Mỹ vẫn bị tổn thương nếu nguồn cung dầu gián đoạn
03:30 SA @ Thứ Tư - 26 Tháng Mười Hai, 2018

Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới trong năm nay, vượt qua Saudi Arabia và Nga, đồng thời muốn xuất khẩu các nguồn năng lượng và các công nghệ liên quan ra thị trường quốc tế.

Sản xuất dầu thô của Mỹ. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo khi còn đang là nhà nhập khẩu ròng, Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu và sự thao túng thị trường, do đó "kỷ nguyên độc lập về năng lượng" của nước này vẫn chưa tới.

Sản lượng dầu thô của Mỹ, đặt biệt là dầu thô ngọt nhẹ, tăng nhanh kể từ năm 2011. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), sản lượng dầu thô của Mỹ lần đầu tiên trong hai thập niên qua đã vượt Saudi Arabia trong tháng 2/2018. Trong tháng Sáu và tháng Tám, Mỹ vượt Nga lần đầu tiên kể từ tháng 2/1999.

EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt mức trung bình 10,7 triệu thùng/ngày năm 2018, tăng từ 9,4 triệu thùng/ngày năm 2017, trước khi vọt lên 11,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Cơ quan này ước tính sản lượng của Mỹ sẽ vẫn vượt Nga và Saudi Arabia trong năm 2019, tiếp tục là nước sản xuất lớn nhất thế giới.

EIA cho rằng sự suy giảm giá dầu hồi giữa năm 2014 đã buộc các nhà sản xuất Mỹ cắt giảm chi phí và tạm thời hạn chế sản lượng. Tuy nhiên, sau khi giá dầu tăng trở lại vào đầu năm 2016, đầu tư và sản lượng bắt đầu tăng vào cuối năm này.

Cùng với việc sản lượng tăng, xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng tăng đều đặn trong năm 2018. Lần đầu tiên kể từ khi năm 1991, lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Mỹ đã vượt khối lượng nhập khẩu trong tuần 24/11-30/11.

Trong tuần đó, Mỹ xuất khẩu mức kỷ lục ước 3,2 triệu thùng dầu thô và 5,8 triệu thùng các sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày. Theo EIA, điều này cho thấy trong dài hạn, Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu dầu thô đồng thời gia tăng xuất dầu thô cũng như các các sản phẩm dầu mỏ.

Tại Hội nghị năng lượng thường niên cấp cao (CERAWeek) năm nay, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cho biết nước này đang cố gắng đảm bảo an ninh năng lượng vì đây là con đường dẫn đến sự thịnh vượng kinh tế.

Theo ông Perry, Mỹ đang theo đuổi "chủ nghĩa hiện thực năng lượng mới" với sự hỗ trợ của đổi mới công nghiệp và tiến bộ công nghệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cho rằng vị thế nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới là điều tích cực, song đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ thì đó không có ý nghĩa quá lớn, bởi dù không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn cung bên ngoài, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu ròng một lượng lớn dầu mỏ.

Cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu năng lượng thuộc Viện Chính sách Công Baker của Đại học Rice, Michael Maher, cho rằng khi giá dầu giảm, Mỹ sẽ không có lợi lớn mà đáng lẽ phải có với tư cách là nhà nhập khẩu lớn, còn khi giá tăng, kinh tế Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực vì sản lượng dầu của Mỹ cũng gia tăng.

Chuyên gia Edward Hirs thuộc Đại học Houston cũng có cùng quan điểm, cho rằng Mỹ vẫn chưa có được sự độc lập về năng lượng, ít nhất từ khía cạnh chiến lược hay triển vọng kinh tế, bởi diễn biến trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường dầu mỏ và khí đốt của Mỹ.

Năm 2018, giá dầu biến động mạnh, từng ghi nhận mức gần 80 USD/thùng trước khi giảm xuống khoảng 50 USD/thùng. Giới chuyên gia cho rằng biến động của thị trường dầu mỏ thế giới có thể làm giảm lợi ích mà Mỹ có được khi là nước sản xuất lớn nhất thế giới. Mặc dù không cò phụ thuộc vào dầu mỏ từ Trung Đông, Mỹ vẫn hưởng lợi từ sự ổn định của khu vực này.

Chuyên gia Hirs cho rằng lý do khiến Mỹ không tham gia vào việc làm thay đổi thị trường thế giới là do chi phí sản xuất của nước này cao hơn so với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Nếu OPEC vẫn cùng với Nga phối hợp để duy trì mức giá cao, các nhà sản xuất Mỹ sẽ có thể duy trì việc khai thác. Ông cho biết, Mỹ phụ thuộc vào OPEC trong việc sản xuất dầu giá rẻ hơn kể từ năm 1974 và chiến lược này khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung và sự thao túng thị trường của OPEC./.

Nguồn: