IEA đưa ra dự báo toàn cảnh ngành năng lượng thế giới đến 2030-2040
01:56 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Mười, 2020

Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA công bố báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới 2020 (WEO) trong đó dự báo thị trường dầu mỏ thế giới sẽ mất nhiều thời gian phục hồi hơn sau cú sốc Covid-19 cùng với mức tăng trưởng nhu cầu thấp hơn.

iea dua ra du bao toan canh nganh nang luong the gioi den 2030 2040

Tùy vào tình hình diễn biến dịch bệnh và tiến trình tìm ra vaccine chống Covid-19 hiệu quả, IEA đưa ra 2 kịch bản:

Kịch bản khả quan (Stated Policies Scenario) dự báo kinh tế phục hồi vào năm 2021, thị trường dầu mỏ phục hồi vào năm 2023 sau khi sụt giảm 8% trong năm 2020 và đạt đỉnh tiêu thụ vào năm 2030-2040 (WEO 2019 không xác định thời điểm) quanh mức 103-104 triệu bpd, thấp hơn khoảng 2 triệu bpd so với dự báo 2019.

Theo kịch bản xấu (Delayed Recovery Scenario), ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài dẫn đến suy giảm kinh tế thế giới 10%, phục hồi nhu cầu dầu thô sẽ diễn ra vào năm 2025.

iea dua ra du bao toan canh nganh nang luong the gioi den 2030 2040

Mặc dù có triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ thấp, ngành dầu khí toàn cầu vẫn phải đối mặt với thách thức tăng chi phí đầu tư cơ bản để đảm bảo bù đắp sản lượng sụt giảm tại các mỏ đang dần cạn kiệt. Ước tính sau năm 2030, chi phí đầu tư hàng năm sẽ lên tới 390 tỷ USD/năm. IEA cũng dự báo giá dầu thế giới sẽ tăng lên mức 71 USD/thùng vào năm 2025, năm 2030 - 76 USD/thùng và 80 USD/thùng vào năm 2040 - khuyến khích tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực downstream. Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới đến năm 2040, tuy nhiên vai trò của dầu khí đá phiến sẽ giảm dần, trong khi OPEC phải đối mặt với khó khăn về tăng trưởng nguồn cung trong dài hạn từ phía Nigeria, Iraq và Angola do các quốc gia này đang bị ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng giá dầu dẫn đến cắt giảm đầu tư.

Liên quan đến khí đốt, IEA dự báo nhu cầu năm 2020 sẽ chỉ giảm 3% và sau đó nhanh chóng phục hồi, tăng 15% so với mức 2019 vào năm 2030, lên tương đương 4,6 nghìn tỷ m3/năm. Nhu cầu khí đốt bị ảnh hưởng ít hơn dầu thô và than trong khủng hoảng, chủ yếu giảm trong sản xuất công nghiệp và phát điện (-4%), nhưng bù lại tăng trong tiêu thụ các hộ gia đình. Trong dài hạn, đến 45% tăng trưởng nhu cầu khí thế giới tập trung vào hai thị trường chính - Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp đến là Trung Đông và Đông Nam Á. Nhu cầu thị trường châu Âu dự báo không quay trở lại mức 2019 và sẽ giảm 8% vào năm 2030, bất chấp chiến lược thay thế điện than và hạt nhân bằng điện khí do tỷ lệ năng lượng tái tạo, hydro dự báo tăng mạnh. Trong ngắn hạn, Gazprom dự báo dư thừa nguồn cung khí đốt tại EU tiếp tục kéo dài trong năm 2021, cạnh tranh giữa khí đường ống và LNG ngày càng khốc liệt.

IEA cho biết, với chi phí lắp đặt ngày càng giảm, điện mặt trời sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo toàn cầu trong giai đoạn 2022-2040. Trong kịch bản STEPS, sản lượng điện mặt trời vào năm 2040 sẽ đạt 4.813 tỷ KWh, cao hơn tổng sản lượng điện gió là 4.019 tỷ KWh. Còn trong kịch bản SDS, sản lượng điện mặt trời hàng năm sẽ tăng mạnh lên 8.135 tỷ KWh vào năm 2040. Tuy nhiên IEA cảnh báo, sự gia tăng của năng lượng tái tạo sẽ đối mặt với thách thức truyền tải khi mạng lưới điện toàn cầu có thể là “mắt xích yếu” trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhu cầu đầu tư cho các đường dây truyền tải và phân phối mới trong thập kỷ tới sẽ cao hơn 80% so với hiện nay. Nhu cầu này đến đúng vào thời điểm các công ty tiện ích năng lượng toàn cầu đang phải vật lộn với tình hình hoạt động suy giảm do đại dịch và tài chính khó khăn. Việc chênh lệch lớn giữa các quốc gia có/không có đủ khả năng chi trả cho việc nâng cấp mạng lưới điện cũng là một thách thách không nhỏ.

iea dua ra du bao toan canh nganh nang luong the gioi den 2030 2040

Nguồn: