Những đóng góp của các công ty dầu khí nước ngoài ở Việt Nam
02:45 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Ba, 2015

Sau khi Miền Nam được giải phóng, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 244-NQ/TW về công tác dầu khí, trong đó cho phép hợp tác đa phương với nước ngoài, để sớm khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Hoạt động dầu khí mang tính quốc tế hóa

Nền công nghiệp dầu khí hiện đại khởi đầu bằng việc lần đầu tiên, đại tá Edwin Drake phát hiện thấy dầu thô vào năm 1859 tại giếng khoan sâu 21m ở Oil Creek, Titusville-Pensylvania (Mỹ). Tuy nhiên cuối thế kỉ XIX mới phát minh ra động cơ đốt trong do vậy việc sử dụng dầu khí vẫn chưa được nhiều. Sau thế chiến thứ nhất 1914-1918, nhu cầu xăng, diesel, dầu mỡ tăng nhanh. Người ta ngày một chú trọng đến việc khai thác dầu khí làm nhiên liệu. Đến giữa thế kỉ XX, việc sử dụng sản phẩm chế biến dầu khí đã chiếm một tỷ lệ lớn trong cán cân năng lượng, khẳng định nhân loại bước vào thời đại dầu khí.

Công nghiệp dầu khí đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trải rộng trên ba khâu:

(1) Thượng nguồn: gồm các hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác.

(2) Trung nguồn: gồm các hoạt động vân tải, tàng trữ, phân phối.

(3) Hạ nguồn: gồm các hoạt động chế biến (còn gọi là lọc dầu), hóa dầu.

Trừ các nước có tiềm lực kinh tế mạnh, có đội ngũ nhân lực làm chủ khoa học - công nghệ, có nguồn tài nguyên dầu khí lớn thì phát triển ngành công nghiệp dầu khí toàn diện, tức khâu thượng nguồn và hạ nguồn tương đương nhau. Điển hình là Mỹ, Nga, Anh và Liên-xô (cũ).

Các nước không có hoặc có ít nguồn tài nguyên dầu khí như Pháp, Nhật, Hàn quốc, Singapore thì phát triển mạnh khâu hạ nguồn. Nhập dầu thô để chế biến đáp ứng nhu cầu nhiên liệu và nguyên liệu cho phát triển công nghệ hóa dầu. Ngược lại, các nước có nguồn tài nguyên dồi dào nhưng không có vốn, nhân lực và kỹ thuật - công nghệ như Algerie, Libye, Brazil, Indonesia và các nước Iran, Iraq, Kuwait ở Trung Đông... thì thực hiện mô hình phát triển mạnh khâu thượng nguồn. Xuất khẩu dầu thô để có thu nhập làm vốn phát triển kinh tế. Việt Nam không ngoại lệ, phát triển ngành dầu khí theo mô hình này.

Hoạt động khâu thượng nguồn gặp rủi ro rất lớn, thuộc phạm trù kinh tế không chắc chắn, xác suất trung bình là 1/10 tức khoan 10 giếng thì may ra có một giếng phát hiện dầu khí thương mại. Chi phí lại quá lớn. Ở biển Việt Nam hiện nay, chi phí trung bình mỗi giếng khoan với chiều sâu 3.500m ở mực nước biển 70m là 30-40 triệu USD (~600 tỷ -800 tỷ VNĐ). Tuy nhiên, đã có trường hợp khoan một giếng chi hết hơn 90 tr USD (1.800tỷ VNĐ), gặp nhiều sự cố, và kết quả cuối cùng là giếng khô không thấy dầu khí. Vì vậy rất ít các quốc gia có thể tự chịu đựng được rủi ro, dám chơi “canh bạc” tìm kiếm thăm dò dầu khí. Việc các công ty dầu khí có vốn, nhân lực và kỹ thuật công nghệ dám chịu rủi ro, xin ký hợp đồng về tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí (hợp đồng dầu khí - HĐDK), với nước chủ tài nguyên đã trở thành tất nhiên và thông lệ trong hoạt động dầu khí thế giới.

Trong 15 năm, Việt Nam tiến hành công cuộc tìm kiếm dầu khí ở miền Bắc, bắt đầu từ năm 1961, với nguồn vốn ít ỏi của ngân sách nhà nước và với trợ giúp của chuyên gia Liên-xô (cũ) mới chỉ tìm thấy mỏ khí nhỏ đã đưa vào khai thác – đó là mỏ khí Tiền Hải. Tại thềm lục địa phía Nam, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã giao thầu cho 8 công ty, tổ hợp công ty dầu khí xuyên quốc gia và đa quốc gia vào tìm kiếm thăm dò. Sau 5 năm hoạt động khảo sát và tìm kiếm, tới 4/1975, đã phát hiện dầu khí thương mại tại mỏ Bạch Hổ.

Công ty dầu khí nước ngoài ở Việt Nam

Sau khi Miền Nam được giải phóng, ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 244-NQ/TW về công tác dầu khí, trong đó cho phép hợp tác đa phương với nước ngoài, để sớm khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Lúc đó Việt Nam nằm trong khối XHCN, kinh tế bao cấp, tự cung tự cấp, thì một quyết định cho hợp tác với công ty tư bản, để ta bơi cùng “cá mập”, thì quả là dũng cảm.

Năm 1978, Petrovietnam đã ký 3 hợp đồng dầu khí với 3 công ty phương tây là: DEMINEX (CHLB Đức), AGIP (Italia) và Bow Valley(Canada), trên tổng diện tích 30.000km2 của 5 lô thềm lục địa phía Nam. Điều đó chứng tỏ các “cá mập” rất quan tâm đến địa bàn mới. Các công ty Mỹ bị giàng buộc bởi chính sách cấm vận của Mỹ và các công ty Nhật cũng bị giàng buộc bởi chính sách hạn chế đầu tư của Chính phủ, nên họ chưa thể đầu tư vào Việt Nam thời gian đó.

Tháng 6 năm 1981, Tổng cục Dầu Khí cùng Bộ công nghiệp Khí Liên-xô (cũ) thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ. Hơn 6.000 cán bộ chuyên gia Nga, Azerbaizan đã sang Vũng Tàu (Việt Nam) làm việc. Năm 2010, Hiệp định đã hết hiệu lực, hai bên Việt Nam (Petrovietnam) và Liên Bang Nga (Zarubezneft) vẫn tiếp tục hợp tác, liên doanh Vietsovpetro hoạt động theo một cơ chế thỏa thuận mới. Trong 25 năm của thời hạn Hiệp định 30 năm, Vietsovpetro đã phát hiện 2 tầng dầu mới rất quan trọng làm cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam, trong đó tầng dầu trong móng nứt nẻ và tổ chức khai thác với cường độ cao và có hiệu quả lớn là một đóng góp cho khoa học dầu khí Việt Nam và của thế giới. Ngày nay, tầng dầu trong móng nứt nẻ ở Bạch Hổ đã đi vào các văn liệu khoa học dầu khí thế giới. Đến nay, Liên doanh dầu khí Việt Nga đã khai thác trên 200 triệu tấn dầu thô và trên 20 tỷ mét khối khí đồng hành cung cấp cho các nhà máy điện ở Bà Rịa, Phú Mỹ và nhà máy sản xuất đạm Phú Mỹ.

Từ năm 1998, Petrovietnam đã kêu gọi các công ty dầu quốc tế đầu tư vào tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí cả trên đất liền và toàn thềm lục địa. Cho đến nay gần 100 hợp đồng dầu khí đã được ký kết với đủ các tầm cỡ công ty, tổ hợp công ty thuộc 22 nước trên thế giới, trải khắp 4 châu lục

Công ty dầu khí quốc gia: ONGC (Ấn Độ), Petronas (Malaysia), KNOC (Hàn Quốc), StatOil (Na Uy), CPC (Đài Loan), Petrocanada (Canada), OMV (Áo), Repsol (Tây Ban Nha)…

Công ty cỡ độc lập: Petrofina (Bỉ), Total (Pháp), BHP (Úc), British Gas, Enterprise, Lasmo (Anh) Talisman, Canadian Oxy (Canada), Idemitsu, Itochu, Mitsubishi Oil, AEDC (Nhật), Arco, Unocal (Mỹ)…

Công ty cỡ lớn siêu hạng xuyên quốc gia: Shell (Anh-Hà Lan), ExxonMobil, Chevron, Conoco (Mỹ), BP (Anh), Gazprom (Nga)…

Nhiều nhà thầu đã chịu rủi ro mất trắng hàng trăm triệu USD do không thành công tìm thấy dầu khí. Trong kinh doanh, luôn có người thành công, có kẻ thất bại, nhưng vẫn chưa làm mất hy vọng của các công ty đi tìm dầu khí. Công ty cũ chưa có may mắn thành công vẫn đề nghị được ký thêm hợp đồng các lô mới. Đến cuối năm 2013, gần 40 hợp đồng đã chấm dứt, nhưng Petrovietnam vẫn ký hợp đồng bổ sung mới, nên hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam vẫn giữ mức nhộn nhịp của 60 hợp đồng còn hiệu lực.

Những công trình và những đóng góp

Xây dựng hạ tầng cơ sở và công trình dầu khí

Sau 1975, kinh tế Việt Nam còn rất nghèo nàn, hạ tầng cơ sở chưa được phát triển. Các công ty dầu khí triển khai những bước đi đầu tiên rất vất vả. Từ việc chọn đia điểm làm chuẩn định vị vệ tinh đến việc mỗi nhà thầu phải nhập riêng thiết bị liên lạc vệ tinh quốc tế. Quen quản lý một nền kinh tế “chỉ huy” bao cấp, khép kín, nhiều cấp lãnh đạo, một phần chưa hiểu được nhu cầu tối cần thiết của nhà thầu, phần vì lo trách nhiệm cá nhân nên họ không dễ dàng bị thuyết phục để chấp nhận cho phép triển khai các thủ tục. Tuy nhiên, những khó khăn ấy lại là thách thức đối với một số cán bộ dầu khí để trải nghiệm và trưởng thành. Việc đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy các cơ quan nhà nước hỗ trợ Petrovietnam xây dựng và khai thác các hạ tầng cơ sở như: khôi phục sân bay Vũng Tàu dùng cho trực thăng đưa đón cán bộ nhân viên ra dàn khoan và các công trình ở ngoài khơi; xây dựng mới bãi chế tạo, lắp ráp chân đế dàn khoan và thiết bị; xây dựng một cảng cho tàu dịch vụ dầu khí; thiết lập hệ thống liên lạc vô tuyến riêng của Tổng Cục Dầu khí để điều hành hàng ngày… Tại bãi lắp ráp, Vietsovpetro đã chế tạo, lắp ráp, toàn bộ cho nhu cầu của mình, các chân đế dàn khoan, dàn khai thác, dàn nhà ở cho cán bộ, nhân viên làm việc ngoài biển.

Những đóng góp của các công ty dầu khí nước ngoài ở Việt Nam

Dàn công nghệ trung tâm mỏ dầu Bạch Hổ

Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đã lắp ráp nhiều chân đế và dàn khai thác cho các công ty dầu khí hoạt động ở Việt Nam và nước ngoài.

Từ chỗ biển khơi thầm lặng, hoạt động dầu khí đã làm sáng lên bầu trời một vùng biển rộng lớn bằng những đèn pha từ công trình dàn khoan, dàn khai thác dầu khí lô nhô trên mặt biển và với tiếng động cơ không ngơi nghỉ. Công trình đường ống dẫn dầu khí hàng nghìn km chằng chịt dưới đáy biển trong khu vực nội mỏ. Lần đầu tiên ta xây dựng hệ thống 3 đường ống dẫn khí lớn từ biển vào bờ: (i) Bạch Hổ-Dinh Cố (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với chiều dài 127km, đường kính 16” (~400 mm), công suất vận chuyển 1,5 tỷ m3/năm, hoàn thành xây dựng 1/5/1995; (ii) đường ống 2 pha dài nhất Đông Nam Á từ mỏ khí Lan Tây Lan Đỏ vào khu xử lý trên bờ ở Dinh Cố với chiều dài 406km, đường kính 26” (~660 mm), công suất vận chuyển 8,0 tỷ m3/năm, hoàn thành xây dựng 26/11/2002; PM3 -CAA (vùng chồng lấn Malaysia - Việt Nam)-Cà Mau với chiều dài 370km, đường kính 18” (~460 mm), công suất vận chuyển 2,0 tỷ m3/năm, hoàn thành xây dựng 29/4/2007. Công ty BP (Anh) đã đầu tư xây dựng nhà máy điện Phú Mỹ theo hình thức BOT. Đường ống Nam Côn Sơn đi vào hoạt động, giúp khai thác khí mỏ Lan Tây-Lan Đỏ thuộc Lô 06 thềm lục địa, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần hình thành khu công nghiệp Khí-Điện-Đạm Phú Mỹ

Những đóng góp của các công ty dầu khí nước ngoài ở Việt Nam

Nhà máy tách khí Nam Côn Sơn tại Dinh Cố, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đóng góp cho ngân sách quốc gia và phát triển kinh tế

Sản lượng khai thác trong 10 năm gần đây đạt trung bình mỗi năm 23-25 triệu tấn dầu quy đổi. Thu nhập đạt ngưỡng hơn 700.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng GDP của cả nước. Nộp cho nhà nước khoảng 30% ngân sách.

Đạt được thành tựu ngày hôm nay, ta không quên thuở hàn vi. Thời kì 1978-1980 nền kinh tế của ta lúc đó còn rất nghèo, ăn không đủ no, làm sao có tiền đầu tư cho điều tra/khảo sát cơ bản? Nhờ có chính sách đúng, 3 công ty tư bản đã đầu tư 100 triệu USD vào tìm kiếm thăm dò dầu khí. Thập niên 80 của thế kỉ XX, kinh tế Việt Nam liên tục ở tình trạng chưa “thoát đáy”. Ngày 26/6/1986 Vietsovpetro bắt đầu khai thác dòng dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ, đưa Việt nam vào danh sách các nước khai thác dầu trên thế giới. Sự kiện khai thác này là “cú hích” hấp dẫn lôi cuốn các công ty vào đầu tư. Củng cố vị thế của Việt Nam trong đàm phán hợp tác. Những tấn dầu đầu tiên này đã giúp cải thiện cán cân thanh toán “nhập siêu”. Năm 1988-1993 Petrovietnam ký 29 hợp đồng dầu khí, với 39 công ty trên diện tích 42 lô, đã thu về cho ngân sách nhà nước gần 200 triệu USD tiền hoa hồng chữ ký. Một miếng “khi đói” đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam phần nào đỡ thâm hụt ngân sách.

Nhờ có nguồn lợi do đầu tư của các công ty dầu khí nước ngoài mang lại, nhà nước đã đầu tư cho Petrovietnam hàng loạt công trình để sử dụng khí: nhà máy Điện-Đạm Phú Mỹ, Điện Nhơn Trạch, nhà máy Điện-Đạm Cà Mau v.v... Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất đã được xây dựng và nhà máy Lọc-Hóa Dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang xây dựng sẽ thỏa mãn dần dần nhu cầu nhiên liệu và nguyên liệu cho công nghiệp, đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam.

Công ty dầu khí nước ngoài chịu rủi ro, đem chất xám, nhân lực và tiền vốn vào đầu tư để kiếm lợi nhuận. Đổi lại, nước chủ nhà khai thác được nguồn tài nguyên phục vụ cho lợi ích xã hội. Nhiên liệu, năng lượng điện phuc vụ cho sản xuất và dân sinh. Phân đạm phuc vụ cho nông lâm nghiệp. Sản phẩm hóa dầu sản xuất ra các đồ dùng tất yếu cho con người… Không còn nghi ngờ gì nữa, những tấn dầu khí đã và đang được khai thác từ lòng đất sẽ tiếp tục đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đóng góp đào tạo đội ngũ cán bộ và chuyển giao công nghệ

Ngày 3/9/1975 Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt (TCDK) được thành lập với tổng biên chế khoảng 2.000 người. Chỉ sau 5 năm quan hệ với các công ty dầu khí quốc tế (1976-1980), qua việc đàm phán hợp đồng, một số kỹ sư được nhà thầu đào tạo tại chỗ theo quy định của hợp đồng, nhiều cán bộ của TCDK đã trưởng thành. Hơn chục năm về trước, từ 1961, các cán bộ, kỹ sư của ta đã được chuyên gia Liên-xô (cũ) giúp đỡ, nay có thêm điều kiện để học hỏi về cách quản lý, điều hành hoạt động dầu khí của các công ty dầu thế giới. Khi thành lập Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật, công nhân đủ các ngành nghề đã được điều vào Vũng Tàu làm việc. Từ năm 1988 đến 2001 ta đã ký thêm nhiều hợp đồng dầu khí. Một số lớn cán bộ, kỹ sư chuyên ngành dầu khí được các nhà thầu đào tạo tại chỗ bằng công việc thực tế tại hiện trường hoặc cử ra nước ngoài làm việc theo cam kết hợp đồng, trình độ chuyên môn vì vậy được nâng cao không ngừng. Theo cam kết trong hợp đồng và cũng vì quyền lợi của mình, nên nhà thầu rất chú ý việc đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nước chủ nhà. Nhiều cán bộ quản lý và kỹ sư dầu khí đã được nhà thầu chấp nhận có đủ trình độ làm việc cho họ hoặc bổ nhiệm nắm giữ vị trí chủ chốt trong Công ty Điều hành chung (JOC). Hàng năm mỗi nhà thầu dành cho Petrovietnam một quỹ đào tạo khoảng vài trăm ngàn USD để phục vụ cho mục đích đào tạo. Petrovietnam cũng dùng một phần quỹ này để tuyển lựa sinh viên giỏi đi đào tạo chuyên ngành dầu khí ở các nước tiên tiến: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Rumani…

Những đóng góp của các công ty dầu khí nước ngoài ở Việt Nam

Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Petrovietnam tự điều hành

Có thể nói các công ty dầu khí nước ngoài có đóng góp lớn cho công tác đào tạo nhân lực của Petrovietnam trong hơn hai chục năm qua.

Đóng góp thúc đẩy phát triển ngành dầu khí Việt Nam

Hoạt động dầu khí mang tính quốc tế hóa cao, hiếm nước nào có khả năng tự phát triển mà không có sự hợp tác với nước khác. Thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, ngành dầu khí có điều kiện đi tiên phong trong việc hợp tác, kêu gọi các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư, đặc biệt là khâu đầu. Nhờ những ràng buộc cam kết trong hợp đồng dầu khí, nhờ những dự án thành công mà Petrovietnam có cơ hội làm ăn lâu dài với nhà đầu tư. Gần đến kỷ niệm 40 năm ngày thành lập ngành dầu khí Việt Nam (1975-2015), tự hào về sự tăng trưởng không ngừng của ngành nhưng cũng không thể không nhắc đến sự đóng góp đáng trân trọng của các đối tác đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy ngành Dầu khí Việt Nam phát triển. Sự đóng góp đó thể hiện trên các mặt:

1. Đào tạo đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học-công nghệ và quản lý, được tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà thầu. Đội ngũ này tiếp thu phong cách làm việc quốc tế chuẩn mực.

2. Xây dựng sẵn cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị đồng bộ để cán bộ, nhân viên Petrovietnam thực hành học tập.

3. Petrovietnam có thể hưởng lợi từ nguồn thu nhập từ dầu khí của Chính phủ để lại cho đầu tư trang thiết bị của ngành phục vụ cho hoạt động dầu khí như đóng dàn khoan, mua tàu khảo sát địa chấn, tàu dịch vụ.

Có con người nắm được công nghệ chuyển giao, có vốn do nhà nước hỗ trợ, Petrovietnam có đủ điều kiện tiếp tục phát triển ngành. Hiện tại Petrovietnam đã có đội ngũ nhân lực tự điều hành thành công nột số dự án trong nước và đang đầu tư ra nước ngoài với mục đích chia sẻ rủi ro và tìm thêm nguồn cung cấp dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước.

Những đóng góp của các công ty dầu khí nước ngoài ở Việt Nam

Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Ngày 15/12/2004, Petrovietnam đã khánh thành nhà máy đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn urê/năm. Cuối năm 2012 thêm nhà máy đạm Cà Mau, đảm bảo cung cấp hơn nửa nhu cầu phân đạm cho nông nghiệp cả nước. Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, thỏa mãn 30% nhu cầu nhiên liệu. Cuối năm 2017, nhà máy lọc- hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động với công suất 10 triệu tấn/năm sẽ đáp ứng hơn nhu cầu nhiên liệu và cung cấp một phần nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu. Ngoài việc tập trung vào nhiệm vụ chính của ngành, Petrovietnam còn được chính phủ giao cho đầu tư các nhà máy điện chủ yếu dùng khí. Hiện nay 40% sản lượng điện của Việt Nam sản xuất từ nguồn khí do các nhà thầu dầu khí và Petrovietnam cung cấp.

Từ mô hình ban đầu là phát triển mạnh khâu thượng nguồn, nay Petrovietnam đã có điều kiện vốn và kỹ thuật để phát triển khâu trung nguồn và hạ nguồn, cho một ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh.

Nguồn: