Khủng hoảng tại Ukcraine, Nga chuyển hướng các thương vụ năng lượng sang châu Á
02:18 SA @ Thứ Ba - 08 Tháng Tư, 2014

Amid Ukraine Crisis, Russia Pursues Energy Deals With AsiaIgor Sechin, CEO của Rosneft, trong chuyến thăm tới Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam. Ảnh: Wikimedia Commons

(VINPA) - Trong bối cảnh khủng hoảng với phương Tây sau vụ sáp nhập Crưm, Nga đang nỗ lực mở rộng xuất khẩu năng lượng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo giới truyền thông Ấn Độ, đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin đồng thời là CEO của Rosneft, ông Igor Sechin đã dẫn đầu đoàn đại biểu gồm 12 quan chức tới Ấn Độ vào tuần trước. Họ đã có cuộc gặp với tân Bộ trưởng Dầu mỏ của Ấn Độ, ông Saurabh Chandra.

Hãng Press Trust India cho biết Rosneft đã cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) tham gia mua cổ phần tại 10 lô dầu và khí ngoài khơi. Chín trong số mười mỏ này thuộc biển Barent trong khi mỏ còn lại nằm tại Biển Đen.

“Ấn Độ rất quan trọng với Nga …Chúng tôi muốn mở rộng hợp tác với quốc gia này,” Sechin chia sẻ với Press Trust India. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đang xem xét việc cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tại đây.”

Hiện tại, Ấn Độ không thường xuyên nhập dầu thô từ Nga, chỉ đôi khi nhập nhưng với số lượng rất ít từ một dự án của ONGC ở vùng Viễn Đông của Nga. ONGC cũng đang nghiên cứu đề nghị trước đó của Rosneft khi công ty này ngỏ ý muốn giúp ONGC khai thác hai lô Magadan 2 và Magadan 3 ở phía Bắc biển Okhotsk.

Một trong những rào cản lớn nhất cho hợp tác năng lượng giữa Ấn Độ và Nga - đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ - là thiếu cơ sở hạ tầng để vận chuyển dầu thô. Một quan chức Ấn Độ cho hay Nga và Ấn đã quyết định lập một nhóm cộng tác để khai thác các đường ống đang xây dựng cho mục đích trên. Có lẽ, các đường ống sẽ phải rất dài và chạy ngang qua nhiều quốc gia, tuy nhiên điều này có thể sẽ hạn chế tính sinh lời của chúng. Trên thực tế, Delhi đã từ chối 5 trong số 10 lô dầu được Nga mời thầu vì cho rằng chúng không khả thi về mặt kinh tế.

Chuyến thăm của Sechin đến New Delhi diễn ra sau một chuyến đi tương tự tới Tokyo vào tuần trước để tham dự Diễn đàn đầu tư Nga-Nhật lần thứ sáu. Trong thời gian ở Tokyo, Sechin đã tìm cách thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản bằng các giao dịch kinh tế tiềm năng trị giá hàng tỷ đô la giữa Nhật Bản và Rosneft.

"Viễn cảnh mở rộng hợp tác song phương là rất lớn," ông Sechin cho biết. "Theo ước tính của chúng tôi, đó có thể là các giao dịch trị giá hàng chục và thậm chí hàng trăm tỷ đô với Rosneft." Sechin cũng giải thích điều đó khi trò chuyện với các nhà đầu tư Nhật Bản: "Chúng tôi không chỉ quan tâm tới việc thu hút đối tác ở một số dự án nhất định. Chúng tôi còn sẵn sàng xem xét đầu tư vào tất cả các dây chuyền công nghệ: đầu ra, cơ sở hạ tầng, lọc dầu và chuyên chở năng lượng "

Đáng chú ý, Sechin đã phát biểu quan điểm này tại Tokyo ngay sau khi Nhật Bản - khác với Ấn Độ - thông báo rằng sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì căng thẳng ở Ukraine.

Không giống như Ấn Độ, Nga đã có mối quan hệ năng lượng khá bền chặt với Nhật Bản và gần như chắc chắn mối quan hệ này sẽ phát triển trong những năm tới do nhu cầu năng lượng ngày càng lớn của Tokyo và do thực tế rằng sự ấm lên ở Bắc Cực sẽ giảm bớt khó khăn khi khai thác dầu. Theo Russia Today, năm ngoái Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Nga với kim ngạch thương mại song phương đạt gần 33 tỷ USD. Năng lượng chiếm một phần đáng kể, chỉ tính riêng Rosneft đã mang lại 10% trong con số trên.

Một số hãng truyền thông khác nhận định rằng Sechin cũng sẽ đến thăm Hàn Quốc và Việt Nam trong tương lai gần trong một nỗ lực để khởi động xuất khẩu năng lượng tới hai quốc gia trên. Hàn Quốc, cũng như Nhật Bản, là một quốc gia Đông Bắc Á khát năng lượng và có vị trí đủ gần với vùng Viễn Đông của Nga để thiết lập một mối quan hệ năng lượng bền vững. Điều này càng khả thi nếu Moscow có thể nhận được sự chấp thuận của cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên để lắp đặt đường ống vận chuyển dầu và khí tự nhiên sang Hàn Quốc thông qua Bắc Triều Tiên.

Việt Nam, mặt khác, cũng là thị trường hấp dẫn đối với Nga bởi một số nguyên nhân. Đầu tiên, phải nói rằng Nga và Việt Nam đã đặt mối quan hệ ngoại giao từ rất lâu. Hơn nữa, bờ biển của Việt Nam có thể dễ dàng kết nối với các cảng ở vùng Viễn Đông của Nga. Vì lý do đó, Nga xem Việt Nam không chỉ là một đối tác năng lượng hấp dẫn mà còn là cửa ngõ cho hàng xuất khẩu của Nga sang các quốc gia Đông Nam Á khác. Sử dụng Việt Nam như một hành lang bước vào thị trường Đông Nam Á sẽ giúp xuất khẩu năng lượng của Moscow không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc; điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga.

Sechin đã không giấu giếm khi nói rằng các chính sách ngoại giao về dầu mỏ gần đây của ông tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được thúc đẩy một phần bởi những căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây, Ukraine nói chung và Crưm nói riêng. Về cơ bản, Nga đang tìm kiếm đối trọng với phương Tây bằng cách chỉ ra rằng ngay cả khi Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt quá gay gắt đối với Moscow,ngoài châu Âu,Nga vẫn có những thị trường xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên khác.

Điều đó cho thấy, bất chấp những căng thẳng hiện tại với phương Tây về tình hình Ukraine, Nga vẫn đang trong quá trình tái định hướng vị thế năng lượng tại châu Á do sự tăng trưởng nhu cầu ở khu vực này cùng với sự suy giảm nhu cầu có thể xảy ra ở châu Âu trong vài thập kỷ tới. Thật vậy, chuyến đi của Sechin tới châu Á không phải chỉ do căng thẳng với phương Tây mà đã nằm trong kế hoạch của ông trong mục tiêu tái định hướng. Có thể thấy rõ điều này bởi Rosneft đã mời Ấn Độ tham gia mua cổ phần tại 10 lô dầu và khí đốt ngoài khơitrước cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tại Crưm.

Nguồn: