Mỹ gặp khó trong việc hiện thực hóa mục tiêu trừng phạt nhằm vào Iran
01:02 SA @ Thứ Năm - 01 Tháng Mười Một, 2018

Chưa đầy một tuần nữa là lệnh trừng phạt đối với ngành xuất khẩu dầu của Mỹ nhằm vào Iran có hiệu lực.

Mục tiêu của Mỹ kêu gọi các nước cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran về mức bằng 0 vẫn còn con đường dài để thực hiện hóa, khi chỉ còn vài ngày trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, Iran vẫn xuất khẩu một số lượng lớn dầu.

Mỹ trước đó yêu cầu ngày 4/11 là hạn chót để các nhà nhập khẩu dầu thế giới chấm dứt hoàn toàn các hoạt động mua bán với Iran, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Với yêu cầu của Mỹ, lượng xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống 1/3 trong 5 tháng qua, nhưng vẫn đạt mức khoảng 1,7 triệu đến 1,9 triệu thùng dầu/ngày dầu vào tháng 9.

my gap kho trong viec hien thuc hoa muc tieu trung phat nham vao iran hinh 1
Ảnh minh họa (Reuters).

Trước khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, nguồn cung của nước này là 2,68 triệu thùng/ngày. Theo các chuyên gia phân tích, lượng xuất khẩu dầu thô và dầu thô siêu nhẹ của Iran trong tháng 10 sẽ tương tự với mức tháng 9. Tuy nhiên, số lượng sẽ giảm trong tháng 11 khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực.

“Tôi nghĩ các tác động do biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ cảm nhận rõ ràng trong vài tuần tới vì vẫn có những nước vẫn tiếp tục mua dầu của Iran đến phút cuối cùng” - Chuyên gia Vandana Hari - người sáng lập công ty nghiên cứu Vanda Insight nhận định.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Khi các biện pháp trừng phạt chính thức có hiệu lực, nhiều nước sẽ bắt đầu giảm lượng dầu nhập khẩu của Iran. Tôi nghĩ tháng 11 này có thể là tháng quyết định để xác định xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm bao nhiêu và phản ứng của thị trường cùng như các nước xuất khẩu dầu OPEC.”

Các chuyên gia phân tích dự đoán thiệt hại đối với ngành xuất khẩu dầu của Iran khoảng từ 1 triệu đến 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Mặc dù số lượng dầu bán ra giảm, nhưng mục tiêu mà Mỹ đặt ra yêu cầu các nước giảm nhập khẩu dầu thô của Iran bằng 0 dường như còn một con đường dài để thực hiện hóa.

Theo các chuyên gia phân tích, điều quan trọng là 5 khách hàng lớn của Iran bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ chấm dứt mua dầu của Iran. Cùng với Trung Quốc và Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia như Tây Ban Nha, Hi Lạp, Italia và Nhật Bản vẫn tiếp tục mua dầu thô của Iran. Chính quyền Tổng thống Mỹ cũng vẫn cho phép một số nước tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran với số lượng giới hạn.

Bên cạnh sự ủng hộ của các nước, Iran cũng đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ ngành xuất khẩu dầu của nước này. Phó Tổng thống Iran Es'haq Jahangiri ngày 30/10 tuyên bố nước này đã sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ông Es'haq Jahangiri khẳng định, dù sản lượng xuất khẩu dầu mỏ có giảm sút vài nghìn thùng mỗi ngày, Iran vẫn quyết tâm duy trì con số này ở mức tối thiểu 1 triệu thùng/ngày.

Một tuần trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, Iran đã áp dụng thực hiện thương mại điện tử trong việc bán dầu. Lợi thế của việc giao dịch qua sàn điện tử trong điều kiện bị áp đặt lệnh trừng phạt là khách hàng có thể mua dầu qua môi giới trung gian mà không phải là mua trực tiếp từ Công ty dầu quốc gia Iran (NIOC).

Iran cũng bắt đầu bán dầu cho các đối tác tư nhân, cung cấp các điều kiện thuận lợi cho các đối tác và lưu trữ dầu trên các tàu chở dầu trên biển. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 30/10 cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với trật tự thế giới, đồng thời kêu gọi các nước tiếp tục ủng hộ Iran.

“Mỹ có thể trừng phạt các nước khác khi chính họ không tuân thủ luật ư?” - Ngoại trưởng Iran nói. “Biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với trật tự thế giới trong tương lai và đó là lí do tất cả các nước, bao gồm những quốc gia láng giềng của Iran, châu Âu và các quốc gia khác vẫn đang chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ.”

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Iran có hiệu lực trong tháng này nhiều khả năng sẽ gây sức ép lên nguồn cung dầu toàn cầu và đẩy giá dầu lên cao. Một số nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng đối với ngành xuất khẩu dầu của Iran phụ thuộc nhiều vào hành động của hai đối tác chính là Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngoài ra, bất chấp cảnh báo trừng phạt của Mỹ, các nước châu Âu cũng đang nỗ tạo ra một khung pháp lý để tạo thuận lợi về thanh toán, cho phép các công ty EU tiếp tục giao dịch với Iran theo luật pháp châu Âu. Vì vậy, giới quan sát vẫn cho rằng, lượng bán dầu của Iran có thể sụt giảm so với mức 2,8 triệu thùng trong năm nay, nhưng với giá dầu được đẩy cao hơn có thể đủ để giúp Iran "tồn tại”./.