Ba kịch bản của hội nghị OPEC bàn nâng sản lượng dầu
05:27 SA @ Thứ Sáu - 22 Tháng Sáu, 2018

Giới đầu tư trên thị trường dầu thô thế giới đang dồn sự chú ý vào hội nghị bán niên của Tổ chức Các nước xuất dầu mỏ (OPEC) diễn ra thủ đô Vienna (Áo) trong hai ngày 22 và 23-6. Tại hội nghị, 24 bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng đến từ OPEC cùng các đồng minh của OPEC, dẫn đầu là Nga (nhóm OPEC+) sẽ thảo luận về phương án tăng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung đang bị thiếu hụt.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh trả lời báo chí tại một khách sạn ở Vienna, Áo hôm 19-6. Ảnh: AP

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,8 triệu thùng/ngày giữa liên minh OPEC+ bắt đầu áp dụng từ đầu năm ngoái đã giúp giá dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây và khiến nguồn cung đứng trước nguy cơ thiếu hụt do sản lượng dầu ở Venezuela, một thành viên của OPEC, suy giảm mạnh.

Trong khi Saudi Arabia, nước dẫn đầu OPEC, và Nga, nước đứng đầu nhóm đồng minh ngoài OPEC, muốn tăng sản lượng và có đủ năng lực để thực hiện điều này thì bốn thành viên OPEC khác gồm Iran, Iraq, Algeria, Venezuela phản đối vì họ không những không được hưởng bất cứ lợi ích nào. Các nước này (ngoại trừ Iraq) không có khả năng tăng sản lượng, mà còn bị thiệt hại vì việc tăng nguồn cung sẽ kéo giá dầu đi xuống.

Dựa vào các thông điệp của các nhà sản xuất dầu lớn nhất của nhóm OPEC+ trong thời gian qua, thị trường giả định rằng OPEC và các đồng minh sẽ nhất trí tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiều vẫn là vấn đề còn tranh cãi và sự chia rẽ trong OPEC cũng có thể khiến hội nghị rơi vào thế bế tắc. Hôm 21-6, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã bỏ ngang cuộc họp của ủy ban bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC tại Vienna.

Phát biểu với các phóng viên, ông Zanganeh nói: “Tôi không nghĩ chúng tôi có thể đạt được thỏa thuận. Trước hết, chúng tôi cần phải thảo luận và quyết định vấn đề chính bên trong OPEC vì quyết định của OPEC là rất quan trọng. Sau đó, chúng ta mới nên phối hợp với Nga”.

Trong phiên giao dịch theo giờ châu Á sáng nay, giá dầu Tây Texas ở thị trường New York và giá dầu Brent ở thị trường Brent đang tăng hơn 1% do trước các thông tin OPEC+ vẫn chưa thống nhất được thỏa thuận tăng sản lượng.

Giới quan sát cho rằng có ba kịch bản cho hội nghị OPEC như dưới đây

Nâng sản lượng ở mức vừa phải

OPEC và các đồng minh có thể nhất trí nâng sản lượng dầu ở mức vừa phải, khoảng từ 500.000-800.000 thùng dầu/ngày. Vào vài tuần trước, Nga đề xuất nâng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày. Và cách đây sáu ngày, Nga để xuất tăng sản lượng dầu thêm 1,8 triệu thùng/ngày trong vòng 3 tháng tới. Điều này đồng nghĩa với việc OPEC+ sẽ chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,8 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Saudi Arabia, nước đứng đầu OPEC, chỉ muốn tăng 300.000 thùng dầu/ngày. Nếu Nga và Saudi Arabia cùng thỏa hiệp, họ có thể chọn phương án tăng sản lượng dầu ở mức 500.000-800.000 thùng/ngày, đủ để bù đắp cho sản lượng dầu sụt giảm ở Venezuela trong một năm qua. Mức tăng này sẽ không làm dầu ngập tràn trên thị trường, đặc biệt là khi lượng dầu dư thừa ở các nước công nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã được xóa bỏ.

Kịch bản trung dung này dường như đã phản ánh vào giá dầu. Giá dầu bắt đầu giảm vào cuối tháng trước khi đón nhận thông tin OPEC và các đồng minh cân nhắc tăng sản lượng. Sau khi chạm mốc 72,83 đô la Mỹ/thùng, giá dầu Tây Texas trên thị trường New York đang rơi về mức 64-66 đô la Mỹ/thùng. Tương tự, giá dầu Brent trên thị trường London cũng đã giảm về sát mức 72-74 đô la Mỹ/thùng sau khi đạt mức cao nhất trong 52 tuần, 80,5 đô la Mỹ/thùng. Do vậy, mức tăng 500.000-800.000 thùng/ngày sẽ không tác động nhiều đến giá dầu hiện nay.

Tăng sản lượng trên 1 triệu thùng/ngày

Saudi Arabia và Nga có thể vận động nhóm OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu từ 1 triệu thùng/ngày trở lên.

Nhiều nhà phân tích thị trường dầu cho rằng tăng sản lượng là điều cần thiết khi nhu cầu đang tăng và nguồn cung dầu suy giảm mạnh ở Venezuela cung như nguy cơ sản lượng dầu sụt giảm ở Iran do nước này sẽ bị Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt trong những tháng tới. Đó cũng là lý do Nga khăng khăng đề xuất tăng mạnh sản lượng dầu.

Nếu Riyadh và Moscow không lựa chọn kịch bản 1 (tăng sản lượng dầu ở mức vừa phải), họ có thể nghiêng về khả năng tăng mạnh sản lượng. Điều này có nghĩa là nhóm OPEC+ sẽ nhất trí tăng sản lượng từ 1 triệu thùng/ngày trở lên. Các chi tiết của kịch bản này cần phải được thảo luận thêm nhưng Saudi Arabia đang cân nhắc thực hiện kịch bản này qua hai giai đoạn, để tránh gây sốc cho thị trường dầu.

Trong giai đoạn thứ nhất, nhóm OPEC+ sẽ tăng 500.000 thùng/dầu ngay lập tức và trong giai đoạn hai, họ sẽ tăng thêm 500.000 thùng/ngày vào quí 4-2018.

Kịch bản này có thể gây ra tác động giảm giá cho thị trường dầu, đặc biệt nếu Saudi Arabia và Nga muốn nâng sản lượng dầu lớn hơn 1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nó cũng khiến công suất dự phòng của nhóm OPEC+ xuống các mức thấp nhất trong lịch sử. Nếu nguồn cung mới được hấp thụ tốt trong hai năm tới, công suất dự phòng thấp có thể gây rủi ro tăng giá cho thị trường dầu.

Saudi Arabia và Nga đơn phương tăng sản lượng

Kịch bản thứ ba là Saudi Arbia và Nga có thể không thống nhất được mức tăng sản lượng dầu và mỗi bên sẽ đơn phương tăng ở mức mức vừa phải. Phần lớn các thành viên OPEC phản đối kịch liệt bất cứ mức tăng sản lượng dầu nào, chủ yếu là do họ không có khả năng nâng công suất ngay lập tức. Sản lượng dầu của Venezuela đã lao dốc trong 6 tháng qua do các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. Iran, đang là mục tiêu của gói trừng phạt kinh tế mà Mỹ sắp áp đặt, có thể phải vất vả để giữ sản lượng dầu xuất khẩu khỏi nguy cơ bị sụt giảm mạnh. Trữ lượng ở các mỏ dầu của Angola, một thành viên của OPEC và Mexico, nước ngoài OPEC tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, cũng đang suy giảm.

Ngoài Saudi Arabia và Nga, có lẽ chỉ có Kuwait và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất và Iraq có đủ năng lực tăng sản lượng dầu ở mức khá nhưng Iraq đã lên tiếng phản đối tăng sản lượng.

Do vậy, hội nghị OPEC + Vienna được dự báo sẽ căng thẳng. OPEC hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận và việc cắt giảm sản lượng bấy lâu nay luôn dựa vào sự tuân thủ tự nguyện. Nếu các thành viên OPEC bất đồng, kết quả cuối cùng có thể là một thỏa thuận tăng sản lượng không chính thức giữa các cường quốc dầu mỏ, bao gồm Saudi Arabia, cùng với một số nước Vùng Vịnh và Nga. Saudi Arabia không cần sự cho phép của các thành viên còn lại trong OPEC để tăng sản lượng song nước này luôn coi trọng sự đoàn kết của OPEC.

Nếu không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng chính thức, Saudi Arabia có thể đơn phương tăng sản lượng ở mức vừa phải để tránh chọc giận các nước còn lại trong OPEC.

Vẫn chưa thể đoán chắc được các chi tiết cụ thể của kịch bản này nhưng nếu thỏa thuận không chính thức chỉ đặt mục tiêu tăng sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày hoặc ít hơn thì đó là một kết quả rất tích cực cho triển vọng giá dầu. Tuy nhiên, các tín hiệu gần đây từ Saudi Arabia cho thấy nước này sẵn sàng tăng sản lượng ở mức cao hơn, do đó, kịch bản thứ ba ít khả năng xảy ra nhất.

Nguồn: