Khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất
02:50 SA @ Thứ Hai - 21 Tháng Mười, 2013

Việc Trung Quốc vượt Mỹ trong nhập khẩu dầu mỏ sẽ tác động đến quan hệ chính trị, quân sự Mỹ-Trung và vai trò Trung Quốc tại Trung Đông.

Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Các số liệu được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố trung tuần tháng 10 cho biết lượng dầu mỏ nhập khẩu ròng của Mỹ và Trung Quốc trong tháng 9 tương ứng là 6,24 triệu thùng/ngày và 6,3 triệu thùng/ngày. EIA dự báo rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu vượt Mỹ vào tháng 10/2013 về số lượng dầu mỏ nhập khẩu ròng từng tháng và từ năm 2014 về số lượng dầu mỏ nhập khẩu ròng cả năm. Bỏ qua các dự báo, giới phân tích cho rằng lượng dầu thô nhập khẩu ròng của Trung Quốc tăng trong tháng 9 là do tăng trưởng kinh tế khá, thị trường ô tô trong nước thuận lợi, tiến độ đô thị hóa nhanh và thu nhập cá nhân tăng.

Theo Wall Street Journal, trong 6 tháng đầu năm 2013, Trung Quốc là nước nhập nhiều dầu thô nhất từ khối Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với 3,7 triệu thùng/ngày, so với Mỹ nhập 3,5 triệu thùng/ngày. Ấn Độ là nước nhập dầu đứng thứ ba với 3,4 triệu thùng/ngày. Năm 2004, Mỹ nhập 5 triệu thùng/ngày từ OPEC và Trung Quốc 1,1 triệu thùng/ngày.

Mỹ vẫn là nước nhập khẩu dầu đứng đầu thế giới nhưng từ nhiều nguồn khác nhau. Trung Quốc sẽ sớm nhập khẩu nhiều dầu lửa hơn từ Vịnh Pêcxich so với mức Mỹ nhập khẩu năm 2001. Theo EIA, Mỹ vẫn sẽ là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới trong năm tới với khoảng 18,7 triệu thùng/ngày, trong khi mức tiêu thụ của Trung Quốc vào khoảng 11 triệu thùng/ngày.

Hạm đội 5 của Mỹ đảm nhiệm bảo vệ đường biển qua Vịnh Pêcxich có sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm
cho hải quan Trung Quốc tại Vùng Vịnh không?

Cho đến cuối những năm 1990, Trung Quốc chỉ cần dựa vào nguồn cung nội địa, chủ yếu là mỏ Đại Khánh. Tuy nhiên, sự bùng nổ phát triển kinh tế trong những năm gần đây đã khiến tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc vượt xa năng lực khai thác, trong khi sản lượng từ các mỏ hiện tại đang dần cạn kiệt. Điều này đã khiến Bắc Kinh phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt, nhất là từ Ảrập Xêút và Iran.

Sức tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng khá nhanh do cơ cấu tiêu thụ năng lượng đang thay đổi và quá trình công nghiệp hóa. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ đã giảm dần trong những năm gần đây và sức tiêu thụ xăng dầu đã đạt đỉnh. Các đột phá về công nghệ trong khai thác dầu khí đã làm tăng mạnh sản lượng tại Mỹ. Ngược lại, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ nhập khẩu đã tăng dần từ 32% trong những năm đầu thế kỷ 21 tới mức 57% hiện nay. Trung Quốc trong tương lai sẽ trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất, song không ước định chính xác khi nào điều này sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc truyền thông nhận định Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới dựa trên số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) là có phần hơi quá. Wang Zhen, Phó Giám đốc Viện Chiến lược Năng lượng Trung Quốc thuộc trường Đại học Dầu mỏ Trung Quốc, giải thích: “Lượng dầu mỏ nhập khẩu ròng của Trung Quốc trong tháng trước đã vượt Mỹ là do các yếu tố thời vụ ở mức độ nào đó, và không thể hiện cho xu hướng trong suốt cả năm”.

Tác động chính trị và quân sự

Phương Tây thường xuyên chỉ trích Trung Quốc không đóng góp xứng đáng cho Trung Đông. Họ cho rằng Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn từ Trung Đông, nhưng trên thực tế vẫn phụ thuộc vào Mỹ trong việc bảo vệ sự ổn định tại Trung Đông và an ninh của tuyến đường biển từ vùng Vịnh tới bờ biển phía Đông của Trung Quốc qua Eo biển Hormus, Ấn Độ Dương và Eo biển Malacca. Họ còn cho rằng Trung Quốc nên đầu tư nhiều hơn vì Mỹ sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Trung Đông.

Việc Trung Quốc trở thành nước mua dầu chủ yếu từ Trung Đông tạo ra một số vấn đề hóc búa đối với cả Trung Quốc và Mỹ. Đối với Trung Quốc, điều này có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào dầu lửa nhập khẩu từ một khu vực do Mỹ kiểm soát về quân sự. Khi các tàu chở dầu đi qua Vịnh Pêcxich, Trung Quốc phải dựa vào Hạm đội 5 của Mỹ bảo vệ khu vực này.

Đối với Washington, việc Trung Quốc tiêu thụ nhiều năng lượng biện minh cho việc nước này tăng chi tiêu quân sự, trong khi nhiều người Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược và thường không đứng về phía Mỹ trong các vấn đề quốc tế.

Các dấu hiệu căng thẳng bắt đầu xuất hiện. Bắc Kinh đã đề nghị Washington bảo đảm rằng Mỹ sẽ duy trì an ninh ở vùng Vịnh, vì Trung Quốc chưa đủ sức mạnh quân sự để làm công việc này. Trong các cuộc thương lượng từ năm ngoái, các quan chức Trung Quốc liên tục đề nghị Mỹ tiếp tục đảm bảo cam kết an ninh đối với khu vực.

Đổi lại, Mỹ gây sức ép để Trung Quốc ủng hộ nhiều hơn lập trường Mỹ trong vấn đề Syria và Iran. Các quan chức Mỹ phàn nàn rằng tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cản trở các hành động cứng rắn của Mỹ trong vấn đề Syria. Các quan chức Mỹ của chính quyền trước và chính quyền hiện nay đã nói với phía Trung Quốc rằng để bảo đảm ổn định con đường vận chuyển năng lượng từ Trung Đông, Mỹ cần Trung Quốc hợp tác hơn nữa.

Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói: “Mỹ đã đầu tư thời gian, năng lực và vật chất cho một hệ thống thế giới. Trung Quốc đang trở thành một cường quốc toàn cầu nhưng chẳng đầu tư gì cho việc tạo ra một hệ thống thế giới cả”.

Mỹ có những lợi ích khác trong việc duy trì sự hiện diện tại khu vực, bao gồm bảo vệ Israel và bảo vệ các con đường vận chuyển năng lượng cho các nước đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mỹ đã chi phối an ninh Vùng Vịnh từ những năm 1970, sau khi Anh rút khỏi khu vực này. Những năm gần đây, Mỹ bán vũ khí cho các đối tác khu vực, như Ảrập Xêút, để các nước này chia sẻ trách nhiệm an ninh. Các nước đồng minh của Mỹ cũng tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực: năm 2009, Pháp mở một căn cứ tại các nước Tiểu vương quốc Ảrập; năm 2011, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản mở một căn cứ tại Djibouti để bảo vệ đường biển.

Năng lực của Trung Quốc thực thi sức mạnh tại Vùng Vịnh còn hạn chế. Trung Quốc không có sức mạnh quân sự hay kinh nghiệm để kiểm soát có hiệu quả các khu vực xung đột hoặc các con đường chuyên chở dầu ở Trung Đông. Trung Quốc có đóng góp một đội tàu nhỏ dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc để bảo vệ các tuyến đường biển tại biển Ảrập.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ và phương Tây có sẵn sàng hoan nghênh sự dính líu quân sự lớn hơn của Trung Quốc tại Trung Đông hay không, vì điều có thể thách thức vai trò của Mỹ tại khu vực. Nói chung, Trung Quốc mong muốn đóng góp hơn nữa cho Trung Đông mặc dù hiện nay vai trò của nước này còn hạn chế do Mỹ và phương Tây vẫn chi phối khu vực này./.

Nguồn: