Nguy hiểm trẻ uống nhầm xăng dầu
03:45 SA @ Thứ Hai - 07 Tháng Bảy, 2014

Mùa hè, uống phải hóa chất xảy ra khá phổ biến ở trẻ em, nhiều nhất là xăng dầu, do khát nước, uống nhầm.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có gần 200 trường hợp phải nhập viện mỗi năm vì tai nạn này. Uống xăng dầu có thể gây tổn thương phổi cấp tính dẫn đến suy hô hấp tuần hoàn nguy hiểm tính mạng; hoặc viêm phổi hít xăng dầu để lại di chứng lâu dài trên hệ hô hấp mặc dù không còn triệu chứng.

Nên chứa xăng dầu ở nơi trẻ không thấy, không lấy được

Nên chứa xăng dầu ở nơi trẻ không thấy, không lấy được

Khát nước uống nhầm dầu hỏa

Vừa qua bệnh nhi L.M.T. (29 tháng tuổi, nhà ở Long An) nhập viện trong tình trạng tím tái, thở mệt. Mẹ của bé cho biết, trong lúc nhóm bếp, chị sơ ý để chai đựng dầu hỏa dưới đất mà không đậy nắp. Bé đang chơi trong nhà đã đến lấy, uống hết khoảng 1/4 chai không ai hay. Mẹ thấy bé ho sặc sụa, nghẹt thở, tím mặt, lại gần ngửi thấy mùi dầu hỏa từ miệng bé mới biết bé đã uống nhầm dầu hỏa. Nhanh tay chị móc họng gây ói cho bé nhiều lần. Ngày hôm sau bé sốt cao, ho nhiều hơn, thở mệt nên được đưa đến bệnh viện. Chụp phim X-quang cho thấy bé bị viêm phổi nặng do hít dầu hỏa vào đường hô hấp. Phải tích cực hỗ trợ hô hấp và tiêm kháng sinh suốt 2 tuần mới cải thiện được tình trạng phổi, sau đó bé vẫn được theo dõi tiếp tục sau khi xuất viện.

Dầu hỏa đang dùng, sơ ý để dưới đất, trên bàn ghế

Khảo sát cho thấy dầu hỏa dùng trong nhà thường được chứa trong các chai nhựa trong (chai nước suối, trà xanh, nước ngọt 55%), bình nhựa (20%), ly ca đựng nước (11%), hoặc lon nhôm đựng nước ngọt. Tất cả đều là những vật dụng đựng nước uống hàng ngày. Điều này giải thích không chỉ trẻ mà cả ngưới lớn cũng bị lầm xăng dầu với nước dẫn đến cho trẻ uống nhầm (16%). Nguyên nhân thứ hai phải kể là các chai nhựa chứa xăng dầu này đa số đang dùng mở nắp, hoặc để bừa bãi dưới đất, trên ghế, bàn, giường nên trẻ đang chơi dễ nhìn thấy lấy uống ngay.

Xăng dầu uống vào bị hít vào phổi

Xăng dầu thuộc nhóm hóa chất bay hơi, có đặc tính sức căng bề mặt thấp nên dễ lan rộng kích thích niêm mạc gây các triệu chứng ho sặc sụa, ói, ngạt thở ngay khi uống vào. Độ nhớt thấp và độ bay hơi cao cho xăng dầu khả năng dễ dàng hít vào phổi, nhanh chóng đến tận các phế quản nhỏ và phế nang gây viêm phổi. Biểu hiện thở nhanh, co lõm ngực, khò khè. Nếu lượng xăng dầu vào phổi nhiều, sẽ có sự phá hủy biểu mô hô hấp, vách phế nang và mao mạch phổi, gây tổn thương chất surfactant lót trong phế nang và các tiểu phế quản tận gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Lượng xăng dầu nuốt vào cũng gây tác dụng tại chỗ, làm đau bụng, tức ngực, buồn nôn. Nếu được hấp thu từ phổi và ruột vào máu lên não, xăng dầu sẽ tác động trực tiếp trên các tế bào não gây các triệu chứng lừ đừ, kích thích, co giật, hôn mê.

Tổn thương trên phim X-quang phổi thường thấy ở vùng đáy và rốn phổi nhiều hơn các vị trí khác. Các tổn thương thâm nhiễm, ứ khí phế nang, xẹp phổi, tràn khí màng phổi hồi phục rất chậm sau khi các triệu chứng đã thuyên giảm.

Luôn giám sát khi trông giữ trẻ, không làm việc khác

Luôn giám sát khi trông giữ trẻ, không làm việc khác

Trẻ nhỏ hay uống nhầm

Trẻ 1 - 3 tuổi hay uống nhầm nhất (85%). Ở tuổi này trẻ đã có thể trèo lên ghế, với lên kệ cao, mở ngăn kéo bàn, tủ, mở nắp chai lọ và cho vào miệng mọi thứ lấy được. Khi khát, trẻ có thể uống ừng ực xăng dầu nếu chúng được đựng trong chai nước suối, nước ngọt, bình đựng nước. Tai nạn xảy ra khi cha, mẹ hoặc người trông trẻ sơ ý không theo dõi sát lúc trẻ đang chơi trong nhà.

Không móc họng gây ói

Thực tế khi tai nạn xảy ra, thân nhân hay xử trí đầu tiên là móc họng gây ói (70%) nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, ói ra trong trường hợp này làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn ói vào đường thở. Tốt nhất là kịp thời đưa đến bệnh viện để được xử lý thích hợp.

Không dùng loại chai nhựa đựng nước uống để chứa xăng dầu

Để tránh cho trẻ uống nhầm xăng dầu các bậc phụ huynh lưu ý chứa xăng dầu trong những bình chứa riêng, có dán nhãn để tránh gây nhầm lẫn đối với người lớn và đặt ở nơi mà trẻ không thấy, không lấy được. Không đựng xăng dầu vào các chai nhựa, vật dụng vốn đựng nước uống. Không để trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại. Không để trẻ nhỏ tự chơi một mình. Người lớn khi trông giữ trẻ, không làm việc khác mà phải thường xuyên giám sát để tránh cho trẻ những tai nạn tại nhà.

BS.CKII. NGUYỄN THỊ KIM THOA

Nguồn: