Giàn khoan tự nâng “Made in Vietnam”
03:24 SA @ Thứ Sáu - 20 Tháng Bảy, 2018

Việc chủ động chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 thay vì nhập khẩu, vừa làm chủ một công nghệ phức tạp, vừa giúp tiết kiệm hàng chục triệu USD cho đất nước. Đây là công nghệ rất phức tạp, có tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe và rất ít nước trên thế giới có thể thực hiện chế tạo.

Già n khoan tự nâng Tam Đảo 05. Ảnh:PV

Bàn tay và khối óc làm chủ công nghệ

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Cty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu EPC. Giàn khoan tự nâng 90m nước, với trọng lượng lên tới gần 12.000 tấn, chiều dài chân là 145m; hoạt động ở độ sâu tới 90m nước và chiều sâu khoan đến 6,1km; có thể chịu đựng được sức gió tương đương bão cấp 12, trên cấp 12 và chịu đựng được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Sự kiện này đã chính thức đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, gần như toàn bộ phần thiết kế chi tiết, thiết kế công nghệ và thi công đều được thực hiện tại Việt Nam, chỉ có thiết kế cơ sở (mẫu giàn khoan) là phải mua của nước ngoài. Để xây dựng 1 dự án trị giá 180 triệu USD, ngoài khó khăn về kinh nghiệm, vật chất, cái khó nhất là thuyết phục các cấp lãnh đạo tin tưởng đồng ý.

Sau khi chế tạo thành công Giàn khoan Tam Đảo 03, PV Shipyard được khách hàng liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) tiếp tục ký hợp đồng chế tạo giàn khoan tự nâng thứ 2 (Giàn khoan Tam Đảo 05) có khối lượng và độ phức tạp công nghệ cao hơn Giàn khoan Tam Đảo 03. Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được khởi công từ tháng 12.2013 và hoàn hiện vào tháng 11.2016.

Đây là dự án mang tính chất đặc thù của ngành dầu khí và là sản phẩm giàn khoan tự nâng thứ 2 được thực hiện tại Việt Nam, có thể hoạt động ở độ nước sâu 120m và khoan tới mỏ dầu khí ở độ sâu 9,0km, chịu được bão trên cấp 12.

Minh chứng của trí tuệ Việt

Công trình giàn khoan tự nâng đã khẳng định năng lực của ngành công nghiệp chế tạo mới, giá thành rẻ hơn nhập khẩu rất nhiều, mở ra 1 thị trường xuất khẩu cho ngành công nghiệp chế tạo giàn khoan. Các giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03, Tam Đảo 05 do PV Shipyard chế tạo có khả năng hoạt động khoan thăm dò ở hầu hết các vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam. Tạo ra bước đột phá, tự chủ về KHCN và đóng góp đáng kể trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo của nước ta.

Bằng trí tuệ và sự nghị lực của toàn thể CBCNV, tận dụng tối đa nguồn lực, tích cực áp dụng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, PV Shipyard đã vượt qua nhiều thách thức, khó khăn để đi đến thành công. Dự án Tam Đảo 05 đã trải qua hàng triệu giờ công lao động an toàn với hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tạo công ăn việc làm cho 700 - 1.200 lao động trong thời gian triển khai dự án.

Chìa khóa đi đến thành công của Tam Đảo 05 là xây dựng và đào tạo được đội ngũ kỹ sư và công nhân có tay nghề cao để nắm vững, làm chủ được các quy trình, phương pháp thi công chế tạo, lắp ráp, tổ hợp các kết cấu, hệ thống đường ống, hệ thống điện và điều khiển, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư thiết kế, giám sát đã đảm trách được toàn bộ các khâu tính toán thiết kế chi tiết, thi công, chạy thử, giúp giảm thiểu việc phải thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài. Qua đó, tỉ lệ nội địa hóa đã đạt đến 40%, đảm bảo chất lượng vẫn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các dự án đóng mới giàn khoan đã trở thành bước ngoặt lớn đưa ngành công nghiệp cơ khí chế tạo lên 1 tầm cao mới, khẳng định Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan tự nâng.

Nguồn: