Giá dầu thế giới tăng mạnh trong tuần qua
02:46 CH @ Thứ Bảy - 22 Tháng Sáu, 2019

Kết thúc tuần giao dịch đầy biến động vừa qua, giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng lần lượt 5% và gần 10%.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng gần 10% trong tuần qua. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Kết thúc tuần giao dịch đầy biến động vừa qua, giá dầu Brent ghi nhận mức tăng khoảng 5%, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong năm tuần qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng gần 10%, mức tăng phần trăm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 12/2016.

Trong khi sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran là yếu tố chủ đạo chi phối đà tăng của giá dầu trong tuần này, giới phân tích cho rằng cuộc họp sắp tới vào đầu tháng Bảy của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh nhằm đánh giá lại mục tiêu sản lượng, triển vọng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu xuống và vụ cháy nghiêm trọng ở nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Bờ Đông nước Mỹ cũng là những yếu tố hỗ trợ giá dầu.

“Vàng đen” đã có một khởi đầu không mấy thuận lợi trong phiên đầu tuần khi giảm hơn 1%, sau khi số liệu kinh tế kém lạc quan của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại nhu cầu dầu trên thế giới sẽ yếu đi.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 5/2019 đã bất ngờ tăng chậm lại mức 5%, mức thấp của hơn 17 năm và thấp hơn so với con số dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó là 5,5%.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch thậm chí đã hạ dự báo giá dầu Brent từ mức 68 USD/thùng xuống 63 USD/thùng trong nửa cuối năm 2019, do triển vọng nhu cầu yếu đi.

Bước sang phiên 18/6, giá dầu thế giới lại đảo chiều tăng mạnh sau khi xuất hiện kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm giải quyết các bất đồng trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm khi hai nước nối lại đàm phán thương mại.

Đà đi lên của giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi tình hình căng thẳng tại Trung Đông sau các vụ tấn công vào một số tàu chở dầu trên vịnh Oman tuần trước và Tehran đưa ra tuyên bố về việc đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 19/6 giá dầu thế giới lại đi xuống bất chấp số liệu cho thấy dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo.

Theo báo cáo Tình hình dầu khí hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ, trừ những sản phẩm trong kho dự trữ dầu khí chiến lược, đã giảm 3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6 so với tuần trước đó.

Trong khi đó, các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến do trung tâm S & P Global Platts thực hiện dự báo rằng dự trữ dầu của Mỹ sẽ chỉ giảm trung bình 2 triệu thùng.

Phiên 20/6, giá dầu quay trở lại đà tăng mạnh, với mức tăng hơn 5% sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Tehran và Washington.

Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau các sự cố xảy ra với hai tàu chở dầu gần eo biển Hormuz, một điểm trung chuyển dầu quan trọng.

Ngoài ra, đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất trong cuộc họp tiếp theo để kích thích tăng trưởng và lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ giảm là những thông tin hỗ trợ thị trường năng lượng.

Phiên cuối tuần, giá dầu tiếp tục nối dài đà khởi sắc khi tăng khoảng 1% do những lo ngại Mỹ có thể tấn công Iran và làm gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông, khu vực chiếm hơn 20% sản lượng dầu thế giới.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent tăng 75 xu Mỹ, hay 1,2% lên 65,20 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 36 xu Mỹ, hay 0,6% và được giao dịch ở mức 57,43 USD/thùng.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela đã ảnh hưởng đến sản lượng và hoạt động xuất khẩu dầu của hai nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Saudi Arabia và OPEC tăng sản lượng để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ Iran.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ OPEC mới đây cho hay các nước sản xuất dầu vùng Vịnh thuộc tổ chức này sẽ duy trì sản lượng dầu thô tháng Bảy trong mức mục tiêu của OPEC, bất chấp thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC và các đồng minh, hay OPEC+, theo kế hoạch sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng Sáu.

Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh chưa sẵn sàng tăng sản lượng và dường như họ muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ sang nửa cuối năm 2019.

OPEC+ đã nhất trí thỏa thuận cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày trong vòng sáu tháng kể từ ngày 1/1/2019.

OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna vào ngày 1/7 để quyết định chính sách sản lượng và cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra trong ngày 2/7.

Tuy nhiên, Nga vẫn chưa cho biết liệu nước này có nhất trí việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên hay không.

Một nguồn tin từ OPEC cho hay Nga hiện là nước duy nhất trong OPEC+ chưa đưa ra quyết định liên quan đến vấn đề này.

Nguồn: