từ từ - thong thả”.

Một dự án thăm dò, khai thác dầu khí, nếu trong hoàn cảnh cực kỳ thuận lợi và hội tụ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” kèm theo là “mạnh vì tiền” thì cũng phải mất dăm bảy năm.

Mất khoảng 2-3 năm thăm dò…

Thêm 2 năm khoan thẩm định, đánh giá trữ lượng…

Thêm 2 năm thiết kế mỏ và khoan giếng khai thác…

Bỏ tiền ra cho một dự án dầu khí là hàng trăm, thậm chí hàng tỉ USD và để có được đồng tiền “dương” thì chí ít cũng phải sau 4 năm khai thác thuận lợi mới có thể thu được tiền về.

Chính vì vậy ở Việt Nam, không có một doanh nghiệp tư nhân nào dám bỏ tiền đầu tư vào thăm dò, khai thác dầu khí. Bởi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi chậm và quan trọng nhất là độ rủi ro quá lớn… Các doanh nhân Việt Nam vốn quen thói “bóc ngắn, cắn dài”, nên chẳng ai đủ can đảm lao vào lĩnh vực này. Trong nghề khai thác dầu khí, mất trắng vài chục hoặc dăm bảy trăm triệu USD là… chuyện vặt! Ấy là chưa kể những rủi ro trong khai thác như cháy nổ, tràn dầu…

Nguồn: