Chi phí dầu thô của châu Á sẽ vượt 1.000 tỉ đô la
02:45 SA @ Thứ Hai - 21 Tháng Năm, 2018

Chi phí nhập khẩu dầu thô của châu Á được dự báo vượt mức 1.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018 này, gấp đôi so với năm 2016 khi giá dầu Brent ở thị trường Luân Đôn tăng cao và đang dao động quanh mức 80 đô la Mỹ/thùng.

Châu Á dễ bị tổn thương khi giá dầu tăng

Hãng tin Reuters đưa tin chuyên gia phân tích năng lượng châu Á Henning Gloystein nhận định giá dầu thô tăng cao cộng với việc chỉ số đồng đô la Mỹ, tiền tệ sử dụng hầu hết trong các giao dịch dầu thô, tăng mạnh trở lại sẽ khiến chi phí dầu nhập khẩu dầu thô của châu Á vượt mức 1.000 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) sử dụng để đo lường tương quan giá trị của đồng đô la Mỹ so với một rổ ngoại tệ mạnh.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC hôm 18-5, Richard Martin, Giám đốc công ty tư vấn IMA Asia, cũng nhận định giá dầu thô tăng sẽ chi phí nhập khẩu nhiên liệu của châu Á tăng lên mức 1.000 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Chi phí năng lượng tăng cao sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng theo, gây tổn thương cho người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp ở nhiều nền kinh tế ở châu Á phụ thuộc nguồn cung dầu thô bên ngoài.

“Châu Á là khu vực dễ bị tổn thương nhất khi giá dầu thô tăng”, ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) cảnh báo trong một báo cáo đưa ra trong tháng 5.


Biểu đồ dự báo chi phí nhập khẩu dầu thô của châu Á khi giá dầu Brent hướng đến mốc 80 đô la Mỹ/thùng. Cột màu vàng thể hiện giá dầu Brent trong giai đoạn 2015-2018 và đường màu gạch thể hiện chi phí nhập khẩu dầu thô của châu Á trong cùng giai đoạn. Ảnh: Reuters

Châu Á-Thái Bình Dương tiêu thụ hơn 35% trong số 100 triệu thùng dầu mà thế giới sử dụng mỗi ngày và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng. Châu Á cũng là khu vực sản xuất sản lượng dầu mỏ thấp nhất của thế giới, chiếm chưa đến 10% sản lượng toàn cầu.

Ngân hàng Morgan Stanley ước tính chi phí dầu diesel chiếm khoảng 10-20% tổng chi phí của các công ty khai khoáng và chiếm khoảng 4-50% chi phí sản xuất điện tùy thuộc vào cơ cấu nhiên liệu của mỗi công ty hay mỗi nước.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, với mức nhập khẩu 9,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4-2018, chiếm gần 10% mức tiêu thụ dầu thô toàn cầu.

Với mức giá dầu thô cao như hiện nay, chi phí nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ lên đến mức 768 triệu đô la Mỹ/ngày, tương đương 280 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Nhiều nước châu Á khác thậm chí còn dễ bị tổn thương khi giá dầu thô tăng mạnh, chẳng hạn Ấn Độ, nước không chỉ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô mà còn có nền kinh tế chưa đủ mạnh để hấp thụ chi phí nhiên liệu tăng cao đột ngột.

Trừ khi nhiên liệu được nhà nước trợ giá, các hộ gia đình và các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển tại châu Á dễ bị tổn thương hơn hơn các nước giàu hơn khi giá dầu tăng.

Tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam và Philippines, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 8-9% mức lương tháng trung bình của người dân, theo số liệu từ trang phân tích dữ liệu Numbeo. Trong khi đó, con số này ở các nước giàu như Nhật Bản, Úc chỉ khoảng 1-2%.

Hamish Pepper, Giám đốc bộ phận nghiên cứu chiến lược vĩ mô của các thị trường mới nổi tại châu Á của ngân hàng Barclays, nhận định dù châu Á vẫn ở vị thế thuận lợi để tăng trưởng vượt các khu vực khác nhưng “giá dầu có thể sẽ gây cản trở cho câu chuyện tăng trưởng đó”.

Doanh nghiệp vận tải hứng đòn

Giá dầu tăng cao tác động lớn nhiều doanh nghiệp ở châu Á, đặc biệt là các công ty vận tải và kho vận. Enrique V. Rey Jr , Giám đốc tài chính của công ty giao nhận vận chuyển hàng hóa LBC Express (Philippines) cho biết giá dầu tăng cao đang gây khó khăn cho công ty này trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động và duy trì biên lợi nhuận.

Theo Numbeo.com, tại Ấn Độ, Việt Nam và Philippines, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 8-9% mức lương tháng trung bình của người dân. Trong khi đó, con số này ở các nước giàu như Nhật Bản, Úc chỉ khoảng 1-2%.

Một số công ty vận chuyển hàng hóa khác cho biết họ sẽ chuyển chi phí nhiên liệu tăng thêm cho kháh hàng. Chryss Alfonsus Damuy, Giám đốc điều hành công ty kho vận Chelsea Logistics (Philippines), cho biết công ty ông có thể bị ảnh hưởng do giá dầu tăng nhưng sẽ chuyển tác động này cho khách hàng thông qua việc điều chỉnh cước vận chuyển.

Các công ty khác lo ngại sẽ mất khách hàng nếu bắt khách hàng gánh chi phí nhiên liệu tăng thêm. Ashish Savla, chủ công ty vận tải Pravin Roadways sở hữu 50 chiếc xe tải ở thành phố Mumbai, Ấn Độ, nói dù chi phí dầu diesel chiếm hơn 50% chi phí của công ty nhưng sẽ rất khó để chuyển chi phí tăng thêm cho khách hàng. “Giá dầu diesel đã tăng 16% trong năm nay nhưng tôi không thể nâng cước vận chuyển thêm 5%. Nếu tôi tăng cước phí, khách hàng sẽ sử dụng hệ thống vận chuyển đường sắt có mức chi phí thấp hơn”, ông nói.

Anil Mittal, lãnh đạo của công ty vận chuyển container Trans Freight Containers ở Mumbai cũng thừa nhận, giá dầu diesel tăng đang ảnh hưởng nặng nề đến công việc kinh doanh của chúng tôi.

Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets cho rằng, châu Á cần giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và tăng tiết kiệm năng lượng để tự bảo vệ trước những cú sốc giá dầu trong tương lai.

Nguồn: