IEA: Trung Đông vẫn là trung tâm của công nghiệp dầu mỏ toàn cầu
03:04 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Mười Một, 2013

Báo cáo mới công bố hôm 12/11 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tiếp tục khẳng định, đến năm 2015, Mỹ sẽ vượt qua Saudi Arabia và Nga để trở thành nước khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới và chỉ trong hai thập niên tới, Washington sẽ trở thành nước tự túc về năng lượng.

Một giàn khoan dầu đá phiến ở North Dakota, Mỹ

Báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới năm 2013 của IEA cho biết, trong 10 năm tới, thành công của Mỹ và Canada trong việc khai thác đá phiến dầu và hoạt động khoan dầu nước sâu của Brazil sẽ làm giảm vai trò của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Tuy nhiên, vị thế nước khai thác dầu hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ chấm dứt vào giữa những năm 2020 khi nguồn dầu giảm đi ở các mỏ đá phiến dầu đang được khai thác tại các bang North Dakota và Texas. Khi đó, các quốc gia Trung Đông – các thành viên nòng cốt của OPEC sẽ cung ứng hầu hết sự gia tăng nguồn cung dầu của toàn cầu.

“Trung Đông đã và sẽ vẫn là trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu trong nhiều năm tới”, nhà kinh tế trưởng của IEA, ông Fatih Birol khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo: “Đưa ra các tín hiệu sai cho các nhà sản xuất Trung Đông có thể làm trì hoãn đầu tư vào khu vực này. Nếu chúng ta muốn có dầu của Trung Đông vào những năm 2020, các khoản đầu tư cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ”.

Trong báo cáo, IEA nói Mỹ đang từng bước "hướng tới việc đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng bằng nguồn dầu trong nước vào năm 2035." Tự túc về năng lượng từ lâu vẫn là mục tiêu của các nhà lãnh đạo Mỹ.

Trên khắp thế giới, IEA cho biết nhu cầu về năng lượng sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi các nền kinh tế mới nổi, và rằng, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030. Báo cáo cho biết Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông sẽ đẩy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng lên một phần ba.

Tuy nhiên IEA nói việc đảm bảo năng lượng trên toàn thế giới đang bị xói mòn vì giá cao, với giá dầu trung bình hơn 110USD/thùng kể từ năm 2011.

Giám đốc điều hành của IEA, bà Maria van der Hoeven, nói rằng "khoảng thời gian dài giá dầu tăng cao như vậy trước nay chưa từng có”. Nhưng cơ quan này dự đoán giá dầu thậm chí sẽ còn cao hơn nữa, lên tới 128USD/thùng vào năm 2035.

IEA nói mặc dù giá dầu là "tương đối đồng đều" trên toàn thế giới, giá khí thiên nhiên lại rất chênh lệch. Với sản lượng khí đốt lớn ở Mỹ, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ trả ít hơn nhiều so với ở châu Âu và Nhật Bản, nơi mà phần lớn nhiên liệu phải nhập khẩu.

Nguồn: