Indonesia sẽ tái gia nhập OPEC
02:00 SA @ Thứ Tư - 02 Tháng Mười Hai, 2015

Indonesia sẽ trở lại là thành viên thứ 13 của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào tháng Mười Hai tới, sau gần 7 năm ngừng tham gia. Quốc gia này được cho là sẽ kết nối OPEC với khu vực châu Á, nơi có nhu cầu lớn và tăng cực nhanh.

Indonesia muốn trở lại OPEC với mục đích hồi sinh ngành công nghiệp năng lượng. (Nguồn: Fuel Fix)

Đôi bên cùng có lợi

Nói về sự kiện này, từ hồi tháng sáu, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Sudirman Said nói rằng, Indonesia coi việc trở lại OPEC là một hành động đôi bên cùng có lợi. Như một quốc gia đồng thời là nhà sản xuất và người tiêu dùng, nó có thể đem lại cho OPEC một “đường ống” kết nối hai đầu của thị trường dầu mỏ.

Indonesia tin tưởng, bước đi này sẽ không những đảm bảo quyền dễ dàng truy cập vào nguồn cung dầu thô lớn nhất thế giới, mà còn nhắm đến mục tiêu thu hút thêm được các nhà đầu tư quốc tế, giúp hồi sinh ngành công nghiệp năng lượng trong nước. Dự án xây dựng nhà máy lọc dầu mà Indonesia hợp tác cùng Saudi Arabia là một trong những dự án như vậy.

Tháng 10/2014, Indonesia đã từ bỏ mục tiêu bảo toàn sản lượng 1 triệu thùng/ngày. Kể từ giữa những năm 1990 đến nay, sản lượng dầu thô của Indonesia đã giảm hơn 50% vì dòng vốn đầu tư chuyển sang các lĩnh vực mới sau khi thủ tục cấp phép đầu tư nước ngoài được đơn giản hóa.

Trước khi rời OPEC năm 2008, Indonesia là thành viên duy nhất đến từ châu Á của tổ chức này kể từ năm 1962.

Giải pháp bất đắc dĩ

Việc kết nạp thêm hay giảm bớt số lượng thành viên không phải là điều OPEC chưa từng làm. Năm 2007, Ecuador quay trở lại OPEC sau khi rời bỏ vào năm 1992. Năm 1995, Gabon ra đi và chưa thông báo bất cứ kế hoạch nào về việc quay trở lại. Indonesia sẽ là trường hợp tiếp theo có mong muốn quay trở lại OPEC.

Tuy nhiên, theo Báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 13/11, trong năm nay, Indonesia sẽ sản xuất khoảng 850.000 thùng/ngày. Trong khi đó, năm 2014, nước này đã tiêu thụ lượng dầu gần gấp đôi con số này. Nếu được gia nhập lại OPEC, Indonesia sẽ là 1 trong 4 nước có sản lượng dầu mỏ thấp nhất trong tổ chức chỉ nhiều hơn Libya, Ecuador và Qatar. Năm ngoái, Indonesia đã nhập khẩu 13 tỷ USD dầu mỏ. Vì vậy, quốc gia này được coi như một sự bổ sung khác biệt trong nhóm toàn các nước xuất khẩu loại sản phẩm đặc biệt này.

Vậy đối với OPEC, họ được gì khi tái kết nạp Indonesia? Tại sao tổ chức này lại kết nạp một thành viên sẽ nhận được nhiều lợi ích từ giá giảm - trong khi vai trò như một “đường ống” kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng của Indonesia chưa hoàn toàn rõ ràng và vẫn có điều gì đó mâu thuẫn với sứ mệnh là nguồn cung dầu mỏ của OPEC?

Theo bình luận của giới chuyên gia, lợi ích dầu tiên mà Indonesia mang lại cho OPEC là giúp nhóm này có thể nâng mức mục tiêu sản lượng lên 31 triệu thùng/ngày, so với mức 30 triệu thùng đã được duy trì trong suốt 4 năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế sản lượng của nhóm sẽ chẳng có gì thay đổi. OPEC chỉ coi trọng mục tiêu mang tính sổ sách này trong 4 tháng đầu tiên công bố. Bởi theo IEA, chỉ trong tháng mười, 12 quốc gia thành viên hiện tại đã khai thác tới 31,8 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, Indonesia được coi là một giải pháp “bất đắc dĩ” cho mối bất đồng về việc bổ nhiệm Tổng thư ký OPEC mới đã tồn tại nhiều năm qua. Tổ chức OPEC đã phải kéo dài nhiệm kỳ của ông Abdalla El-Badri (người Lybia) thêm 3 năm (nhiệm kỳ của ông này đã kết thúc vào năm 2012), vì các nước khác trong Tổ chức cực lực phản đối những ứng viên đến từ Saudi Arabia, Iran hay Iraq.

Kể từ năm 1961 đến trước khi rời khỏi OPEC, người Indonesia đã có 4 lần làm Tổng Thư ký OPEC. Đây sẽ là một lựa chọn trung lập bên cạnh những lựa chọn đều đến từ Trung Đông.

Nguồn: