Căng thẳng tại Trung Đông kéo dài đẩy giá dầu tăng gần 4% trong tuần
02:55 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Bảy, 2019

Giá dầu Brent leo dốc 3,9% trong tuần qua và lên cao nhất kể từ tháng 5/2019 khi căng thẳng giữa Iran và Anh liên quan đến tàu chở dầu tại Trung Đông chưa hạ nhiệt.

Giá dầu thô tương lai tăng mạnh trong tuần qua khi căng thẳng kéo dài ở khu vực Trung Đông mặc dù giá dầu chỉ nhích nhẹ trong ngày12/7, khi một cơn bão ở Vịnh Mexico dự kiến chỉ làm giảm một lượng nhỏ sản lượng dầu và khí thiên nhiên trong khu vực.

Tính chung trong tuần, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng gần 5% và giá dầu Brent giao sau tại thị trường London nhích gần 4%.

Cơn bão Barry, đổ bộ vào Mỹ đã khiến các giàn khoan dầu trên Vịnh Mexico phải giảm hoạt động.

Trong phiên giao dịch ngày 8/7, giá dầu Brent và ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ngược chiều nhau trong bối cảnh những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran lấn át những lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ tác động đến nhu cầu dầu mỏ.

Sang ngày 9/7, giá “vàng đen” tăng nhẹ do tình hình căng thẳng ở khu vực Trung Đông tác động tới thị trường năng lượng, trong khi xuất hiện những quan ngại về khả năng nhu cầu năng lượng toàn cầu chững lại.

Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 10/7 khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến và khả năng xảy ra bão trên vịnh Mexico gây thêm lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung dầu trên thị trường.

Trong phiên ngày 11/7, giá dầu lại đánh mất đà tăng mạnh khi chốt phiên do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ tăng chậm lại vào năm 2020. Trong phiên này, giá dầu có thời điểm chạm mức cao nhất trong hơn một tháng, sau khi các nhà sản xuất ở Mỹ cắt giảm khoảng 50% sản lượng tại Vịnh Mexico trước khả năng xảy ra cơn bão lớn đầu mùa.

Trong phiên ngày 12/7, giá dầu WTI chỉ tăng 0,01 USD/thùng, chốt ở 60,21 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,2 USD/thùng, lên mức 66,72 USD/thùng.

Cơn bão Barry, dự kiến đổ bộ vào Mỹ vào ngày 13/7, đã khiến các giàn khoan dầu trên Vịnh Mexico phải giảm hoạt động, theo đó đẩy giá dầu leo dốc. Các công ty dầu lửa hoạt động trên Vịnh Mexico đã giảm sản lượng hơn 2 triệu thùng/ngày, tương đương 53% sản lượng dầu tại khu vực này.

"Giá dầu đang được hỗ trợ bởi hoạt động sản xuất bị gián đoạn trên Vịnh Mexico. Thị trường còn đang chờ xem liệu bão Barry có gây lụt lội, ảnh hưởng đến hoạt động lọc dầu ở Louisiana", ông Andy Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates, nhận xét.

Bên cạnh đó, giá dầu trong tuần này cũng được hỗ trợ bởi gia tăng kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào cuối tháng này.

Trong 2 ngày điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt nguy cơ suy giảm tăng trưởng từ hoạt động yếu đi của các nhà máy, mức lạm phát thấp, và xung đột thương mại. Ông Powell khẳng định FED sẵn sàng hành động phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu mỏ bị hạn chế phần nào do mối lo ngại thừa cung thiếu cầu.

Giá dầu Brent tăng gần 4% trong tuần qua.

Trong một báo cáo công bố ngày 12/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu tăng mạnh của Mỹ sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ của thế giới, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung trong 9 tháng tới.

IEA cũng cho biết nhu cầu từ OPEC trong quý I/2020 sẽ giảm xuống 28 triệu thùng/ngày.

Trước đó, hôm 11/7, OPEC dự báo thế giới thừa dầu trong năm 2020, cho dù OPEC và một số đối tác nỗ lực hạn chế sản lượng khai thác dầu.

Nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận xét: "Bản báo cáo của IEA đã làm rõ những gì thị trường và OPEC đang lo ngại về năm tới. Đây tiếp tục là một trở ngại đối với giá dầu thô".

Tuy nhiên, hoạt động khai thác dầu tại Mỹ đã chững lại trong những tuần gần đây. Số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ - một chỉ báo về sản lượng dầu tương lai - giảm tuần thứ hai liên tiếp trong tuần này, theo dữ liệu từ Baker Hughes. Các công ty dầu lửa đã giảm 4 giàn khoan trong tuần kết thúc vào ngày 12/7, còn 784 giàn đang hoạt động, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2018.

Giá dầu thế giới hiện vẫn đang được nâng đỡ bởi căng thẳng giữa Iran với phương Tây. Tehran hôm 12/7 cảnh báo Anh đang chơi "trò chơi nguy hiểm" khi bắt giữ một con tàu chở dầu Iran vào tuần trước vì nghi ngờ nước này vi phạm các lệnh trừng phạt của châu Âu để đưa dầu đến Syria

"Chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời sự cố liên quan đến các tàu chở dầu tại Trung Đông sẽ đi đến đâu. Nhưng hiện tại, có thể thấy rõ là rủi ro địa chính trị còn tiếp diễn", nhà phân tích Stephen Brennock thuộc PVM Oil Associates cho biết./.

Nguồn: