Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên 19/7
02:36 SA @ Thứ Ba - 20 Tháng Bảy, 2021

Giá dầu thế giới phiên 19/7 đã có ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2021, khi lo ngại về khả năng cung cao hơn cầu đã triệt tiêu đà tăng gần đây của giá "vàng đen".

Giá dầu thế giới phiên 19/7 đã có ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2021, với thỏa thuận tăng sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác làm dấy lên lo ngại về thặng dư nguồn cung trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng một lần nữa "đe dọa" ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu năng lượng.

Giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên 19/7. Ảnh: IRNA/TTXVN

Phiên này, giá dầu Brent chốt ở mức 68,62 USD/thùng, sau khi giảm 4,97 USD (tương đương 6,8%).

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2021 hết hạn vào thứ Ba (20/7) chốt ở mức 66,42 USD/thùng, lùi 5,39 USD (7,5%). Giá dầu WTI giao tháng 9/2021 cũng để mất 5,21 USD xuống 66,35 USD/thùng.

OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn được gọi là OPEC+), đã đạt được một thỏa hiệp vào ngày Chủ nhật để tăng nguồn cung dầu từ tháng Tám nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” - vốn đã đạt mức cao nhất trong hơn hai năm vào tháng này.

Ông John Kilduff, một đối tác của công ty môi giới đầu tư Again Capital cho biết thị trường vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt đáng kể về nguồn cung so với nhu cầu.

Nhưng hiện tại, số thùng dầu bổ sung được coi là đủ lớn để kéo lùi thậm chí triệt tiêu đà tăng gần đây của giá dầu.

Một số ngân hàng lớn đã lập luận rằng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi, với Goldman Sachs ngày 19/7 nhắc lại rằng giá dầu vẫn có nhiều khả năng tăng.

Goldman Sachs cho biết thỏa thuận OPEC+ phù hợp với quan điểm của họ rằng các nhà sản xuất nên tập trung vào việc duy trì một thị trường vật chất chặt chẽ, đồng thời hướng tới nâng cao năng lực sản xuất trong tương lai và loại bỏ các khoản đầu tư cạnh tranh”.

Tuy nhiên, thỏa thuận của OPEC đã loại bỏ nhiều hạn chế nguồn cung - vốn là nền tảng nâng đỡ của thị trường trong một năm trở lại đây. Hiện tại, OPEC+ đang cắt giảm khoảng 5,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Dự kiến, mức cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ sẽ chỉ còn 3,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm.

Đà phục hồi kéo dài suốt năm qua của thị trường dầu đã đình trệ trong hai tuần vừa rồi. Với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới, các quỹ đầu tư đã bán tháo lượng nắm giữ trên nhiều nhóm tài sản rủi ro, bao gồm cả cổ phiếu và đồng USD.

Hiện vẫn chưa rõ biến thể Delta sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu như thế nào khi các số liệu khá trái chiều. Lượng tiêu thụ dầu tại Mỹ, thị trường tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới, đã tăng đều đặn trong những tuần gần đây. Nhưng Ấn Độ, thị trường lớn thứ ba toàn cầu, đã cắt giảm nhập khẩu dầu do cung vượt cầu và lo ngại nhu cầu giảm./.

Nguồn: