Gia tộc Rockefeller và đế chế dầu lửa khét tiếng nhất thế giới
04:27 SA @ Thứ Năm - 11 Tháng Mười Hai, 2014

Nhắc đến Rockefeller, người ta nghĩ ngay tới sự độc quyền. Chỉ gia tộc Rockefeller mới xây dựng được nhà máy lọc dầu hùng mạnh tới nỗi chính quyền sở tại cũng phải run sợ, Tạp chí Business Insider điểm lại.

Gia tộc Rockefeller và đế chế dầu lửa khét tiếng nhất thế giớiNgười ta gọi Standard Oil là “con bạch tuộc” của ngành công nghiệp khai thác và tinh chế dầu lửa, từng kiểm soát gần như tất cả những thứ liên quan đến sản phẩm, chế biến, tiếp thị và vận chuyển dầu lửa của Mỹ. Ảnh: Wiki

Có vẻ câu nói "Không ai giàu ba họ" không vận vào gia tộc Rockefellers. Trong khi những gia đình khác thăng trầm cùng nền kinh tế, nhà Rockfellers luôn có cách để giữ của.

Ngày nay, gia tài của nhà Rockfellers nhiều tới nỗi người dân New York chỉ cần bước chân ra khỏi nhà sẽ chạm mặt dịch vụ của Rockfellers, từ cây xăng tới ngân hàng.

Theo ước đoán, gia đình Rockfeller nhập cư từ Đức vào Mỹ vào những năm 1720.

Tên ban đầu của gia đình được cho là "Rockenfeller".

John Davison Rockefeller sinh năm 1839.

Cha ông từng kinh qua nhiều nghề kỳ lạ. Có vẻ gia đình John Davison xuất thân không khá giả. Năm 1852, cả gia đình chuyển tới thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio, Mỹ.

John Davison lao vào thương trường khi Nội chiến nổi ra.

Năm 20 tuổi, ông tạo dựng một công ty khởi nghiệp, cung cấp đồ ăn thức uống cho quân của chính phủ Liên bang miền Bắc. Cuộc chiến kết thúc, trong túi ông đã có 250.000USD.

Sau Nội chiến là đợt bùng nổ dầu mỏ đầu tiên tại Mỹ.

Thành phố Cleveland trở thành điểm vận tải huyết mạch. Không thiết tha việc buôn bán rau quả, ông bán dự án thực phẩm để đầu tư vào một mỏ dầu.

Việc làm ăn thuận lợi, năm 1870, ông thành lập công ty Standard Oil.

Trong những ngày đầu, John Davison thực sự không giấu nổi sự phấn khích. Nhà báo nổi tiếng Ida Tarbell là người có cơ hội chứng kiến điều này. Đây cũng là người sau này theo đuổi cuộc điều tra chống lại Rockefeller và đế chế dầu mỏ của ông.

"Khi nghe tin thương vụ thành công, ông ấy nhảy cẫng lên khỏi ghế và hò reo, chạy khắp phòng, ôm chầm lấy tôi và quay cuồng như điên. Một cảnh tượng tôi không thể quên", bà Tarbell kể lại.

Rockefeller đưa Standard Oil trở thành một trong những công ty lớn mạnh nhất trong lĩnh vực lọc dầu.

Từ Cleveland đến các địa hạt còn lại của nước Mỹ, Standard Oil gần như độc quyền kiểm soát thị trường dầu lửa.

Standard Oil có bước ngoặt lớn sau một vụ "lại quả" khổng lồ.

Nhiều người nói tránh đi, gọi kế hoạch này là "chương trình tri ân".

Thời đó, các công ty dầu lửa không chỉ cạnh tranh về chi phí khai thác, mà còn cả chi phí vận chuyển. Năm 1872, John Davison và một số đối tác thành lập lên công ty Southern Improvement Company.

Mục tiêu đặt ra là đè bẹp các mỏ dầu nhỏ ở Trung Đông. Bằng cách nào đó, John Davison đã đi đêm thành công, thuyết phục phía đường sắt giảm giá vận chuyển cho mình, giành lợi thế vượt trội.

Kế hoạch này tai tiếng đến nỗi nó được đặt tên riêng là “Cuộc tàn sát Cleveland” (Cleveland Massacre).

Khi cuộc "tàn sát" kết thúc vào tháng 4/1872, Standard Oil của Rockefeller đã kiểm soát 25% ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ.

Lạ lùng thay, công ty Southern Improvement Company cũng lặng lẽ rút khỏi thị trường. Sau này, nhà báo Tarbell viết:

"Không có tài liệu nào về việc thành lập công ty được công bố, không ai biết danh sách lãnh đạo là ai, không có tài liệu ghi nhận về các đợt bỏ phiếu. Nguồn gốc của công ty Southern Improvement Company mãi mãi nằm trong bóng tối".

18/12/1873, "Ngày Thứ Năm đen tối" châm ngòi đợt suy thoái kéo dài 6 năm ròng, nhưng Standard Oil vẫn không hề suy chuyển.

Chẳng những vậy, công ty thừa cơ thâu tóm các doanh nghiệp khai thác dầu đang hấp hối tại cao nguyên Cao Nguyên Alleghenies và ở New York.

Năm 38 tuổi, Rockefeller kiểm soát gần 90% công suất lọc dầu của Mỹ.

Đến năm 1879, ông là 1 trong 20 người giàu nhất nước Mỹ.

Cleveland trở nên chật chội. John Davison cùng gia đình chuyển tới New York năm 1883.

Trụ sở của Standard được xây dựng tại số 6 Broadway, New York. Ban đầu tòa nhà có 9 tầng.

Vào thập niên 20, công trình được xây dựng lại, vẫn có tên là Tòa nhà Standard Oil.

Những năm 1880, Rockefeller củng cố thế gọng kìm trên thị trường dầu lửa tại Mỹ và thế giới.

Theo tiết lộ của nhà báo Ida Tarbell, Rockefeller không ngại dùng chiêu khủng bố đối thủ để đạt được mục đích.

Trong bức thư gửi chính quyền Ohio, một công ty quy mô nhỏ đã tả lại cảnh đại diện của Standard Oil "săn lùng ông trong hai ngày", "đe dọa đủ thứ" và "tiếp cận với thành viên gia đình tôi khi tôi vắng nhà".

Sau 8 năm liên tục phát triển, bành trướng với một động cơ rất quyết liệt là gây ảnh hưởng và chi phối ngành công nghiệp dầu lửa, Rockefeller loại trừ và mua gần hết các đối thủ cạnh tranh.

Lo ngại ảnh hưởng của Rockefeller, chính quyền bang Ohio thông qua Đạo luật Chống độc quyền năm 1890.

Đạo luật Chống độc quyền Sherman Antitrust Act là sáng kiến của Thượng nghị sỹ John Sherman, bang Ohio. Mặc dù không chỉ mặt gọi tên Standard Oil, nhưng đây là công ty chính đạo luật nhắm tới.

Theo đó, Standard Oil buộc phải chia nhỏ thành nhiều tập đoàn độc lập, không được liên kết để độc quyền và kiểm soát thị trường.

Nhưng sau 21 năm kiện tụng, John Davison mới tuân theo đạo luật. Sherman Antitrust Act vẫn còn có giá trị tới ngày nay.

Trong lúc đó, John Davison hỗ trợ thành lập trường Đại học Chicago năm 1890 để cải thiện hình ảnh.

Ông bỏ ra 600.000USD để hỗ trợ chiến dịch gây quỹ dựng trường. Sau này, John Davison gọi đó là "khoản đầu tư khôn khéo nhất đời" ông.

Tòa tháp theo phong cách Gothic biểu tượng của ngôi trường vẫn mang tên Rockefeller.

Phải mất 14 năm ngôi trường mới được xây xong.

Tuy nhiên, kế hoạch đánh bóng tên tuổi bị đổ bể.

Chính phủ Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Roosevelt, theo đuổi ít nhất 3 vụ kiến chống lại Standard.

Mỉa mai thay, kiện tụng chỉ càng làm John Davison giàu thêm.

Bán đi các tài sản trong Standard, tài sản ròng của John Davison cán mốc 900 triệu USD. Ở thời kỳ đỉnh cao nhất, tài sản của ông được ước tính có giá trị tương đương 324 tỷ USD ngày nay.

Rockefeller thọ 98 tuổi.

Ông được mệnh danh là tỷ phú giàu nhất mọi thời đại, khó ai có thể đuổi kịp, kể cả trong tương lai.

Ông chỉ có một người con trai tên John Junior.

Và 4 người con gái. Danh sách thành tích của nhà Rockefeller vẫn kéo dài sang tới nửa đầu thế kỷ 20.

Năm 1926, Junior rót 56 triệu USD phục hồi trung tâm lịch sử Williamsburg, bang Virginia.

Cũng năm đó, ông chi 1,4 triệu USD mua mảnh đất sau này trở thành Vườn quốc gia Grand Teton.

Vườn quốc gia nằm ở Tây Bắc tiểu bang Wyoming. Diện tích vào khoảng 130.000 ha, bao gồm các đỉnh núi chính của của dãy núi Teton dài 64 km.

Phu nhân của Junior thì điều hành dự án, sau này trở thành Bảo tàng nghệ thuật hiện đại năm 1929.

Đây hiện được xem như bảo tàng nghệ thuật hiện đại quan trọng bậc nhất. Với diện tích 11.600 mét vuông, viện bảo tàng lưu giữ hơn 150.000 tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Hàng năm, bảo tàng khoảng 2,5 triệu lượt khách thăm.

Ban đầu, Junior hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ, nhưng sau đó chuyển sang bất động sản.

Năm 1930, ông chi 250 triệu USD xây dựng Trung tâm Rockefeller. Hoàn thành năm 1939, đây là dự án bất động sản thương mại tư nhân lớn nhất lịch sử thời bấy giờ.

Cũng trong năm 1930, Junior trở thành cổ đông lớn của ngân hàng Chase Bank.

Ngân hàng đã thâu tóm công ty Equitable Trust Company của ông. Đây vẫn là công ty con của nhà băng tính tới hiện tại.

David Rockefeller, con trai của Junior, giữ chức CEO Equitable Trust Company trong 11 năm. David Rockefeller vừa bước sang tuổi 99 vào tháng Sáu.

Sau Thế chiến II, nhà Rockefeller quyên góp 6 mảnh đất trị giá 8,5 triệu USD làm trụ sở Liên hiệp quốc.

Mảnh đất đã được tuyên bố thuộc sở hữu quốc tế.

Sau Junior, hậu duệ nổi tiếng tiếp theo của nhà Rockefeller là Nelson, con trai khác của ông.

Khởi nghiệp là một nhà chính trị, ông được bổ nhiệm chức Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Latin.

Năm 1958, ông chạy đua tranh chức Thống đốc New York.

Ông đánh bại Thống đốc Averill Harriman đương chức, phục vụ 45 nhiệm kỳ tới 1973.

Trong khi đó, con trai của Nelson, John III, đã quyên góp 175 triệu USD xây dựng trung tâm Lincoln.

Toàn bộ trung tâm được hoàn thành năm 1966.

Năm 1979, Nelson qua đời vì một cơn đau tim.

Khi nằm bệnh, ông được một cô gái 25 tuổi chăm sóc, hiện chưa rõ cô gái có liên quan gì tới cơn đau tim của triệu phú không.

Người nhà Rockefeller nổi tiếng nhất hiện tại là Thượng nghị sỹ Jay Rockefeller.

Nhưng Jay Rockefeller chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Không giống nhiều gia tộc thịnh vượng của Mỹ phôi pha theo thời gian, cái tên Rockefeller vẫn xuất hiện đều trên mặt báo.

Khi nghe đến tên Trung tâm Rockefeller, người Mỹ nghĩ ngay tới trung tâm mua sắm sầm uất.

Ngôi nhà của gia tộc tại Westchester, có tên Kykuit, trở thành địa điểm du lịch vào năm 1976.

Mảnh đất rộng 80 mẫu Anh, được John Davison tậu vào những năm 1890.

Tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil cũng thuộc sở hữu của nhà Rockefeller.

Nguồn: