Ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc
04:23 SA @ Thứ Năm - 28 Tháng Ba, 2013
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ và là nước nhập khẩu dầu ròng lớn thứ hai kể từ năm 2009.

Theo Oil & Gas Journal  (OGJ), Trung Quốc nắm giữ 20,4 tỷ thùng trữ lượng dầu mỏ tính đến tháng 1 năm 2012, tăng hơn 4 tỷ thùng so với ba năm trước, cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỏ dầu lớn nhất và lâu đời nhất Trung Quốc nằm ở khu vực Đông Bắc nước này. Trung Quốc sản xuất ước tính 4,3 triệu thùng mỗi ngày (bbl/d) trong năm 2011, trong đó 95% là dầu thô. Sản lượng dầu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng khoảng 170 nghìn thùng/ngày đến gần 4,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2013. Về lâu dài, EIA dự báo sản lượng của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ, đạt 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2035.

Lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong năm 2011 từ tốc độ gia tăng cao kỷ lục 10% trong năm 2010 do tác động của suy thoái kinh tế và tài chính toàn cầu gần đây. Tuy nhiên, nước này vẫn tiêu thụ 9,8 triệu thùng dầu/ ngày trong năm 2011, hơn 4% năm 2010. Trong năm 2009, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu ròng lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, với tổng số dầu nhập khẩu ròng đạt 5,5 triệu thùng/ngày vào năm 2011.

 Cơ cấu ngành dầu mỏ

Chính sách năng lượng

Các chính sách năng lượng của chính phủ Trung Quốc bị chi phối bởi nhu cầu ngày càng tăng về dầu và sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu. Ủy ban cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) là cơ quan quản lý và hoạch định chính sách chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, trong khi bốn Bộ khác giám sát các phần khác nhau trong chính sách dầu mỏ nước này. Chính phủ thành lập Tổng cục Năng lượng Quốc gia (NEA) tháng 7/2008 đóng vai trò là cơ quan quản lý năng lượng chủ chốt. NEA liên kết với NDRC có trách nhiệm phê duyệt các dự án năng lượng mới tại Trung Quốc, thiết lập giá năng lượng bán buôn trong nước, và triển khai các chính sách năng lượng của chính quyền trung ương. NDRC là một bộ phận trong Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cơ quan cao nhất của quyền hành pháp trong nước. Trong tháng 1/2010, chính phủ đã thành lập Ủy ban năng lượng quốc gia với mục đích củng cố chính sách năng lượng giữa các cơ quan khác nhau trực thuộc Hội đồng Nhà nước.

Các công ty dầu mỏ quốc gia


Các công ty dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (NOCs) có ảnh hưởng đáng kể trong lĩnh vực dầu mỏ của Trung Quốc. Giữa năm 1994 và 1998, chính phủ Trung Quốc cơ cấu lại hầu hết các tài sản dầu và khí thuộc sở hữu nhà nước thành hai công ty tích hợp theo chiều dọc: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec). Hai tập đoàn này điều hành hàng loạt các công ty con ở địa phương, và cùng nhau thống trị thị trường dầu mỏ thượng nguồn và hạ nguồn của Trung Quốc. CNPC đứng đầu về thượng nguồn ở Trung Quốc cùng với công ty con là PetroChina chiếm khoảng 60% tổng lượng dầu và 80% sản lượng khí đốt ở Trung Quốc. Chiến lược hiện nay của CNPC là hợp nhất các lĩnh vực của nó và nắm thị phần hạ nguồn. Ngược lại, Sinopec đã có truyền thống tập trung vào các hoạt động hạ nguồn như lọc dầu và phân phối chiếm gần 80% doanh thu của công ty trong những năm gần đây và từng bước tìm cách khai thác thượng nguồn hơn.

Các công ty dầu mỏ quốc doanh khác đã nổi lên trong vài năm qua. Tập đoàn Dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) chịu trách nhiệm thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi. Tập đoàn này cũng tỏ ra là một đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh với CNPC và Sinopec bằng cách không chỉ tăng chi phí sản xuất và thăm dò ở Biển Đông mà còn mở rộng phạm vi hoạt động vào lĩnh vực hạ nguồn, đặc biệt ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Công ty Sinochem và Tập đoàn CITIC cũng đã phát triển trong lĩnh vực dầu mỏ ở Trung Quốc mặc dù vẫn tương đối nhỏ.

Trong khi việc sản xuất dầu trên đất liền ở Trung Quốc chủ yếu giới hạn CNPC và CNOOC thì các công ty dầu mỏ quốc tế (IOCs) được phép tiếp cận hơn với tiềm năng dầu mỏ ngoài khơi và các lĩnh vực khí đốt không theo quy ước, chủ yếu thông qua các thỏa thuận phân chia sản lượng và liên doanh. IOCs tham gia vào việc sản xuất và khai thác ngoài khơi Trung Quốc gồm: Conoco Phillips, Shell, Chevron, BP, Husky, Anadarko, và Eni. NOCs của Trung Quốc nắm giữ phần lớn quyền lợi trong hợp đồng phân chia sản lượng và có thể trở thành nhà điều hành một khi các chi phí triển khai được thu hồi. IOCs cung cấp chuyên môn kỹ thuật nhằm hợp tác với NOCs và xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Cơ chế giá

Chính quyền Trung Quốc đưa ra thuế nhiên liệu và cơ chế cải cách định giá sản phẩm quốc nội vào năm 2009 trong nỗ lực để buộc giá sản phẩm bán lẻ gần hơn với thị trường dầu mỏ quốc tế. Điều này có thể thu hút đầu tư ở hạ nguồn, đảm bảo lợi nhuận tốt hơn cho các nhà máy lọc dầu và giảm mức độ sử dụng năng lượng do giá trong nước thấp hơn và nhu cầu ngày càng tăng cao. Hệ thống định giá sản phẩm dầu mỏ hiện tại cho phép NDRC điều chỉnh giá bán lẻ khi bình quân của giá dầu thô nhập khẩu dao động ngoài phạm vi 4% trong vòng 22 ngày làm việc liên tiếp đối với xăng và dầu diesel.

Khi giá dầu mỏ quốc tế tăng năm 2010 và 2011, NDRC đã không tăng giá nhiên liệu ở hạ nguồn ở mức tương tự khiến các nhà máy lọc dầu đặc biệt là NOCs, phải chịu lỗ. NOCs sử dụng phân đoạn kinh doanh thượng nguồn khác để bù đắp tổn thất về doanh thu ở hạ nguồn. Biến động giá thế giới xảy ra vào cuối năm 2011 và 2012 đã thúc đẩy Trung Quốc phản ứng nhanh hơn với sự điều chỉnh giá. NDRC tăng giá bán lẻ xăng dầu hai lần vào đầu năm 2012 lên mức cao nhất và giảm giá ba lần khoảng 14% vào giữa năm 2012 để phù hợp với giá dầu thế giới giảm xuống và suy thoái kinh tế.

NDRC lên kế hoạch sửa đổi cơ chế định giá bằng cách rút ngắn thời gian điều chỉnh còn 10 ngày và giảm biên độ giá 4%. NDRC cũng có kế hoạch thêm dòng dầu thô chuẩn như là một phần của giỏ dầu thô quốc tế của Trung Quốc để đáp ứng tốt hơn nguồn chuyển dịch dầu mỏ nhập khẩu của nước này.

Tháng 11/2011, Trung Quốc cũng đã áp đặt thuế tài nguyên theo giá trị là 5% trên tất cả sản lượng dầu và khí, bao gồm cả sản lượng tài nguyên không theo quy ước, với nỗ lực tăng nguồn thu cho chính quyền địa phương và khu vực, và khuyến khích sản xuất dầu và khí hiệu quả hơn. Thuế tài nguyên được mở rộng vào năm 2012 với các dự án liên quan đến liên doanh của các công ty Trung Quốc và quốc tế.

Thăm dò và sản xuất

Map of China oil fields
Ảnh: Rigzone
Khu mỏ dầu Đại Khánh của CNPC nằm ở vùng Đông Bắc, sản xuất khoảng 800.000 thùng dầu/ngày trong năm 2011 theo ước tính gần đây của FACTS Global Energy, và duy trì mức này trong 9 năm qua sau khi giảm từ hơn 1 triệu thùng/ngày. Khu mỏ dầu Shengli của Sinopec ở vịnh Bohai sản xuất khoảng 547.000 thùng dầu/ngày trong năm 2011, trở thành khu mỏ dầu lớn thứ hai Trung Quốc. Tuy nhiên, Đại Khánh, Shengli và các khu mỏ khác đã bị khai thác mạnh từ những năm 1960, sản lượng dự kiến sẽ giảm đáng kể trong những năm tới. NOCs đang đầu tư rất nhiều vào kỹ thuật EOR để ổn định sản lượng khai thác dầu. Gần đây, hoạt động thăm dò và sản xuất đã tập trung vào các khu vực ngoài khơi vịnh Bohai và Biển Đông cũng như các khu mỏ dầu và khí trên đất liền ở các tỉnh phía Tây như Tân Cương, Tứ Xuyên, Cam Túc và Nội Mông Cổ.

Trung Quốc đang lợi dụng suy thoái kinh tế để từng bước thâu tóm toàn cầu và sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối lớn (ước tính khoảng hơn 3 nghìn tỷ USD năm 2012) để giúp mua vốn chủ sở hữu trong các dự án hoặc mua lại cổ phần các công ty năng lượng. Từ năm 2009, NOCs đã mua tài sản ở Trung Đông, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. NOCs đã đầu tư 18 tỷ USD  vào tài sản dầu và khí đốt ở nước ngoài trong năm 2011.

Từ năm 2008, các công ty dầu mỏ quốc gia (NOCs) của Trung Quốc đã đạt được các giao dịch dầu mỏ cho vay song phương lên đến khoảng 100 tỷ USD với một số nước để có được nguồn tài nguyên dầu khí và giảm thiểu rủi ro cho vay. Trung Quốc đã hoàn thành các giao dịch đổi dầu lấy khoản vay với Nga, Kazakhstan, Venezuela, Brazil, Ecuador, Bolivia, Angola và Ghana và một thỏa thuận khí đốt cho vay với Turkmenistan. Venezuela và Trung Quốc đã ký kết giao dịch đổi dầu cho vay, bao gồm  32 tỷ USD để đổi lấy 430.000 thùng/ngày cho dầu thô và các sản phẩm.

Graph of China's oil production and consumption from 1990-2013

Nhập khẩu

Nhập khẩu dầu thô ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong vài năm qua, và đạt mức cao kỷ lục 6 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2012. Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình gần 5,1 triệu thùng/ngày trong năm 2011, tăng 6% so với 4,8 triệu thùng/ngày năm 2010. Trong nửa đầu năm 2012, nhập khẩu tăng cao hơn 5,6 triệu thùng/ngày. Nhập khẩu dầu thô lớn hơn nguồn cung trong nước, bao gồm trên một nửa tổng lượng dầu tiêu thụ trong năm 2011. EIA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 75% dầu thô vào năm 2035 do nhu cầu có thể tăng nhanh hơn nguồn cung trong nước.

 Pie chart showing China's crude oil imports by source for 2011
Trung Đông vẫn là nguồn nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Trung Quốc

Là một phần của chính sách an ninh cung ứng năng lượng của Trung Quốc, NOCs đang nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung tại các khu vực khác nhau thông qua việc đầu tư ở nước ngoài và các hợp đồng dài hạn.

Đường ống dẫn dầu

Map of China oil fields
Ảnh: IEA
Trung Quốc đã tích cực tìm cách cải thiện sự tích hợp của mạng lưới đường ống dẫn dầu nội địa, cũng như thiết lập các kết nối đường ống dẫn dầu quốc tế với các nước láng giếng để đa dạng hóa các tuyến nhập khẩu dầu. Tháng 3/2007, CNPC đã điều hành Trung tâm điều khiển đường ống dầu và khí Bắc Kinh giám sát tất các đường ống dẫn dầu từ xa.

Hệ thống trong nước

Theo IHS Global Insight, Trung Quốc có khoảng 12.780 km đường ống dẫn dầu thô ( 70% quản lý bởi CNPC và 30% còn lại là các công ty dầu mỏ quốc doanh khác) và gần 8.265 km đường ống dẫn các sản phẩm dầu mỏ trong mạng lưới nội địa. Hiện nay, phần lớn cơ sở hạ tầng đường ống dẫn dầu của Trung Quốc phục vụ cho thị trường công nghiệp hóa ven biển và khu vực phía đông bắc. Tuy nhiên, nhiều liên kết đường ống dẫn dầu từ xa đã được xây dựng hoặc đang thi công để đưa nguồn cung dầu từ khu vực sản xuất dầu hiện đại hơn hoặc từ các trung tâm hạ nguồn sang các thị trường xa hơn. Trung Quốc có kế hoạch thêm 6.000 km đường ống dẫn dầu thô và ít nhất 6.000 km đường ống dẫn các sản phẩm dầu vào năm 2015.

Kết nối quốc tế

Trung Quốc khánh thành đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia đầu tiên vào tháng 5/2006, khi bắt đầu nhận dầu của Kazakh và Nga từ đường ống dẫn dầu bắt nguồn từ Kazakhstan. Đường ống dẫn dầu 200.000 thùng/ngày trải dài 620 km, kết nối Atasu ở miền bắc Kazakhstan với Alashankou nằm trên biên giới của Trung Quốc tại Tân Cương. Đường ống dẫn dầu tới Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất đến 400.000 thùng/ngày vào năm 2014.
Đường ống dẫn dầu Nga – Trung Quốc đã đi vào hoạt động tháng 1/2011, cung cấp lên đến 300.000 thùng/ngày vào biên giới Trung Quốc theo thỏa thuận cung ứng 20 năm.

Trung Quốc cũng đã khôi phục lại kế hoạch xây dựng đường ống nhập khẩu dầu từ Myanma thông qua thỏa thuận ký kết tháng 3/2009. Công suất ban đầu cho đường ống dẫn dầu này dự kiến sẽ là 240.000 thùng/ngày, tăng lên đến 480.000 thùng/ngày, và có thể được xây dựng vào năm 2013.

Hoạt động lọc dầu

Trung Quốc đang dần tăng công suất lọc dầu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mạnh và xử lý nhiều loại dầu thô. Mục tiêu của Trung Quốc là để tăng thêm công suất lọc dầu thô khoảng 3 triệu thùng/ngày và đạt 14 triệu thùng/ngày vào năm 2015, kết thúc Kế hoạch 5 năm lần thứ 12. Công suất lọc dầu trung bình 8,9 triệu thùng/ngày trong năm 2011, tăng 5,3% năm 2010.

Sinopec và CNPC là hai công ty chi phối trong lĩnh vực lọc dầu của Trung Quốc, chiếm lần lượt 46% và 31% công suất. Sinopec có nhà máy lọc dầu lớn thứ hai trên thế giới với khoảng 5 triệu thùng/ngày trong tổng công suất chế biến dầu ở Trung Quốc năm 2012.

Các công ty dầu mỏ quốc gia từ Kuwait, Saudi Arabia, Nga, Qatar, và Venezuela cũng đã liên doanh với các công ty Trung Quốc xây dựng nhà máy lọc dầu tích hợp và các dự án hóa dầu và có được một chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực dầu mỏ ở hạ nguồn của Trung Quốc. NOCs gần đây đã mở rộng danh mục đầu tư lọc dầu thông qua vận hành một số nhà máy lọc dầu lớn, trong đó có 3 nhà máy cuối năm 2011: Bắc Hải ở phía Nam, Ninh Hạ ở miền Bắc và Changling ở trung tâm tỉnh Hồ Nam với công suất 100.000 thùng/ngày. NOCs đang xây dựng nhiều cơ sở khác sẽ đi vào hoạt động năm 2015.

NDRC ban hành chủ trương trong năm 2011 sẽ loại bỏ các nhà máy lọc dầu nhỏ hơn 40.000 thùng/ ngày vào năm 2013 trong một nỗ lực để khuyến khích nền kinh tế theo quy mô và các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Một số nhà máy lọc dầu địa phương có kế hoạch nâng công suất hoặc hợp nhất với các công ty lớn hơn để tránh đóng cửa.

Chiến lược dự trữ

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 của Trung Quốc (2000-2005), các quan chức Trung Quốc quyết định thành lập một chương trình dự trữ dầu chiến lược (SPR) do chính phủ quản lý trong ba giai đoạn để giúp Trung Quốc khỏi tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ. Trong năm 2004, giai đoạn đầu tiên của chương trình dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc bắt đầu xây dựng. Giai đoạn 1, hoàn thành năm 2009, có tổng dung lượng lưu trữ 103 triệu thùng tại bốn địa điểm. Giai đoạn 2 gần đây, 8 địa điểm đang được xây dựng, dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi tổng dung lượng SPR đến 315 triệu thùng vào năm 2013. Trong các địa điểm giai đoạn 2, Dushanzi và Lan Châu đã được hoàn thành vào cuối năm 2011 và thêm 40 triệu thùng lưu trữ. Cuối cùng, giai đoạn 3 dự kiến sẽ mang lại cho tổng dung lượng dự trữ chiến lược dầu ở Trung Quốc khoảng 500 triệu thùng vào năm 2020.

Bên cạnh nguồn dự trữ chiến lược dầu thô, Trung Quốc đã có từ 170 đến 310 triệu thùng dung lượng lưu trữ dầu thô thương mại trong năm 2010 theo các nguồn khu vực tư nhân và chính quyền Trung Quốc. Sự khác biệt giữa dự trữ chiến lược tương lai và thương mại không được xác định rõ ràng. Trữ lượng sản phẩm lọc dầu được ước tính khoảng 400 triệu thùng và chính quyền đã thảo luận các kế hoạch để tạo ra một kho dự trữ các sản phẩm lọc dầu chiến lược.

Ảnh: IEA

Theo phân tích củaEIA tháng 9/2012