Vũ điệu dầu thô (K1): Diễn biến bất thường
03:59 SA @ Thứ Ba - 25 Tháng Mười Một, 2014

Dầu mỏ là một thuận lợi hay trở ngại? Phước lành hay lời nguyền?

Nếu không có dầu mỏ, sẽ không có máy bay, xe hơi; tàu vũ trụ không lên được mặt trăng, sao Hỏa; không có internet và mạng xã hội... Nhưng nếu dầu mỏ không được phát hiện, trái đất sẽ có môi trường sống tốt hơn và có lẽ hòa bình hơn; và hàng tỷ người trên thế giới có lẽ không phải nhấp nhổm mỗi khi giá dầu lên hay xuống.

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện theo quy luật của cung cầu, mà thật sự đang có sự can thiệp của những “bàn tay bí mật”, có thể dầu mỏ lại một lần nữa đang được sử dụng như một thứ vũ khí chính trị.

Giá dầu quay đầu giảm trong khi đang có những xung đột địa chính trị là điều chưa từng có. Nhưng điều đó đang diễn ra. Thế giới đang có xung đột ở những khu vực nhạy cảm với ngành năng lượng, từ Trung Đông đến Ukraine, nhưng giá dầu đã giảm 30% kể từ tháng 6.

Dầu mỏ chiếm một vị trí đặc biệt trong thương mại quốc tế và địa chính trị toàn cầu. Không có hàng hóa nào có quyền lực chính trị, chiến lược và chiến thuật giống như xăng dầu. Kể từ khi dầu mỏ trở thành một hàng hóa thương mại cách nay hơn 1 thế kỷ, nó đã trở thành nền tảng của nền kinh tế thế giới.

Nếu thình lình tất cả dự trữ dầu trên thế giới biến mất, chúng ta buộc phải từ bỏ nhiều thứ xa xỉ, 7 tỷ người trên thế giới sẽ cảm thấy cuộc sống thật bất tiện. Nhưng bên cạnh những đóng góp cho nền kinh tế, dầu mỏ cũng bị tố cáo là một nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn và chiến tranh. Nhiều người tin rằng hầu hết những cuộc chiến tranh và xung đột ở Tây Á và Trung Đông là vì dầu mỏ.

Chẳng hạn, những người theo thuyết âm mưu tin rằng chính vì dầu mỏ mà tình báo Hoa Kỳ và Anh đã lật đổ chính phủ được bầu của Mohammed Mossadegh ở Iran vào năm 1953, dọn đường cho các đại gia dầu mỏ như Petroleum và Shell; chính vì dầu mỏ mà Tổng thống George Bush và đồng minh đã đánh chiếm Iraq năm 2003 và Tổng thống Obama đã can thiệp vào Libya năm 2012; vì dầu mỏ mà Syria đang chìm vào một cuộc chiến không biết hồi kết.

Dầu mỏ cũng được dùng như một vũ khí chính trị. Chẳng hạn, vào năm 1973, các nước Ả rập sản xuất dầu mỏ đã quyết định không bán dầu mỏ cho phương Tây vì đã ủng hộ Israel. Nhưng dầu mỏ không phải là thứ vũ khí độc quyền của các nước Ả rập. Phương Tây cũng đã từng dùng thứ hàng hóa này như một loại vũ khí chống lại các chính quyền đối nghịch.

Thông qua việc kiểm soát Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các nước như Iran, Iraq, Libya và Sudan, ngăn cản các nước này bán dầu mỏ. Cấm vận kinh tế đối với chế độ Saddam Hussein ở Iraq từng khiến kinh tế nước này chới với. Tờ Daily Mirror cho rằng trong những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Hoa Kỳ và Ả rập Saudi từng liên kết với nhau để thao túng giá dầu thế giới, khiến nó giảm xuống mức 10USD/thùng với mục đích trừng phạt Liên Xô. Và họ đã thành công khi góp phần đẩy Liên Xô đến tan rã và chấm dứt chiến tranh lạnh.

Điều chưa từng thấy

Thông thường, khi có chiến tranh hay xung đột ở một khu vực sản xuất dầu mỏ, giá dầu sẽ tăng phi mã. Năm 1973, khi các nước Ả rập áp đặt cấm vận dầu mỏ lên phương Tây, giá dầu thế giới tăng gấp 4 lần từ 3USD/thùng lên 12USD/thùng chỉ trong vòng vài ngày và lên đến đỉnh điểm 20USD thời gian ngắn sau đó.

Giá dầu luôn được giữ ở mức cao suốt thời gian cuộc chiến tranh 9 năm giữa Iran và Iraq, cũng như gia tăng chóng mặt trong cuộc xâm lăng của Iraq sang Kuwait năm 1991, hay khi Hoa Kỳ và đồng minh tấn công Iraq năm 2003. Những xung đột chính trị và lo ngại nguồn cung giảm dần đã đẩy giá dầu từ mức 70USD/thùng tháng 8-2007 lên 150USD/thùng tháng 7-2008.

Việc giá dầu quay đầu giảm trong những lúc đang có xung đột địa chính trị là thứ gì đó chưa từng nghe thấy. Hiện có những lo ngại rằng cuộc chiến tranh hiện nay ở Syria và Iraq sẽ lan rộng sang các nước khác trong khu vực sản xuất dầu mỏ (Trung Đông chiếm 66% tổng sản lượng OPEC).

Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, nơi Nga - nước sản xuất dầu và khí đốt - đang đe dọa cắt giảm nguồn cung tới Ukraine và các nước châu Âu để trả đũa các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và châu Âu lên Moscow.

Thông thường, căng thẳng ở Nga và Trung Đông - với việc tổ chức khủng bố IS chiếm các mỏ dầu ở Iraq và Syria - sẽ là một đòn kép lên các quốc gia mua dầu mỏ. Nhưng thay vào đó, các nước nhập khẩu dầu đang ăn mừng giảm giá. Giá dầu đã giảm khoảng 30% kể từ tháng 6, từ mức 112USD xuống còn khoảng 80USD/thùng. Không chỉ vậy, giá dầu còn được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp.

“Nếu không có sự gián đoạn nguồn cung mới nào, áp lực giảm giá có thể tiếp tục kéo dài tới nửa đầu năm 2015. Rõ ràng chúng ta đã bắt đầu một chương mới trong lịch sử của thị trường dầu mỏ” - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo mới nhất. Tương tự, trong dự báo ngắn hạn công bố hôm 12-11, Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo giá dầu thô bình quân vào khoảng 95USD/thùng trong năm nay và 77,75USD/thùng vào năm tới; dầu Brent 101,04USD/thùng trong năm 2014 và 83,42USD/thùng năm 2015.

Biếm họa về việc giá dầu được dùng như hàng hóa chính trị.

Điều gì đã dẫn đến sự bất thường này? Những người trung thành với các lý thuyết thị trường tin rằng đó là kết quả của việc tăng cung và giảm cầu, đặc biệt là việc Hoa Kỳ - nước tiêu thụ số 1 - đang tiến gần tới tự chủ nguồn cung bằng việc phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ đá phiến.

EIA cho biết sản lượng tại Hoa Kỳ đạt 8,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 3-1986. Cơ quan này dự báo sản lượng dầu thô bình quân của Hoa Kỳ trong năm nay là 8,57 triệu thùng/ngày và 9,5 triệu thùng/ngày năm tới.

Như vậy, sản lượng bình quân trong năm 2015 sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1972. Ngoài ra, thế giới cũng chứng kiến sự hồi sinh của ngành công nghiệp dầu mỏ ở Libya. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ sẽ giảm còn 18,91 triệu thùng/ngày trong năm nay và 19,07 triệu thùng/ngày vào năm tới, hạ so với dự báo 18,92 triệu thùng/ngày năm 2014 và 19,1 triệu thùng/ngày năm 2015.

EIA cũng giảm dự báo tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu xuống còn 91,38 triệu thùng/ngày trong năm nay và 92,5 triệu thùng/ngày vào năm tới. Cùng lúc đó là sự sụt giảm nhu cầu ở các nước đông dân nhất nhì thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, do kinh tế ở những nước này bắt đầu tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ ở châu Phi, như Nigeria, nay tăng cường xuất khẩu sang châu Á vì đã đánh mất thị trường Hoa Kỳ sau khi nước này tăng sản lượng dầu đá phiến. Như vậy, lượng dầu đổ sang châu Á nhiều hơn trong khi nhu cầu tại đó lại ít hơn, buộc lòng các nhà xuất khẩu phải hạ giá để giành giật thị trường, đặc biệt ở Trung Quốc.

(Xin xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: