Giá dầu quay đầu giảm khi thỏa thuận Arab Saudi-Nga gây thất vọng
03:04 SA @ Thứ Tư - 17 Tháng Hai, 2016

Giới đầu tư tỏ ra hoài nghi về việc thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ giúp phần nào xoa dịu tình trạng thừa cung.

Giá dầu quay đầu giảm khi thỏa thuận Arab Saudi-Nga gây thất vọng

Giá dầu phiên 16/2 giảm khi giới đầu tư cho rằng thỏa thuận đóng băng sản lượng là chưa đủ để giải quyết tình trạng cung vượt cầu vốn khiến giá dầu lao dốc trong nhiều tháng qua.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 3/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 40 cent, tương ứng 1,4%%, xuống 29,04 USD/thùng. Trong phiên có lúc giá chạm 31,53 USD/thùng.

Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,21 USD, tương đương 3,6%, xuống 32,18 USD/thùng. Trong phiên có lúc giá lên 35,55 USD/thùng.

Phiên giao dịch bắt đầu với hy vọng sau khi Arab Saudi, Nga, Venezuela và Qatar đồng ý đóng băng sản lượng. Tin tức này đã giúp giá dầu tăng hơn 6% khi thị trường hy vọng rằng thỏa thuận sẽ giúp kéo giảm tình trạng thừa cung toàn cầu.

Nhưng giá dầu lại giảm về cuối phiên do giới đầu tư tỏ ra hoài nghi sau khi Iran tuyên bố sẽ không tham gia thỏa thuận nêu trên. Sự vắng mặt của Iran khiến thị trường lo ngại rằng sẽ không thể đạt được thỏa thuận nếu không có sự tham gia của tất cả các nước sản xuất chủ chốt, và giới đầu tư lại bán tháo.

Sau nhiều tuần đồn đoán, Nga và Arab Sauđi đã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ bằng việc đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016 với sự nhất trí của Venezuela và Qatar.

Tổng sản lượng dầu thô của 4 nước trên trong tháng 1/2016 đạt 23,75 triệu thùng/ngày, chiếm hơn 25% sản lượng toàn cầu. Kuwait cũng đồng ý tham gia thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhà phân tích và giới đầu tư, thỏa thuận giữ nguyên sản lượng sẽ là không đủ để xoa dịu tình trạng thừa cung vốn khiến giá dầu giảm hơn 70% kể từ tháng 6/2014.

Sản lượng dầu của Nga trong tháng 1/2016 đạt 10,989 triệu thùng, trong khi Arab Saudi là 9,95 triệu thùng.

Iran đang cố gắng bắt kịp 2 nhà “vô địch” và giành lại khách hàng bị mất trong nhiều năm bị trừng phạt. Tuần này, Iran đã xuất khẩu lô dầu đầu tiên sang châu Âu sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Bên cạnh đó, trong khi nguồn cung dầu thô vẫn dồi dào, tăng trưởng nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ như Trung Quốc lại tiếp tục giảm. Do vậy, các yếu tố cơ bản vẫn rất đáng lo ngại và thị trường sẽ diễn biến theo các tin tức về việc cắt giảm sản lượng và nhu cầu, theo một số nhà phân tích.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2016 có thể giảm đáng kể xuống 1,2 triệu thùng/ngày so với 1,6 triệu thùng/ngày năm 2015.

Nguồn: