Nga đang xem xét thay thế USD trong giao dịch năng lượng
01:49 SA @ Thứ Hai - 14 Tháng Mười, 2019

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết nước này đang xem xét các lựa chọn thay thế cho USD trong các giao dịch năng lượng.

Đồng thời, ông Maxim Oreshkin cho biết Nga cũng đang tìm cách thanh toán tiền tệ hiện nay bằng Euro (EUR) và Ruble (RUB) để xuất khẩu năng lượng, nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của Mỹ.

Cụ thể, trong bài viết đăng ngày 13.10 trên Financial Times​, Bộ trưởng Kinh tế Nga nhấn mạnh: "Chúng tôi có một loại tiền tệ tốt và rất ổn định. Vậy tại sao không sử dụng nó cho các giao dịch toàn cầu? Chúng tôi muốn (bán dầu và khí đốt) bằng RUB vào thời điểm nhất định".

Ông Oreshkin cho rằng Moscow có thể sẽ xuất khẩu năng lượng bằng nội tệ của mình.

Gazprom, tập đoàn nhà nước Nga cung cấp 1/3 lượng khí đốt cho châu Âu và thị phần có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, đã xuất khẩu khí đốt tự nhiên trị giá 51 tỉ USD sang châu Âu vào năm ngoái, trong khi Rosneft cũng thuộc sở hữu nhà nước Nga đã xuất khẩu 123,7 triệu tấn dầu.

Hiện các công ty dầu khí nhà nước (vốn thống trị nền kinh tế Nga) đang tìm kiếm sự thay thế về tiền tệ trước sự căng thẳng về địa chính trị liên tục với Mỹ. Rosneft đã định giá đấu thầu giao ngay tháng 9 và tháng 10 bằng EUR, trong khi Gazprom vào tháng 3 đã bán hàng hóa khí đốt tự nhiên lần đầu tiên bằng RUB cho một công ty Tây Âu.

TTXVN dẫn ra một diễn biến khác có liên quan, đó là vào đầu tháng 10, khi phát biểu tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga, Tổng thống Vladimir Putin cũng cho biết Nga đang hạn chế các giao dịch bằng USD để đối phó với những nỗ lực của Mỹ, khi sử dụng USD như một "vũ khí chính trị".

Và ông Putin nhấn mạnh, điều này sẽ buộc các nước khác phải cắt giảm dự trữ USD và hạn chế giao dịch bằng USD.

Hôm 8.10, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận về thanh toán song phương bằng nội tệ của hai quốc gia. Mục tiêu chính của thỏa thuận nhằm gia tăng và dần chuyển sang sử dụng RUB và Lira (TRY, nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ) cho các thanh toán song phương, từ đó kỳ vọng tạo ra cơ sở hạ tầng tài chính và tăng sức hấp dẫn của nội tệ đối với doanh nghiệp 2 nước.

Nguồn: