Dầu có thể phá đáy 20 USD/thùng với ẩn số đến từ Mỹ, Iran
01:12 SA @ Thứ Sáu - 25 Tháng Mười Hai, 2015

Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) trên sàn New York có thể rớt xuống ngưỡng 20 USD/thùng, nếu như nguồn cung dư thừa không được kiểm soát một cách hiệu quả.

Đó là dự báo cập nhật được tập đoàn tài chính Citigroup Inc (Mỹ) công bố sau khi “vàng đen” lao dốc mạnh trong ngày 15/12. Trong phiên giao dịch buổi sáng, giá dầu WTI đã có thời điểm cán mốc 34,53 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ thời điểm tháng 2/2009. Đây thực sự là một cú sốc đối với các nước sản xuất, có nguồn thu phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, khi mà mặt hàng thiết yếu này đã mất đi 14% giá trị chỉ trong một tháng qua.

Thị trường dầu mỏ đang ở trạng thái dư thừa nguồn cung. Ảnh: Reuters

Theo Citigroup, giá cần phải xuống thấp hơn nữa, đến mức buộc một số nhà sản xuất dừng hoạt động, khi mà nguồn cung chất đầy các kho chứa, các khoang tàu chở dầu cỡ lớn. Kịch bản này có thể sẽ được kiểm chứng trong thời gian 6 tháng tới, với việc dầu WTI lui về ngưỡng 20 USD/thùng so với mức 36-37 USD/thùng tại thời điểm hiện nay. Còn dầu Brent Biển Bắc có thể chỉ đứng ở mức 30 USD/thùng. “Quý tới đây thị trường dường như vẫn ghi nhận mức giá giao dịch thấp hơn so với cuối quý này. Nguồn cung vốn quá dư thừa hiện nay còn phải đối mặt với thách thức lớn đến từ việc Iran quay trở lại thị trường; mức độ căng cứng về năng lực dữ trữ tại các kho chứa trên bờ sẽ được kiểm nghiệm trong quý tiếp theo”, báo cáo của Citigroup viết.

Tuy nhiên, tập đoàn tài chính Mỹ vẫn giữ mức dự báo lạc quan về mức giá trung bình của dầu trong năm 2016, với 51 USD/thùng cho dầu Brent Biển Bắc và 48 USD/thùng với dầu WTI. Lý do là bởi, nguồn cung dư thừa hiện nay chỉ là 1,5% so với tổng mức nhu cầu và đây không phải là một con số quá lớn.

Ẩn số Iran, Mỹ

Khác với nhiều thời điểm mất giá trước đây mà nguyên do là suy thoái kinh tế, sự lao dốc của giá dầu hiện nay chủ yếu là mất cân đối cung - cầu. Tình trạng dư cung sẽ tồi tệ hơn khi Iran tái tham gia thị trường xuất khẩu dầu mỏ sau nhiều năm bị cấm vận. Tehran tuyên bố sẽ tăng mức sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày ngay sau khi cấm vẫn được bãi bỏ. “Hoàn toàn không có cơ hội Iran trì hoãn kế hoạch tăng cường khai thác, xuất khẩu dầu ngay cả khi giá giảm”, Thứ trưởng Bộ dầu mỏ và Các vấn đề Thương mại quốc tế Amir Hosseein Zamaninia chia sẻ với hãng tin Bloomberg.

Việc tái gia nhập thị trường của Iran có thể sẽ đẩy “đầu tàu” Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Saudia Arabia tiếp tục bơm thêm “vàng đen”, càng làm cho nguồn cung trở nên dồi dào. Nguyên do là bởi Riyadh, đối thủ lâu đời của Tehran, nhận thấy rằng giá dầu tăng sẽ giúp Iran có được cơ hội bùng nổ kinh tế.

Trong một diễn biến khác, Mỹ đang từng bước tiến đến việc chấm dứt chính sách hạn chế xuất khẩu dầu mỏ đã từng được áp dụng trong hơn 40 năm qua. Hạ nghị sĩ Reid Ribble và Joe Barton cho biết, lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ tối ngày 15/11 đã đạt được đồng thuận về các kế hoạch thuế, chi tiêu ngân sách, trong đó có việc loại bỏ điều khoản ngăn cấm xuất khẩu dầu. Nếu thỏa thuận được Quốc hội thông qua trong vài ngày tới và được Tổng thống Barack Obama ký ban hành, Mỹ sẽ được một chỗ đứng vững chắc trong việc “điều hành chính sách năng lượng toàn cầu” – như lời ông Barton mô tả.

Trong bối cảnh đó, không phải là điều quá ngạc nhiên khi Thứ trưởng Tài chính Nga Maxim OreshkinMaxim đánh giá, Moskva đã tính tới kịch bản dầu sẽ đứng ở mức thấp, dao động trong khoảng 40-60 USD trong khoảng thời gian 7 năm tới đây. Những nước có nguồn thu phụ thuộc vào dầu mỏ khí đốt như Nga, Venezuela hay thậm chí là cả Saudi Arabia được dự báo là sẽ chịu những tác động mạnh nhất.

Nguồn: