Khai thác dầu đá phiến Mỹ: uống thuốc độc giải khát
03:00 SA @ Thứ Hai - 29 Tháng Mười Hai, 2014

Sự bùng nổ của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ đang khiến người dân hưởng lợi do giá dầu rẻ và kích thích nền kinh tế nước này. Nhưng liệu đây có thực sự là điều tốt trong dài hạn đối với quốc gia này?

Giám đốc chiến lược đầu tư Jeremy Grantham của GMO (Grantham Mayo van Otterloo - quỹ đầu tư có tổng tài sản quản lý hơn 112 tỷ USD) không tin tương vào sự bùng nổ của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ. Trong một bài phát biểu vào tháng 10, vị giám đốc này đã cho rằng sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ đang gây nhầm lẫn cho các chuyên gia.

Vậy tại sao trong khi các chuyên gia khác cho rằng ngành khai thác dầu đá phiến tại Mỹ đang giúp giữ giá dầu thấp và khiến Mỹ hướng tới sự độc lập về nguồn năng lượng thì ông Gratham lại cho rằng điều này sẽ chẳng dẫn tới đâu?

Theo giám đốc Gratham, sự phát triển của ngành khai thác dầu là rất đáng chú ý. Tình hình hiện nay chứng minh vai trò hàng đầu của kỹ thuật Mỹ trong ngành năng lượng, khi những công ty khai thác thử nghiệm và thất bại thì họ sẽ liên tục phát triển kỹ thuật mới. Điều này là không thể đối với các nước khác trên thế giới do những chi phí đắt đỏ mà họ phải chịu khi thử nghiệm thất bại. Tương tự như vậy, ông Gratham cũng cho rằng khi mọi người nhận ra những nguy hiểm của việc biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thì chính phủ Mỹ sẽ ngăn cấm tình trạng gia tăng khai thác cũng như những động thái ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, những luận điểm của giám đốc Gratham còn đề cập đến tình trạng thiếu hụt nguồn năng lượng cần thiết, dầu mỏ, trong việc duy trì mô hình kinh tế Mỹ vốn đã áp dụng trong hơn 150 năm qua.

Ông Grantham cho biết, sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến hiện nay đã không gây sự chú ý của bất kỳ quan chức nào về vấn đề môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Bên cạnh đó, giám đốc Grantham cũng hoài nghi về hiệu quả của sự bùng nổ khai thác dầu tại Mỹ có thể giải quyết nhu cầu năng lượng giá rẻ trong mô hình kinh tế Mỹ.

Kỹ thuật khai thác dầu mới (Fracking) không thể ngăn chặn sự tăng giá của các chi phí cơ bản trong ngành khai thác dầu, và cũng không là giải pháp tài chính cho các nước xuất khẩu dầu, như Ả Rập Xê Út, Iran và đặc biệt là Venezuela, nhằm thoát khỏi tình trạng chi phí khai thác tăng cao nhưng giá dầu lại giảm.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tuyên bố không cắt giảm sản lượng mặc dù giá dầu đã bị giảm mạnh trong vài tháng gần đây. Đối với một quốc gia phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu dầu, việc giá dầu giảm sẽ khiến quốc gia đó phải chao đảo.

Tuy nhiên, sự bùng nổ khai thác dầu tại Mỹ lại được thực hiện bởi các công ty mà không phải chính phủ. Vì lợi nhuận, các công ty khai thác Mỹ sẽ liên tục khai thác, đặc biệt là đối với những mỏ dầu có khả năng đem lại lợi nhuận tốt nhất. Do đó, những công ty khai thác dầu nên có kết quả kinh doanh tốt, nhưng kết quả tài chính của những công ty này cho thấy chi phí cho kỹ thuật mới Fracking đã bị đánh giá thấp bởi các công ty khai thác và bị giới truyền thông coi nhẹ.

Cùng với giá dầu giảm do dư thừa cung, sẽ có những công ty phải dừng khai thác gây suy giảm lượng cung, và một lần nữa khiến giá dầu tăng.

Theo giám đốc Grantham, việc giá dầu thấp không phải là nguyên nhân cho việc giảm chi phí trong nền kinh tế. Đây đơn thuần chỉ là việc chuyển đổi lợi nhuận vô cùng lớn từ những nhà khai thác dầu sang những người tiêu thụ dầu. Việc người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn và các công ty thu lợi nhuận ít hơn là một điều tốt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc suy giảm đầu tư trong ngành dầu mỏ, gây ra bởi chi phí khai thác tăng nhưng giá dầu lại giảm khiến thu hẹp lợi nhuận, sẽ gây ảnh hưởng xấu trong tương lai xa.

Do đó, các công ty khai thác dầu sẽ phải giảm chi phí cũng như sản lượng khai thác, qua đó khiến giá dầu tăng trở lại. Những lợi ích thực sự của giá dầu đối với nền kinh tế Mỹ trong dài hạn chỉ đến khi quốc gia này tìm được nguồn dầu rẻ hơn hoặc nguồn năng lượng rẻ hơn dầu, một điều không khả thi.

Vì vậy, Giám đốc Jeremy Grantham cho rằng mối quan hệ hiện nay giữa nền kinh tế Mỹ và dầu, cũng như những quốc gia xuất khẩu dầu, vẫn sẽ không thay đổi bất chấp sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến.

Nguồn: