Giá dầu Mỹ lên cao nhất 2 tuần do dầu lưu kho giảm mạnh
02:09 SA @ Thứ Năm - 24 Tháng Mười Hai, 2015

Giá dầu Mỹ phiên 23/12 lên cao nhất 2 tuần sau khi số liệu cho thấy lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua bất ngờ giảm mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 2/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,36 USD, tương đương 3,8%, lên 37,50 USD/thùng, cao nhất kể từ 8/12

Giá dầu Brent giao tháng 2/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,25 USD, tương ứng 3,5%, lên 37,36 USD/thùng, cao nhất kể từ 15/12 và chấm dứt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 18/12 giảm 5,9 triệu thùng xuống 484,78 triệu thùng, trái ngược với dự đoán tăng 600.000 thùng của các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street Journal.

Số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cũng cho thấy lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua giảm 3,6 triệu thùng, khiến giá dầu tăng mạnh ngay đầu phiên giao dịch.

Cũng theo số liệu của EIA, đáng lưu ý là lượng dầu lưu kho tại điểm giao nhận Cushing, Oklahoma, tăng 2 triệu thùng. Nguồn cung xăng tăng 1,1 triệu thùng trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất, kể cả diesel và dầu sưởi, giảm 661.000 thùng, trái với dự báo tăng 2,1 triệu thùng.

Giá dầu tiếp tục đà tăng sau khi Baker Hughes cho biết số giàn khoan của Mỹ tuần qua giảm 3 giàn.

Tuy giá dầu tăng trong phiên 23/12 tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất dầu thô, song nhiều nhà phân cho rằng đà tăng không bền vững và rằng giá dầu tăng chủ yếu do phản ứng trước đà giảm trong một thời gian - hôm thứ Hai 21/12 giá dầu Brent xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004 trong khi giá dầu WTI xuống dưới 34 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Global Risk Management trụ sở tại Copenhagen cho rằng giá dầu có thể nhanh chóng giảm trở lại do lo ngại về sản lượng dầu của Iran và kinh tế bất ổn tại Trung Quốc, châu Âu và nhiều thị trường mới nổi khác.

Năm 2008, giá dầu hồi phục sau đợt lao dốc khi OPEC giảm sản lượng và Fed phá giá USD bằng chương trình nới lỏng định lượng - trái ngược với diễn biến hiện nay.

OPEC trong Viễn cảnh Dầu thô Thế giới ra hôm thứ Tư 23/12 dự đoán nhu cầu dầu thô của Khối năm 2020 giảm so với năm 2016 khi các đối thủ “kháng cực” tốt hơn dự đoán trong môi trường giá dầu ở mức thấp.

OPEC dự đoán nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô của Khối năm 2020 đạt 30,7 triệu thùng/ngày so với 30,9 triệu thùng/ngày năm 2016 và thấp hơn 1 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện nay.

Nguồn: