Algeria là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 châu Phi
02:58 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Chín, 2017

Theo báo cáo về than và dầu mỏ được tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới BP công bố thời gian gần đây, ngoài khí đốt, Algeria còn tiêu thụ lượng than và dầu mỏ đứng thứ 3 tại châu Phi. Năm 2016, sản lượng than của châu Phi đạt tổng cộng 150,5 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), tương đương 4,1% sản lượng toàn cầu.

Kết quả hình ảnh cho dầu mỏ algeria

Báo cáo “Tổng quan về Năng lượng thế giới” BP cho biết, sản lượng than của châu lục đã giảm nhẹ 1% so với năm trước. Nam Phi vẫn là nước sản xuất than hàng đầu, với 142,4 triệu TOE, tiếp đến là Zimbabwe với 1,7 triệu TOE và phần còn lại của châu Phi là 6,3 triệu TOE.

Trong khi đó, tiêu thụ than tại "lục địa đen" tăng nhẹ 0,4%, đạt 95,9 triệu tấn TOE, tương đương 2,6% lượng tiêu thụ toàn thế giới. Nam Phi cũng là nước tiêu thụ lớn nhất châu lục (với 85,1 triệu TOE), tiếp đến là Ai Cập (0,4 triệu TOE) và Algeria (0,1 triệu TOE).

Ngoài ra, báo cáo cũng ước tính trữ lượng than đã được kiểm chứng tại châu Phi, tính đến cuối năm 2016, là 13,217 tỷ tấn, chiếm 1,2% tổng trữ lượng than toàn cầu. Trung Quốc vẫn duy trì vị trí nước sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới khi sản xuất 46,1% và tiêu thụ 50,6% tổng sản lượng toàn thế giới năm 2016.

Vị trí thứ 3 về tiêu thụ dầu tại châu Phi cũng thuộc về Algeria. Trong năm 2016, mỗi ngày nước này sử dụng 412.000 thùng dầu, đứng sau Ai Cập và Nam Phi (đất nước có nền công nghiệp hiện đại nhất tại lục địa này) với lượng tiêu thụ trung bình mỗi ngày lần lượt là 853.000 và 560.000 thùng. Đối với các quốc gia còn lại tại châu lục, trung bình mỗi ngày có khoảng 2,111 triệu thùng dầu được đưa vào các nhà máy lọc, hoá dầu.

Về tình hình năng lượng toàn cầu, châu Phi chiếm thị phần dầu mỏ nhỏ nhất, khi chỉ có 3,937 triệu thùng dầu được tiêu thụ mỗi ngày, tương đương 4,1% tổng nhu cầu của thế giới. Mức tiêu thụ hiện nay đã tăng 2,9% so với giai đoạn 2005-2015.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất với 34,8%, tiếp đến là Bắc Mỹ (24,7%), châu Âu và phần châu Á tiếp giáp (19,5%), Trung Đông (9,8%), Trung và Nam Mỹ (7,2%).

Nguồn: