Ngành dầu khí Myanmar
05:04 SA @ Thứ Ba - 08 Tháng Bảy, 2014

1. Ngành dầu khí Myanmar

Myanmar là một trong những nhà sản xuất dầu khí lâu đời nhất thế giới với thùng dầu đầu tiên được xuất khẩu vào năm 1853. Rangoon Oil Company là công ty dầu khí nước ngoài đầu tiên thực hiện hoạt động khoan dầu tại quốc gia này.

Trước năm 1963, ngành công nghiệp dầu mỏ Myanmar chỉ được điều hành bởi các nhà sản xuất dầu khí nước ngoài. Trong số đó, Burmah Oil Company (Công ty dầu khí Miến Điện - BOC) là đơn vị mạnh nhất, khai thác mỏ Yenangyaung năm 1887 và mỏ Chauk năm 1902. Cả hai mỏ này hiện vẫn đang hoạt động.

Sau khi BOC được quốc hữu hóa vào tháng 1 năm 1963, Công ty dầu khí Myanmar (MOGE) được thành lập và từ đó đến nay ngành dầu khí nước này hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ Myanmar.

Cũng như ở nhiều nước khác, Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu các nguồn tài nguyên, tự mình thực hiện hoạt động dầu khí hoặc ủy thác nhiệm vụ này cho các nhà khai thác tư nhân theo hợp đồng phân chia sản phẩm (PSCs).

Bộ Năng lượng Myanmar là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát 3 doanh nghiệp nhà nước liên quan đến công nghiệp dầu khí. Ngoài MOGE, bộ còn điều hành Công ty hóa dầu Myanmar (Myanma Petrochemical Enterprise - MPE) – chuyên điều hành các nhà máy lọc dầu, phân bón và một số nhà máy chế biến khác; Công ty Sản phẩm dầu mỏ Myanmar (Myanma Petroleum Products Enterprise - MPPE) chịu trách nhiệm phân phối bán lẻ và bán buôn các sản phẩm dầu mỏ.



Sơ đồ Bộ Năng lượng Myanmar

Sau khi quốc hữu hóa, chính sách dầu mỏ của nước này trải qua hai giai đoạn khác nhau:

• Từ 1963 – 1988, việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ chủ yếu được thực hiện bởi MOGE, các nhà sản xuất nước ngoài bị hạn chế bởi chính sách quốc hữu hóa ngặt nghèo và do sự thiếu những khuôn khổ pháp lý phù hợp.

• Vào năm 1988, Myanmar đã thông qua luật đầu tư nước ngoài và bắt đầu phụ thuộc vào công nghệ và nguồn vốn nước ngoài để vực dậy ngành công nghiệp dầu khí nước này.

Từ cuối năm 2004, chính quyền Myanmar đã đẩy mạnh việc mở các lô dầu khí cho các công ty của nước ngoài. Phần lớn sản lượng của Myanmar là khí đốt, dầu chỉ chiếm một lượng nhỏ. Nước này sản xuất khoảng 180,000 thùng dầu quy đổi mỗi ngày, 90% trong số đó là khí đốt.

Được đánh giá là nước có nguồn dầu mỏ khá dồi dào và nguồn tài nguyên, từ lâu Myanmar đã thu hút các khoản đầu tư lớn của các đối tác Trung Quốc và Ấn Độ. Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Myanmar theo báo cáo của Bộ Năng lượng nước này hồi tháng 4/2011 lần lượt là 2,1 tỷ thùng dầu và 25 nghìn tỷ feet khối khí.

Hiện nay, 19 lô trên bờ và 25 lô ngoài khơi Myanmar đang được vận hành bởi các công ty khác nhau. Riêng ở ngoài khơi, khá nhiều các công ty dầu khí nước ngoài tập trung khai thác hàng chục mỏ dầu khí, điển hình phải kể đến công ty Total E&P Myanmar, Petronas (Malaysia), Daewoo (Hàn Quốc), PTT-EP (Thái Lan), CNOOC & CNPC (Trung Quốc), RIMBUNAN PETROGAS (Malaysia), PetroVietnam(VN), ESSAR (Ấn Độ), Sun Itera Oil & Gas (Nga), Asia Orient (Hồng Kông),…

Ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm 55% lượng hàng xuất khẩu của Myanmar và chiếm 86% FDI trong các lĩnh vực năng lượng và khai khoáng (Số liệu tháng 3/2013).

Các hoạt động gần đây
- Năm 1989-2000, giới thiệu các lô dầu khí, và ngoài khơi, 29 lô trong đất liền được trao cho 23 công ty nước ngoài, 10 lô ngoài khơi được trao cho 9 công ty nước ngoài.

- Năm 2007, 9 công ty dầu khí nước ngoài đã tham gia vào 16 lô dầu khí trên bờ để thăm dò các khu vực mới, tăng giá trị của các mỏ dầu hiện có và tái khởi động lại các mỏ dầu đã bị đình chỉ.

- Năm 2011, tổ chức đấu thầu quốc tế và trao 9 lô dầu khí cho 7 công ty nước ngoài.

- Năm 2012, chính phủ mời gọi các công ty năng lượng nước ngoài tham gia đấu thầu thăm dò, khai thác 23 lô dầu khí ngoài khơi, trong đó, Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE) sẽ nắm từ 15 – 25% cổ phần trong mỗi dự án.

- Năm 2013, tổ chức đấu thầu quốc tế 18 lô dầu khí trong đất liền.

- Tháng 3 vừa qua (2014), Myanmar vừa trao hợp đồng thầu thăm dò dầu khí cho 20 lô dầu khí ngoài khơi cho các công ty nước ngoài, đánh dấu một tín hiệu lạc quan cho ngành công nghiệp năng lượng nước này.


Các khu vực có dầu mỏ

Các mỏ dầu khí ngoài khơi giúp chính phủ Miến Điện kiếm được 1,5 tỷ USD trong năm tài chính 2014 (kết thúc vào tháng hai). Số liệu của chính phủ nước này cũng cho thấy, ngành công nghiệp dầu khí (bao gồm cả đất liền và ngoài khơi) đã mang lại cho nước này khoảng 4 tỷ USD trong cùng một giai đoạn này.

Về đường ống, sau 3 năm xây dựng, đến năm 2013, dự án Đường ống Myanmar - Trung Quốc, bao gồm một đường ống dẫn khí đốt và một đường ống dẫn dầu thô đã chính thức đi vào hoạt động. Tổng độ dài đường ống là 2.520km, trong đó phần bên phía Myanmar dài 793km, dự kiến sẽ vận chuyển 12 tỷ m3 khí đốt/năm từ Myanmar sang Tây Nam Trung Quốc, giúp Trung Quốc giảm lệ thuộc vào nguồn cung hydrocarbon thông qua eo biển Malacca nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.


Đường ống Myanmar - Trung Quốc

Có thể thấy rằng, cùng với sự nới lỏng cấm vận của Mỹ và cải cách chính trị, kinh tế quyết liệt của mình, Myanmar đang từng bước cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ trong ngành công nghiệp dầu khí, thu hút được nhiều công ty năng lượng đa quốc gia với các dòng vốn đầu tư khổng lồ.

Về hoạt động hạ nguồn, Myanmar đang vận hành 3 nhà máy lọc dầu với tổng công suất 51,000 thùng/ngày, 3 nhà máy LPG công suất 50 mmscfd, 5 nhà máy phân bón, 1 nhà máy methanol.

Trước tháng 6/2010, tất cả các trạm nhiên liệu tại Myanmar đều do chính phủ vận hành. Sau thời điểm này, các trạm xăng dầu tư nhân mới được phép hoạt động. Vào cuối tháng 12/2013, chính phủ đã cấp giấy phép cho phép 800 trạm nhiên liệu thuộc sở hữu tư nhân được hoạt động tại nước này.

2. MOGE

Công ty dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE) là công ty dầu khí thuộc 100% vốn sở hữu nhà nước và chịu trách nhiệm về hoạt động dầu khí thượng nguồn.

MOGE là nhà điều hành duy nhất việc sản xuất và thăm dò dầu khí cũng như việc vận chuyển khí đốt trong nước thông qua một mạng lưới đường ống dài 1,900 km trong đất liền.

Công ty này là một đối tác tại dự án đường ống khí đốt Yadana do Tập đoàn năng lượng của Pháp Total S.A vận hành. MOGE có 15% cổ phần tại dự án này, các đối tác còn lại nắm giữ cổ phần lần lượt là Total 31.2% , Chevron (Mỹ) 28.3% và PTT (Thái Lan) 25.5%.

Công ty thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản:
1. Khai thác và sản xuất dầu khí trong nước.
2. Cung cấp khí thiên nhiên thông qua việc vận hành các đường ống.
3. Cung ứng khí thiên nhiên nén (CNG) cho các phương tiện xe cộ như là một loại nhiên liệu thay thế.
4. Tham gia vào các thỏa thuận hợp tác phân chia sản lượng với các đối tác dầu khí nước ngoài.

Công ty hiện có 24 mỏ dầu khí ngoài khơi, với 11 mỏ tại vịnh Martaban, 7 mỏ ngoài khơi bờ biển Rakhine và 6 mỏ ngoài khơi bờ biển phía nam Tanintharyi.

Sản lượng trung bình một ngày (đất liền): khoảng 7.500 thùng dầu và 65 triệu mét khối khí đốt.

Nguồn: