Công ty dầu khí quốc gia khu vực châu Á: Petronas (Malaysia)
02:52 SA @ Thứ Tư - 02 Tháng Tư, 2014
Tòa tháp đôi Petronas

(VINPA) - Được thành lập từ tháng 8/1974 với tư cách là một công ty dầu khí quốc gia thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia, PETRONAS (Petroliam Nasional Bhd) được trao toàn bộ quyền kiểm soát và khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ tại quốc gia này.

Từ một công ty đơn thuần quản lý và điều tiết lĩnh vực thượng nguồn của Malaysia, đến nay, Petronas đã phát triển thành một tập đoàn dầu khí lớn mạnh, nằm trong Fortune Global 500 - top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (xếp thứ 75 năm 2013 với doanh thu năm 2012 đạt 94,2 tỷ $ và lợi nhuận ròng 16 tỷ $).

Góp mặt tại hơn 35 quốc gia trên thế giới, Petronas đã cho thấy tầm vóc lớn mạnh của mình khi sở hữu hơn 100 công ty con và khoảng 40 công ty liên doanh (trong đó tập đoàn nắm giữ ít nhất 50% cổ phần). Theo số liệu mới nhất, lợi nhuận ròng năm 2013 của Petronas đạt 21 tỷ $, mang lại cho Malaysia một khoản thu ngân sách đáng kể.

Petronas logo.png
Logo của Petronas

Được Nhà nước trao đặc quyền, Tập đoàn có đầy đủ các công ty kinh doanh và dịch vụ từ hạ nguồn cho đến thượng nguồn, từ khai thác đến hoá dầu, kinh doanh và tiếp thị các sản phẩm dầu. Ngoài ra, Petronas còn đầu tư một phần nhỏ vào lĩnh vực bất động sản.
Trụ sở của tập đoàn hiện đặt tại tòa tháp 88 tầng nổi tiếng Petronas Twins Tower – một biểu tượng sức mạnh của Kuala Lumpur.
CEO hiện giờ của Petronas là ông Shamsul Azhar Abbas, ông Tan Sri Mohd Sidek Hassan giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị.

Các công ty con chính
PETRONAS Dagangan Bhd
PETRONAS Carigali Sdn Bhd
Petronas Trading Corporation Sdn Bhd
PETRONAS Gas Berhad
MISC Berhad
KLCC Properties Berhad
PETRONAS Chemicals
Malaysian Marine and Heavy Engineering

Hoạt động thăm dò và sản xuất

Được biết, Petronas không phải là công ty dầu khí đầu tiên hoạt động tại thị trường Malaysia, bởi trước đó - vào những năm cuối của thế kỷ 19 khi nước này vẫn nằm dưới ách thống trị của Anh và Hà Lan, Royal Dutch Shell đã tiến hành những hoạt động thăm dò đầu tiên tại các mỏ dầu ở Sarawak. Giếng dầu đầu tiên được khoan vào năm 1910 tại Miri, Sarawak. Cho đến năm 1963, Shell vẫn tiếp tục là nhà sản xuất dầu mỏ duy nhất tại khu vực này. Sau đó, chính phủ liên bang của Malaysia đã cấp cho Esso, Continental Oil và Mobil giấy phép thăm dò ngoài khơi bang Terengganu – phía đông bắc bán đảo Malaysia. Đến 8/1974, chính quyền Malaysia mới chính thức thành lập công ty dầu khí nhà nước mang tên Petronas đảm nhận và quản lý toàn bộ nguồn tài nguyên dầu khí trong nước, phát triển và tăng giá trị các mỏ hydrocarbon.

Tập đoàn đang ngày một mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc hợp tác với nhiều tập đoàn dầu mỏ đa quốc gia trên thế giới trong khuôn khổ các hợp đồng phân chia sản lượng (PSC), chủ yếu do công ty con PETRONAS Carigali Sdn Bhd tiến hành.
Tính đến hết năm 2012, tập đoàn đã phát hiện thêm được 8 mỏ dầu khí mới, nâng tổng số mỏ lên con số 132, trong đó có 77 mỏ dầu và 55 mỏ khí đốt. Năm 2013, nhờ đẩy mạnh hoạt động thăm dò, Petronas đã tìm thấy thêm 15 mỏ khí đốt với 10 mỏ tại Malaysia và 5 mỏ tại nước ngoài.
Sản lượng khai thác dầu khí năm 2012 của Petronas đạt 2,015 triệu thùng/ngày, trong đó sản lượng nội địa là 1,587 triệu thùng/ngày, còn lại là khai thác tại các mỏ dầu khí nước ngoài với mức 428.000 thùng/ngày.
Song song với việc mở rộng thăm dò, Petronas còn phát triển và gia tăng giá trị của các mỏ dầu khí nhờ tăng tỷ lệ thu hồi dầu. Sản lượng trong năm tài chính 2013 vào khoảng 2,127 triệu thùng dầu quy đổi mỗi ngày. Trong đó, dầu mỏ và condensate tăng 6,8% chủ yếu do việc nối lại sản xuất tại Nam Sudan và tiến hành khai thác tại các mỏ mới trong nước và Iraq. Khí đốt tăng 5,3% do mở rộng sản xuất nội địa và gia tăng sản lượng tại Canada.

Kinh doanh hạ nguồn

Petronas sở hữu và vận hành ba nhà máy lọc dầu trong nước: hai nhà máy tại Melaka (tổ hợp lọc dầu Melaka) và một nhà máy khác tại Kertih – khu vực bờ biển phía Đông Malaysia. Tập đoàn này cũng đang điều hành nhà máy lọc dầu tại Durban, Nam Phi thông qua công ty Engen Petroleum Limited (Engen)– một chi nhánh mà Petronas nắm giữ 80% cổ phần. Các sản phẩm từ bốn nhà máy lọc dầu này được giao dịch và tiếp thị trên toàn cầu nhờ công ty chi nhánh Petronas Trading Corporation Sdn Bhd.

Petronas hiện đang đầu tư 20 tỷ USD xây nhà máy hóa dầu tại miền nam Malaysia, sản xuất các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ như xăng dầu, nhiêu liệu máy bay, dầu diesel,... nhằm tăng khả năng cạnh tranh với Singapore.. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2016 với công suất lọc dầu dự kiến 300.000 thùng/ngày.

Tại thị trường nội địa, PETRONAS Dagangan Bhd (PDB) chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ các hoạt động tiếp thị và bán lẻ các sản phẩm dầu mỏ, tung ra thị trường một loạt các sản phẩm bao gồm xăng dầu, LPG, nhiên liệu phản lực, dầu hỏa, dầu diesel, nhiên liệu dầu, nhựa đường và dầu mỡ bôi trơn.
Với mạng lưới phân phối bao gồm 1027 trạm nhiên liệu, PDB hiện nắm giữ 31% thị phần bán lẻ tại quốc gia này (năm 2012). Ngoài ra, PDB cũng liên kết với các công ty chuyên cung cấp thức ăn nhanh, đồ uống, dịch vụ vận chuyển và các ngân hàng như McDonald's, Kentucky Fried Chicken, Dunkin' Donuts, Konsortium Transnasional Berhad, Maybank, CIMB Bank để hình thành chuỗi dịch vụ tiện ích tại các trạm xăng của mình.

Một trạm nhiên liệu của Petronas

Bên cạnh đó, Petronas hiện cũng có chỗ đứng nhất định tại phân khúc bán lẻ của nhiều thị trường lớn ở châu Á, châu Phi, châu Âu,….
Ở những quốc gia đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ, các sản phẩm dầu mỡ nhờn của Petronas được phân phối thông qua 2 chi nhánh là công ty PETRONAS Marketing China Company Ltd và PETRONAS Marketing India Private Ltd.
Một chi nhánh của Petronas là PT PETRONAS Niaga Indonesia hiện cũng đang quản lý các trạm nhiên liệu bán lẻ, tiếp thị các sản phẩm dầu mỏ, dầu nhờn tại Indonesia. Tại Thái Lan, PETRONAS Retail (Thailand) Co Ltd cũng đang đảm nhận các hoạt động tương tự, đồng thời cung ứng nhiên liệu bay cho hãng hàng không Don Muang International Airport và Suvarnabhumi International Airport ở thủ đô Bangkok.
Tại châu Phi, Engen – công ty con của Petronas được biết đến như một mạng lưới bán lẻ và cung ứng nhiên liệu lớn nhất ở Nam Phi, Sudan và có tầm ảnh hưởng lớn tại các nước thuộc khu vực miền nam sa mạc Sahara như Kenya, Lesotho, Malawi, Mauritius, Mozambique, Swaziland, Tanzania, Zambia, Zimbabwe,...

Hoạt động tại Việt Nam

Năm 1991 là năm đánh dấu những bước đi đầu tiên của Petronas tại Việt Nam với việc kí kết với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí tại lô số 01& 02 ngoài khơi tỉnh Vũng Tàu.

Tháng 1/2000, tổ hợp đấu thầu giữa Petronas, Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí PVEP và 2 đối tác khác đã được thành lập, cùng ký kết một thỏa thuận phân chia sản lượng lô 102 và 106. Đáng chú ý là mỏ dầu khí tại mỏ Hàm Rồng với trữ lượng khá lớn (138,11 triệu thùng dầu và 4,94 m3 khí) dự kiến cho sản lượng vào cuối năm 2014. Mới đây, cũng tại lô 102-106, vào tháng 9/2013, tổ hợp đấu thầu này cũng vừa ký thỏa thuận mua bán khí mỏ Thái Bình trữ lượng tại chỗ khoảng 140 tỷ bộ khối khí (bcf), dự kiến đi vào hoạt động năm 2015.

Ngoài các dự án nêu trên, Petronas còn tham gia vào các hợp đồng dầu khí khác ở Việt Nam như hợp đồng lô 01/97 & 02/97; 46-02; 46-Cái Nước; 122 và PM3-CAA,…,

Trong khuôn khổ hợp tác 3 bên, cùng với Tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina) và PetroVietnam, Petronas đã tiến hành hoạt động thăm dò và khai thác các lô dầu khí 10 & 11, SK-305 và Radugunting tại lần lượt 3 quốc gia là Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Về phân phối các sản phẩm dầu khí và hóa dầu, tại thị trường Việt Nam, từ năm 1995 đến nay, Petronas đã thành lập khá nhiều liên doanh để trong đó phải kể đến Công ty TNHH Liên doanh Khí hóa lỏng Thăng Long, công ty PETRONAS Vietnam Limited, công ty Phú Mỹ (nhựa hóa chất) và công ty đóng tàu Vũng Tàu (chuyên về dịch vụ về dầu).
Cuối tháng 12/2013, Petronas Dagangan Bhd (PDB), chi nhánh của Petronas cũng đã hoàn tất việc mua lại PETRONAS Vietnam và Công ty Liên doanh Khí hóa lỏng Thăng Long tại Việt Nam.

Với tư cách là một trong những đối tác truyền thống, uy tín và lâu năm của nước ta trong lĩnh vực dầu khí, Petronas đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước, đưa Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 trong ASEAN và lớn thứ 9 trên thế giới của Việt Nam.

Nguồn: