Nga tăng cường bảo vệ nguồn dầu khí ở Bắc Cực
02:18 SA @ Thứ Sáu - 05 Tháng Tám, 2016

Với tốc độ khai thác như hiện nay, trong 28 năm nữa, trữ lượng dầu có thể khai thác của Nga sẽ cạn kiệt. Nguồn dầu khí dồi dào của Nga ở Bắc Cực đang bị nhiều nước khác nhòm ngó. Những động thái gần đây của Nga tại vùng này cho thấy Moskva đặt cược tương lai dầu khí của mình vào khu vực này.

Hồi giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tài nguyên Nga Sergei Donskoi cảnh báo nước này sẽ cạn kiệt dầu mỏ sau 28 năm nữa và sự suy giảm sản lượng khai thác tại các mỏ dầu truyền thống sẽ bắt đầu vào năm 2020. Ông Donskoi tính rằng trữ lượng dầu có thể khai thác của Nga vào khoảng 29 tỉ tấn. Sản lượng khai thác dầu thô không có khí ngưng tụ năm 2015 là gần 505 triệu tấn. Nếu tính “kịch trần” theo các số liệu này, trữ lượng dầu của Nga sẽ đủ để khai thác trong 57 năm.

nga tang cuong bao ve nguon dau khi o bac cuc

Một giàn khoan của Nga được kéo lên Bắc Cực

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, trữ lượng dầu đã được các chuyên gia thẩm định chỉ bằng một nửa, tức là khoảng 14 tỉ tấn, nên chỉ đảm bảo khai thác trong vòng 28 năm. Theo ông Donskoi, nếu không phát triển các mỏ dầu mới, sản lượng khai thác dầu sẽ sụt giảm từ năm 2020 do số mỏ dầu khó khai thác tăng lên. Trong trường hợp lạc quan nhất cho các hãng sản xuất dầu mỏ, tăng trưởng sản lượng trong ngắn hạn chỉ có thể tiếp diễn đến năm 2020. Sau thời gian này, sản lượng dầu sẽ hạ và mức hạ thay đổi trong vùng từ 1,2% đến 46%, tùy thuộc vào giá dầu, thuế và sự hiện hữu của lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt lên Nga. Mức tăng nhẹ trong sản xuất chỉ khả thi với các hãng năng lượng nhỏ hơn như Slavneft và Russneft, trong khi các công ty lớn dẫn đầu thị trường đối mặt với sự sụt giảm. Môi trường thiếu thuận lợi về thuế cũng là một trở ngại khiến sản lượng của các hãng lớn có thể giảm từ 39% đến 61%.

Các chuyên gia địa chất của Nga cho hay, khu vực Bắc Cực có thể tìm thấy những mỏ dầu và khí đốt khổng lồ. Bắc Cực chứa 22% trữ lượng dầu và khí thiên nhiên chưa phát hiện của thế giới, trong đó khí chiếm 30% trữ lượng toàn cầu và dầu 13%. Theo đánh giá của Tổ chức Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), tổng trữ lượng dầu và khí thiên nhiên lên tới 412 tỉ thùng dầu quy đổi, khí và khí hóa lỏng chiếm 78%. Các chuyên gia đã tìm thấy ở đây nhiều triển vọng dầu và khí nhất, hơn bất kỳ đâu trên thế giới.

Cho đến nay, vẫn chưa có một quy định nào về vấn đề quyền khai thác tại Bắc Cực đối với bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù 5 nước liên quan trực tiếp là Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã ký một văn kiện liên quan đến Bắc Cực, song văn kiện này không có tính chắc chắn lâu dài và không thể ngăn cản “cuộc chiến” phân chia Bắc Cực giữa các nước. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài thì hoàn toàn có khả năng xảy ra xung đột quân sự khi các lợi ích chiến lược của Bắc Cực ngày một lộ rõ và các bên liên quan chưa thể thống nhất về một giải pháp phân chia quyền lợi chung.

Đối với Nga, việc đến Bắc Cực là vì các mỏ dầu và khí đốt đang khai thác trên đất liền đang cạn dần. Từ lâu, khu vực Bắc Cực đã chiếm một vị trí quan trọng trong các chính sách đối ngoại hàng đầu ở Nga. Được Tổng thống Nga phê chuẩn hồi tháng 9-2008, các chính sách cơ bản của Nga tại Bắc Cực đến năm 2020 và triển vọng lâu dài là bảo tồn Bắc Cực với tư cách là khu vực hòa bình và hợp tác, được coi như một trong những lưu tâm hàng đầu của Nga.

Cuối tháng 7 vừa qua, tờ Les Echos của Pháp nhận định rằng, Nga sẽ tăng cường bảo vệ chủ quyền của mình tại Bắc Cực như đã từng làm ở Ukraina và Syria. Tờ báo dẫn lời tuyên bố mới đây của Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người đứng đầu Ủy ban Quốc gia Nga về Bắc Cực: “Nga sẽ đầu tư 20 triệu USD trong vòng 15 năm tới vào việc phát triển công nghệ thám hiểm Bắc Cực. Chính phủ cũng sẽ đóng thêm tàu biển hoạt động tốt trong môi trường lạnh giá”. Tờ báo Pháp cho rằng, khi nói lên những điều này, Nga đang nhằm mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài trong các lĩnh vực như công nghệ sưởi ấm, vật liệu xây dựng và thiết bị liên lạc.

Ông Rogozin cho biết, 90% các thiết bị nghiên cứu đang được sử dụng ở Bắc Cực đều được nhập khẩu từ nước ngoài do đó, Nga cần đầu tư vào phát triển công nghệ cho riêng mình nhằm tránh sự rủi ro chính trị.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, nước này đang phát triển một hệ thống sonar mới để bảo vệ lãnh hải ở Bắc Cực, có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm kilômét sẽ hoàn thành vào năm 2017. Hệ thống này được phát triển bởi Tập đoàn Almaz-Antey cùng nhiều nhà thầu quân sự khác, bao gồm các sonar nổi và cảm biến chìm dưới mặt nước. Nó có khả năng nghe được các tín hiệu âm thanh ở cả dưới và trên mặt nước, sau đó truyền thông tin qua đài kiểm soát trên mặt đất thông qua vệ tinh.

Vào hồi tháng 6, tàu phá băng Dự án 22220, có tên gọi Arktika đã được hạ thủy ở xưởng đóng tàu Baltic, thành phố St. Petersburg và sẽ được biên chế 3 chiếc vào năm 2020. Các tàu phá băng này sẽ dọn đường cho các tàu chờ dầu với trọng lượng 200.000 tấn và biến Nga thành quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất tại Bắc Cực.

Ngoài ra, Cơ quan Xây dựng đặc biệt liên bang Nga (Spetsstroy) đang xây dựng các căn cứ quân sự và doanh trại ở khu vực Viễn Bắc, Viễn Đông và Siberia cho 20.000 quân nhân và gia đình của họ. Bằng hành động này, Nga hy vọng sẽ đảm bảo được an ninh cho khu vực Bắc Cực.

Nguồn: