Giá xăng các nước trên thế giới (P.1)
02:11 SA @ Thứ Năm - 26 Tháng Sáu, 2014

(VINPA) - Bạn có nghĩ rằng giá xăng tại Việt Nam là quá đắt? Hãy cùng Bloomberg so sánh 21 quốc gia theo giá mỗi gallon (3,78 lit) xăng, thu nhập bình quân hàng ngày và phần trăm ngày lương dùng để mua nhiên liệu.

1. Hàn Quốc

Mặc dù là một trong những quốc gia nhỏ bé trên thế giới với diện tích xấp xỉ bằng bang Indiana của Hoa Kỳ, Hàn Quốc vẫn xếp thứ hạng cao về số lượng ô tô sử dụng. Huyndai và Kia đứng thứ 5 trên thế giới về tổng doanh số kết hợp trên toàn cầu. Hai loại xe này đặc biệt phổ biến với giới trẻ.

South Korea

Thu nhập trung bình hàng ngày của người Hàn là $71. Giá mỗi gallon xăng ở đây là $6,65 (khoảng 37.300 đ/l) và người dân bỏ ra 9,4% lương một ngày để mua 1 gallon xăng.

2. Singapore

Giá nhiên liệu tại Singapore đã tăng 3,4% từ tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên, người dân nơi đây chỉ tốn chi phí cho ô tô chứ không phải cho nhiên liệu.

Singapore

Ở Singapore, một chiếc Wolkswagen Passat sẽ khiến bạn tiêu tốn gần $168.000, theo số liệu tổng hợp của SGCarmart.com. Hầu hết chi phí dành cho việc xin giấy phép của chính phủ để lái xe có thể sở hữu một chiếc ô tô trong 10 năm. Giấy phép loại này được sử dụng nhằm hạn chế tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Quốc đảo đông đúc Singapore, nơi được tạo nên từ 63 đảo nhỏ khác nhau, sở hữu một trong những mạng lưới giao thông ngắn nhất trên thế giới với chiều dài chỉ 2.085 dặm.

Tuy vậy, dầu mỏ vẫn là ngành kinh tế chủ lực với một số các nhà máy lọc dầu lớn nhất trên thế giới tại đây. Singapore nhập khẩu dầu mỏ và xuất khẩu xăng tới các quốc gia khai thác dầu tại Trung Đông. Tuy nhiên, sự mở rộng của các nhà máy lọc dầu tại Trung Đông gần đây đang làm tăng nguy cơ giảm lợi nhuận của các nhà máy tại châu Á.

Giá mỗi gallon xăng tại Singapore là $6,55 (khoảng 36.730 đ/l) và người dân dành 4,3% ngày lương để chi trả cho 1 gallon xăng.

3. Nhật Bản

Hệ thống thuế xăng lâu đời tại Nhật Bản đã giúp các hãng sản xuất xe hơi tại quốc gia này đi tiên phong trong công nghệ sản xuất xe tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, người dân tại đây tiêu thụ hơn 1/3 lượng xăng so với mức xếp loại trung bình.

Japan

Nhật Bản là quê hương của một nửa trạm sạc lưu động cho ô tô điện trên thế giới và đây là động lực thúc đẩy công nghệ này tiến xa hơn nữa. Năm ngoái, Nissan, Toyota, Honda và Mitsubishi đã thống nhất đóng góp kinh phí để xây dựng 12.000 trạm sạc mới.

Thu nhập bình quân hàng ngày của người Nhật là $104. Giá mỗi gallon xăng tại Nhật Bản là $5,84 (khoảng 32.750 đ/l) và người dân tiêu tốn 5,6% lương hàng ngày để mua 1 gallon xăng.

4. Brazil

Giá xăng tại Brazil đã được điều chỉnh rẻ hơn từ năm 2011 khi Tổng thống Dilma Rousseff bắt đầu áp mức giá trần nhiên liệu để giúp kiềm chế lạm phát. Chính sách này khiến Petrobras, công ty dầu khí nhà nước Brazil, lỗ $40 tỷ.

Brazil

Mức giá trần có thể sắp kết thúc. Rousseff đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảmphiếu tín nhiệmvà cuộc bầu cử sắp tới vào tháng 10. Thậm chí nếu bà có thắng, bà có thể sẽ phải nới lỏng kiểm soát giá xăng.

Brazil là một trong những quốc gia cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới và dầu mỏ cũng không ngoại lệ, với hơn 2,3 triệu thùng được khai thác mỗi ngày. Quốc gia này cũng là nước tiêu thụ nhiên liệu sinh học lớn thứ 2 trên thế giới.

Thu nhập bình quân hàng ngày ở Brazil là $30. Giá xăng tại đây là $5,35 (khoảng 30.000 đ/l) và người dân trích 18% lương hàng ngày để mua 1 gallon xăng.

5. Australia

Thuế carbon gây tranh cãi của Australia không áp dụng với nhiên liệu dùng cho lái xe. Điều này có nghĩa, người dân Australia vẫn tiếp tục được hưởng mức giá nhiên liệu tương đối rẻ.

Australia

Thuế carbon khiến giá năng lượng thay đổi tới nỗi năng lượng gió hiện còn rẻ hơn than đá và khí tự nhiên dùng cho sản xuất điện tại Australia. Thủ tướng chính phủ Tony Abbott đang lên kế hoạch loại bỏ thuế carbon dù điều này có thể sẽ vấp phải các ý kiến phản đối. Australia có lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch trên đầu người cao nhất trong các quốc gia công nghiệp trên thế giới.

Thu nhập bình quân đầu người tại Australia là $167/ngày, trong đó chỉ 3,1% được sử dụng để mua 1 gallon xăng với giá $5,27 (khoảng 29.550 đ/l). Bởi sử dụng rất nhiều nhiên liệu nên người Australia tốn khá nhiều thời gian tại các trạm xăng.

6. Nam Phi

Nam Phi tiêu tốn rất nhiều chi phí cho nhiên liệu. Điều này càng tồi tệ hơn bởi lượng xăng người dân nước này tiêu thụ. Phần chi phí dành cho đổ xăng chiếm tỷ trọng lớn hơn so với các chi phí khác trong tổng thu nhập hàng năm của người dân Nam Phi.

South Africa

Giá xăng tại Nam Phi được điều chỉnh hàng tháng bởi Quỹ Năng lượng Quốc gia, một tổ chức nhà nước được thành lập năm 1997. Chính phủ Nam Phi đã tăng giá xăng vào năm trước, giúp đẩy lạm phát đến giới hạn trên của mục tiêu tối đa trong khoảng 6% của các ngân hàng trung ương tại đây.

Giá xăng tại Nam Phi đã tăng 8,5% từ tháng 7 năm ngoái. Thu nhập trung bình của người dân Nam Phi là $18/ngày, trong đó 28% được dùng để mua 1 gallon xăng có giá $4,97 (khoảng 27.870 đ/l).

7. Ấn Độ

Ấn Độ vừa bị Pakistan qua mặt để giành vị trí quốc gia tiêu tốn ít nhất cho nhiên liệu. Tại cả 2 quốc gia trên, mức lương thấp và cơ sở vật chất hạn chế đã dẫn đến tình trạng thiếu thốn năng lượng rộng khắp. Chất lượng cuộc sống tại đây bị cản trở do thiếu điện và nhiên liệu sạch.

India

Tuy vậy, trợ cấp năng lượng tốn kém tại Ấn Độ giúp người dân nơi đây đỡ chi phí cho nhiên liệu nhưng lại làm tăng ô nhiễm và suy yếu tài chính quốc gia: Trợ cấp năng lượng chiếm khoảng 10% ngân sách hàng năm, theo số liệu của chính phủ Ấn Độ.

Theo Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế OECD, trợ cấp không phải là một cách hiệu quả để giảm bớt sự thiếu thốn năng lượng. Điều này đã gây gánh nặng cho Chính phủ và người dân trong khi chủ yếu lại làm lợi cho các hộ gia đình giàu có.

Một người dân Ấn Độ thông thường cần dành hơn 1 ngày công để có thể mua 1 gallon xăng với giá $4,79 (khoảng 26.860 đ/l). Do mức giá đắt đỏ, đất nước 1,2 tỷ người này có mức tiêu thụ nhiên liệu tính trên đầu người thấp nhất trên thế giới.

8. Trung Quốc

Với dân số 1,3 tỷ người, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai chỉ sau Mỹ.

China

Mức tiêu thụ nhiên liệu được dự đoán sẽ chỉ tăng khi tầng lớp trung lưu tại đây mở rộng. Số lượng xe cộ tại Trung Quốc có thể tăng gấp 3 lên 260 triệu xe vào năm 2020, bằng với số lượng hiện có tại Mỹ, theo tiết lộ của Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc.

Trung Quốc điều chỉnh giá bán lẻ xăng và dầu diesel để kiềm chế lạm phát. Với mức lương trung bình thấp, quốc gia này được xếp vào danh sách các quốc gia tiêu tốn chi phí ít nhất cho nhiên liệu, mặc dù giá xăng tại đây thấp hơn 20% so với mức trên toàn cầu.

Thu nhập bình quân hàng ngày tại Trung Quốc là $20. Giá mỗi gallon xăng tại đây là $4,73 (khoảng 26.530 đ/l) và người dân phải bỏ ra ¼ lương trong ngày để mua 1 gallon xăng. Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình tính trên đầu người không quá lớn nhưng cả quốc gia hợp lại sẽ là một con số không hề nhỏ.

9. Philippines

Philippines đang trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ. Nền kinh tế tại đây phát triển mạnh mẽ, lên tới 7,2% trong năm qua. Nhu cầu năng lượng theo đó cũng tăng cao nhưng mức lương không hề được cải thiện.

Philippines

Người dân Philippines được bù đắp phần nào chi phí mua xăng nhờ nguồn năng lượng phi truyền thống. Theo Hiệp hội Đia nhiệt Thế giới, Philippines là nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Quốc gia với 95 triệu người và 7.100 đảo sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên trên để đáp ứng khoảng 17% nhu cầu năng lượng trong nước.

Philippines chỉ tiêu thụ một phần nhỏ xăng so với hầu hết các quốc gia khác trong bảng xếp hạng. Thu nhập bình quân của người dân nơi đây là $8,04/ ngày, trong đó 56% lương hàng ngày được sử dụng để mua 1 gallon xăng có giá $4,48 (khoảng 25.130 đ/l).

10. Thái Lan

Thái Lan có mức xăng tương đối rẻ so với hầu hết các quốc gia khác, tuy nhiên, đây vẫn là mức giá khá cao cho rất nhiều người Thái. Quốc gia này xếp thứ 8 trong số các quốc gia có mức lương trung bình hàng ngày được sử dụng để mua 1 gallon xăng.

Thailand

Chi phí nhiên liệu cao giúp khuyến khích người dân sử dụng các loại xe kéo ba bánh có động cơ được biết đến với tên gọi tuk-tuk trong các thành phố du lịch lớn nhất của Thái Lan. Các loại phương tiện thông thoáng này sử dụng ít xăng nhưng lại kém an toàn hơn ô tô và là nguồn gây ô nhiễm lớn.

Thu nhập bình quân hàng ngày tại Thái Lan là $15 và 30% trong số này được dùng để mua 1 gallon xăng có giá $4,46 (khoảng 25.010 đ/l).

11. Indonesia

Indonesia hiện đang gặp vấn đề với dầu thô. Quốc gia với những mỏ dầu già cỗi này đang sản xuất lượng dầu ít hơn 1 nửa so với sản lượng giữa những năm 1900. Điều này biến Indonesia từ một nước xuất khẩu thành quốc gia nhập khẩu nhiên liệu.

Indonesia

Tuy nhiên, trong khi bong bóng dầu mỏ tại đây đang dần biến mất thì trợ cấp nhiên liệu lại là vấn đề đáng quan tâm. Trợ cấp vượt ngoài khả năng chi trả của chính phủ Indo. Khoảng 15% ngân sách trong năm nay được dùng cho trợ cấp năng lượng.

Một năm trước đó, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã hăm dọa người biểu tình và ra lệnh cắt trợ cấp. Sự thay đổi trên làm tăng mức chi phí cuộc sống, đặc biệt tăng gánh nặng cho 100 triệu người đang phải sống với đồng lương dưới $2 một ngày tại Indonesia thời điểm đó.

Hầu hết người Indonesia mua nhiên liệu được trợ cấp với mức octane thấp hơn so với loại nhiên liệu phổ biến tại hầu hết các quốc gia khác và loại được sử dụng trong bảng phân loại của Bloomberg. Mức chi phí cho nhiên liệu trợ cấp ở các trạm xăng tại Indonesia là 6.500 rupiah/ lit (tương đương $2,18/ 1 gallon). Người dân Indo hiện phải bỏ ra 39,9% thu nhập /ngày để mua 1 gallon xăng có giá $3,73 (khoảng 20.920 đ/l).

(Còn tiếp)


Bảng xếp hạng giá xăng do Bloomberg bình chọn cập nhật ngày 02/6/2014 có tất cả 61 quốc gia. Trong khuôn khổ bài tổng hợp này, chúng tôi chỉ đề cập tới 21 quốc gia tiêu biểu.

1 U.S gallon = 3,78 litre
1 U.S dollar = 21.200 VNĐ (tỷ giá bán ngày 02/6/2014 tại Vietcombank – Hội sở)

Nguồn: