Giá dầu thế giới neo gần mức cao nhất bốn tháng
03:58 SA @ Thứ Tư - 20 Tháng Ba, 2019

Giá dầu thế giới neo gần ngưỡng cao nhất bốn tháng trong phiên giao dịch ngày 19/3.

Giá dầu chạm mức cao nhất bốn tháng. ảnh: reuters

Sự hưng phấn của thị trường diễn ra giữa lúc xuất hiện những đồn đoán về khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới cuối năm nay.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 6 xu Mỹ, xuống 59,03 USD/thùng, sau khi có thời điểm vào giữa phiên leo lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 là 59,57 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn lại tăng 7 xu Mỹ, lên 67,61 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.

Giá dầu trong phiên này nhận được sự hỗ trợ vào cuối phiên, sau khi Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) công bố dữ liệu cho hay dự trữ dầu thô của nước này giảm 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3, xuống 446,8 triệu thùng. Kết quả này đi ngược với dự báo tăng 309.000 thùng của giới phân tích. Tuy vậy, thị trường vẫn đang chờ đợi báo cáo chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về dự trữ nguồn cung, dự kiến được công bố trong ngày 20/3.

Giá dầu đã tăng 20% kể từ khi OPEC và các nước đồng minh, bao gồm Nga, bắt đầu thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu và vực dậy giá “vàng đen”. Sau cuộc nhóm họp ngắn tại Azerbaijan, OPEC đã quyết định hủy kế hoạch họp như dự kiến vào tháng Tư tới, tạo điều kiện để thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của tổ chức này và các đồng minh sẽ có hiệu lực ít nhất tới tháng Sáu, khi cuộc họp chính sách tiếp theo diễn ra. Ngoài ra, quyết định trì hoãn cũng cho phép các nhà sản xuất đánh giá liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela (hai thành viên của OPEC) sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường dầu trong vài tháng tới.

Trong khi đó, một số nhà phân tích quan ngại rằng, việc trì hoãn cuộc họp vào tháng Tư tới có thể bắt nguồn từ căng thẳng giữa Saudi Arabia, nước đứng đầu OPEC, và Nga, nhà sản xuất dầu lớn nhất nằm ngoài OPEC.

Ngoài ra, việc nguồn cung bị thắt chặt trong những tháng sắp tới có thể khiến giá dầu Brent chênh lệch đáng kể so với mức giá khởi điểm đầu năm nay, điều này đồng nghĩa là giá dầu giao ngay sẽ đắt hơn giá dầu giao kỳ hạn./.

Nguồn: