Cuộc cạnh tranh giữa 2 “người khổng lồ” Gazprom và Rosneft
02:14 SA @ Thứ Sáu - 18 Tháng Mười, 2013

Giữa hai “người khổng lồ” khí đốt (Gazprom) và dầu mỏ (Rosneft) của Nga đang có một sự cạnh tranh rất rõ.

Cuộc tấn công của Rosneft

Với sự hậu thuẫn của Novatek - nhà sản xuất khí đốt lớn thứ 2 của Nga, Rosneft là một trong những công ty tích cực vận động thành công Chính phủ Moskva xóa bỏ vai trò độc quyền xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Gazprom. Theo đó, pháp luật sửa đổi về xuất khẩu khí đốt đã mở rộng cửa cho các nhà sản xuất độc lập và thị trường Châu Á - Thái Bình Dương là những thị trường đầu tiên sẽ được mở cửa cho hoạt động cạnh tranh. Bắt đầu từ đây, cuộc cạnh tranh trên thị trường LNG ở Nga đã nóng lên và Rosneft một lần nữa lại đang là người đi đầu mở những đợt tấn công ào ạt vào thị trường vốn là thế mạnh truyền thống của Gazprom.

Kể từ khi lên nắm quyền Chủ tịch Rosneft vào tháng 5/2012, ông Igor Sechin - nguyên Phó thủ tướng phụ trách năng lượng, cánh tay phải của ông Putin đã thực thi những quyết định táo bạo. Thương vụ mua lại công ty dầu khí TNK-BP mùa thu năm 2012 không chỉ biến Rosneft trở thành công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới mà còn đem lại cho “người khổng lồ” này một lượng tài sản khí đốt không nhỏ. Một trong số đó có thể kể đến Rospan - một công ty con của TNK-BP - đang sở hữu những mỏ khí đốt lớn ở bán đảo Yamal, trong đó có các mỏ East Urengoy và New Urengoy có tổng sản lượng khai thác 3,5 tỉ m3 khí mỗi năm. Cộng với việc thâu tóm hoàn toàn công ty sản xuất khí độc lập Itera vào tháng 5/2013, Rosneft đã tăng sản lượng khí đốt của mình lên 1/3 và trở thành một trong 3 nhà khai thác khí đốt lớn nhất Nga, chỉ sau Gazprom và Novatek. Đến năm 2020, Rosneft lên kế hoạch tăng sản lượng khí đốt lên 100 tỉ m3/năm, tức là gấp 2,5 lần sản lượng hiện tại.

Hai người lãnh đạo Rosneft và Gazprom - ông Igor Sechin (trái) và ông Alexey Miller

Trong bối cảnh khách hàng truyền thống châu Âu đang tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga, trước sự cạnh tranh của khí đá phiến của Mỹ, Canada, Australia… Nga buộc phải tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khí đốt và Châu Á - Thái Bình Dương là mục tiêu trọng tâm trong chính sách năng lượng của Nga nhằm chớp cơ hội trong “kỷ nguyên vàng của khí đốt” và xu hướng sử dụng LNG trên toàn thế giới. Ngay từ năm 2011, Tổng thống Vladimir Putin đã thúc giục Gazprom phải cập nhật chiến lược cũng như tăng công suất sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng để có thể xuất khẩu bằng đường biển ra các thị trường mới ở khu vực đang được kỳ vọng là đầu tàu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, là trung tâm quyền lực mới của thế giới trong tương lai nhưng lại rất thiếu năng lượng này. Tuy nhiên, Rosneft mới là người “nhạy” hơn cả, sốt sắng hơn cả với chính sách “hướng Đông” của ông Putin khi vạch chiến lược đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động ngoài khai thác, chế biến, xuất khẩu dầu mỏ trong bối cảnh hầu hết các mỏ dầu chính của hãng đều đã qua thời kỳ khai thác đỉnh và đang sụt giảm sản lượng.

Từ năm 2005, Rosneft đã tham gia dự án phát triển khí đốt Sakhalin-1 ở Viễn Đông trong một thỏa thuận phân chia sản phẩm với ONGC (Ấn Độ), SODECO (Nhật Bản) và ExxonMobil (Mỹ). Cùng với ExxonMobil, Rosneft cũng xúc tiến mở rộng quy mô hợp tác, cùng đánh giá tính khả thi của dự án xây dựng nhà máy sản xuất LNG Sakhalin-1 từ tháng 2/2013 trong khuôn khổ thỏa thuận về hợp tác chiến lược năm 2011. Được biết, tổng đầu tư cho nhà máy có công suất thiết kế 5 triệu tấn LNG/năm ước tính là 15 tỉ USD. Song song với đó, Rosneft đã mua lại từ hãng sản xuất kim cương hàng đầu thế giới Alrosa (cũng của Nga) 3 mỏ khí đốt ở Siberia, với trữ lượng ước tính lên tới 187 tỉ m3 khí đốt tự nhiên và 26,4 triệu tấn condensate. Chủ tịch Rosneft Igor Sechin tuyên bố mạnh mẽ: “Việc mua lại các tài sản năng lượng của Alrosa một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của mảng kinh doanh, phát triển khí đốt đối với Rosneft”.

Kế hoạch mở rộng hoạt động trong lĩnh vực khí đốt của Rosneft cũng không giới hạn trong biên giới lãnh thổ Nga mà còn hướng ra nước ngoài. Tháng 7/2013, Rosneft đã đàm phán, ký kết hợp tác chính thức với Công ty dầu khí Nhà nước Venezuela (PDVSA) trong dự án phát triển mỏ khí ngoài khơi Mariscal Sucre, mà trước đó Gazprom không đạt được thỏa thuận. Những bước đi tương tự cũng được thực hiện ở Iran - nước sở hữu trữ lượng khí đốt đã được chứng minh lớn nhất thế giới, vượt qua cả Nga, theo đánh giá thống kê của BP năm 2013. Và động thái mới nhất là ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Dầu khí Nhà nước của Azerbaijan (SOCAR) và có cơ hội tham gia trong các dự án phát triển khí đốt lớn nhất của nước này là Absheron và Shah Deniz -2.

Gazprom gặp khó

Tuy dự án xây dựng nhà máy sản xuất LNG Sakhalin-1 của Rosneft và ExxonMobil vẫn đang chờ Tổng thống Putin phê duyệt nhưng nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Gazprom.

Trả lời phỏng vấn bên lề một hội thảo dầu khí vừa diễn ra tại Sakhalin, Victor Timoshilov, người đứng đầu Hội đồng điều phối các dự án Phương Đông của Gazprom cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng, dự án này là không cần thiết… Rất nhiều cơ sở hạ tầng đã được xây dựng trên đảo Sakhalin và theo quan điểm của chúng tôi, không cần thiết phải xây dựng thêm một nhà máy LNG tại đây nữa”. Cơ sở hạ tầng có sẵn ở Sakhalin mà ông Timoshilov nói đến chính là nhà máy sản xuất LNG Sakhalin-2, có công suất 10 triệu tấn LNG/năm mà Gazprom và Shell là đồng sở hữu. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy LNG duy nhất cho đến nay tại Nga đã được thực hiện khá chậm, do khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp thích hợp cho sự phát triển sản xuất. Sự thay đổi cảnh quan thị trường khí đốt toàn cầu, với sự gia tăng nguồn cung từ khí đá phiến sét tại Mỹ đã có một tác động rất lớn đến các dự án LNG của Gazprom, khiến “gã khổng lồ” khí đốt nước Nga phải đóng cửa dự án khí đốt Shtokman trên biển Barents, mà ban đầu được hoạch định cung cấp sản phẩm cho thị trường Mỹ. Trong khi đó, theo Reuters, do không thống nhất được giá cả, Gazprom lại không đạt được thỏa thuận mua khí đốt từ dự án Sakhalin-1 mà ExxonMobil đang là nhà điều hành.

Gazprom thậm chí còn đang gặp vướng mắc với Shell khi đối tác này muốn dự án Sakhalin-2 được đẩy nhanh tiến độ mở rộng và giải quyết khó khăn nguồn cung bằng cách kiếm nguồn cung khí đốt từ một số khu vực khác, chẳng hạn như dự án Sakhalin-3 của Gazprom, trong đó, mỏ Kirinskoye dự kiến sẽ đi vào khai thác trong tháng 10. Trong khi đó, Gazprom lại cho biết, hãng muốn sử dụng sản lượng đầu ra của mỏ này cho các dự án khác hơn là Sakhalin-2 và đề nghị của Shell là khó chấp nhận được.

Trở lại vấn đề cạnh tranh giữa hai “người khổng lồ”, có một câu chuyện ngoài lề được truyền tụng là trước đây, ông Sechin từng đề xuất ý tưởng sáp nhập Rosneft và Gazprom để trở thành “người khổng lồ” chiếm lĩnh thị trường thế giới cả về dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị Gazprom phản đối mà nguyên do được cho là “người khổng lồ” khí đốt ngại rằng, công ty sau sáp nhập sẽ được điều hành bởi ông Igor Sechin. Và như chúng ta đã thấy, thay vì thúc đẩy ý tưởng sáp nhập này, gần đây, ông Sechin cùng Rosneft đã thực hiện những bước đi tấn công mạnh mẽ hơn bao giờ hết vào thị trường khí đốt.

“Sự cạnh tranh giữa Rosneft và Gazprom là rõ ràng”, chuyên gia Valery Nesterov của bộ phận nghiên cứu đầu tư Ngân hàng Sberbank của Nga nhận định. Đây cũng là cuộc cạnh tranh không thể tránh khỏi khi Nga thực hiện chính sách đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong một kịch bản có vẻ hợp lý, vì nhà nước nắm giữ cổ phần kiểm soát ở cả 2 công ty, cho nên, nếu có mâu thuẫn, chủ sở hữu chính là Chính phủ Moskva sẽ có tiếng nói cuối cùng.


Nguồn: