Nga có “quân bài” gì trong cuộc chiến tranh dầu mỏ?
02:01 SA @ Thứ Năm - 26 Tháng Ba, 2020

Hậu quả của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu là rất rõ rệt, giá dầu lao dốc tới 30% mức sụt giảm sâu nhất trong một ngày kể từ đầu thập niên 1990 sau khi Saudi Arabia nổ “phát súng” đầu tiên của cuộc chiến giá dầu toàn cầu.

Thị trường dầu mỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: RIA.

Tờ Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản nhận định, Nga có một số “điểm mạnh” so với Saudi Arabia trong cuộc chiến tranh dầu mỏ đang nổ ra.

Sau khi không đạt được thỏa thuận với Nga về giảm khối lượng khai thác dầu mỏ đưa ra thị trường hàng ngày để ngăn cản đà trượt dốc của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới, Saudi Arabia đã thay đổi chiến lược bằng cách làm cho giá dầu mỏ thêm tiếp tục giảm và tăng sản lượng khai thác.

Theo đó, ấn phẩm của Nhật Bản đã chỉ ra lợi thế đầu tiên của Nga là sự mất giá của đồng ruble được giảm nhẹ, bởi vì Nga có nguồn dự trữ vàng, ngoại hối lớn và quỹ phúc lợi quốc gia khổng lồ.

Đồng ruble của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua. Đồng ruble đã giảm hơn 7% trong phiên giao dịch 9/3, xuống gần 74 ruble đổi một USD, tương đương mức tỉ giá ghi nhận hồi đầu năm 2016. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ dừng thu mua ngoại tệ trong 30 ngày, đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và sẵn sàng sử dụng “các công cụ bổ sung để duy trì sự ổn định tài chính”.

Lợi thế thứ hai, theo ấn phẩm đề cập rằng giá dầu ước tính trong ngân sách của Saudi Arabia là khoảng 80 USD/ thùng, trong khi đối với Nga con số này là một nửa. Theo Bloomberg, Nga có thể là nhà sản xuất dầu duy nhất có khả năng làm việc với mức giá dầu là 15-20 USD/ thùng. Các chuyên gia từ Bank of America và Raiffeisenbank cho biết, lợi thế của Nga là chi phí sản xuất thấp, cơ sở hạ tầng phụ trợ phát triển, hệ thống thuế linh hoạt và tỷ giá hối đoái “thả nổi”.

Cũng theo ấn phẩm một lợi thế khác cũng không kém phần quan trọng của Nga là sự kiên định của nhân dân trước các tình huống khủng hoảng. Trong những năm qua, người Nga đã cố gắng đối phó với hậu quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và hiện nay tiếp tục chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Mới đây, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi sau sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát và ổn định. Ông Mikhail Mishustin cho biết trong phiên họp của chính phủ Nga về các vấn đề kinh tế. Theo ông Mishustin, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đã sẵn sàng cho sự biến động trên thị trường thế giới.

“Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn rất tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường dầu mỏ: giá dầu đã giảm hơn 60% kể từ đầu năm và 55% trong tháng qua. Điều này xảy ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Mishustin nói.

Theo các chuyên gia, các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga đã chuẩn bị sẵn kế hoạch cạnh tranh trên thị trường với các nhà sản xuất thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong bối cảnh giá dầu được dự báo giảm xuống còn 32 USD/thùng và thấp hơn.

Trước đó, đầu tháng 3, Saudi Arabia vừa tuyên bố sẽ nâng sản lượng cung cấp dầu mỏ lên mức cao kỉ lục vào tháng 4 như một động thái nhằm cạnh tranh thị phần với Nga và dấu hiệu cho thấy sự từ chối đàm phán với Nga về một thỏa thuận mới. Saudi Arabia đã khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong nhiều tháng qua. Nước này đang dự trữ hàng trăm triệu thùng dầu, do đó có thể cung cấp vượt qua khả năng sản xuất.

Giám đốc của tập đoàn dầu mỏ Aramco Amin Nasser cho biết, họ sẽ tăng sản lượng lên 12,3 triệu thùng/ngày vào tháng 4. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đồng ý với Kuwait trong việc nối lại hoạt động ở các mỏ dầu chung để góp phần tăng sản lượng cho Aramco.

Nguồn: